Tài nữ dùng thơ tình giành lại tình yêu được người đời ngưỡng mộ
“Phượng cầu hoàng” là một câu chuyện tình nổi tiếng trong lịch sử. Nàng Văn Quân xinh đẹp, tài hoa dùng thơ tình giành lại tình yêu, giai thoại ấy cho đến ngày nay vẫn được người đời ca ngợi.
Tư Mã Tương Như, tự Tràng Khanh, người thời Hán, sống ở Thành Đô, nổi tiếng với tài văn thơ và gảy đàn. Từ nhỏ, Tương Như giao thiệp rộng rãi, được người người ngưỡng mộ, trong đó, không thiếu những bậc giai nhân ngồi trong rèm trướng ngưỡng mộ chàng từ xa. Nhưng bản tính thích cuộc sống tự do tự tại, Tư Mã Tương Như không vội vàng trong chuyện thành gia lập thất.
Trong một lần ghé đất Lâm Cùng, Tư Mã Tương Như làm quen với Trác Vương Tôn, một viên ngoại giàu có trong vùng. Trác Vương Tôn có người con gái là Trác Văn Quân, nổi tiếng xinh đẹp và có tài thơ ca. Tuy nhiên, Văn Quân còn trẻ mà đã sớm góa bụa, sống lạnh nhạt phòng không chiếc bóng.
Biết Văn Quân yêu thích tiếng đàn, Tương Như vừa gảy đàn vừa hát khúc “Phượng cầu hoàng” (Chim phượng trống tìm chim phượng mái).
Khúc Phượng cầu hoàng nổi tiếng của tài tử đã làm say lòng giai nhân. Cũng từ khúc nhạc này, Trác Văn Quân quyết tâm đi theo tiếng gọi con tim, nguyện theo Tư Mã Tương Như đến chân trời góc bể. Hai người bỏ đi khỏi huyện nhà, tìm đến mảnh đất mới cùng nhau làm uyên ương liền cành dù gia cảnh khá bần hàn.
Không lâu sau đó, Tương Như được Hán Vũ Đế trọng dụng, cho mời vào triều ban chức tước. Thỏa nguyện bút mực bấy lâu, Tương Như rời xa người vợ hiền, tiến vào đất đô thành, ngày ngày bận rộn việc quan dân, tối tối được vây quanh bởi những bậc phong lưu chốn kinh thành, trong đó có không thiếu những giai nhân tuyệt sắc. Cuộc sống phồn hoa khiến Tương Như dần quên thê tử nơi quê nhà, trong khi Văn Quân ngày đêm vò võ ngóng trông. Cách mặt xa lòng, Tương Như có ý định nạp thiếp.
Rồi một hôm, Văn Quân đang ngồi tựa cửa, chợt có người dâng đến một phong thư của chàng, mở bức lụa trắng tinh mà lòng những xốn xang. Nào ngờ trên mảnh lụa chỉ vỏn vẹn vài chữ “Một hai ba bốn năm sáu bảy tám chín mười trăm ngàn vạn”. Thưa thớt như bước chân người trở về, lạt lẽo như lòng kẻ phụ phàng.
Vốn lan tâm tuệ tính, Trác Văn Quân thoáng cái đã minh bạch, bởi thế nàng cầm bút thảo một mạch và gửi ngay cho người đem thư tới kinh thành khi thư còn chưa ráo mực. Nàng đã dùng từ khéo léo, vận dụng một cách tài tình câu chữ trong bức thư Tương Như gửi.
Nửa đoạn đầu, Văn Quân khéo léo vận dụng câu chữ theo thứ tự thuận:
“Nhất biệt chi hậu, nhị địa tương huyền,
Chích thuyết thị tam tứ nguyệt,
Hựu thùy tri ngũ lục niên.
Thất huyền cầm vô tâm đạn,
Bát hành thư vô khả truyện,
Cửu liên hoàn tòng trung chiết đoạn,
Thập lý trường đình vọng nhãn dục xuyên.
Bách tư tưởng, thiên hệ niệm, vạn bàn vô nại bả lang oán”.
Tạm dịch:
“Sau khi một biệt, lòng gởi hai nơi,
Chỉ hẹn rằng ba bốn tháng,
Nào ngờ lại năm sáu năm,
Bảy dây trống trải đàn cầm,
Tám hàng thư không thể gởi,
Chín mối bội hoàn dang dở,
Mười dặm trường đình mỏi mắt ngóng trông,
Trăm tương tư, ngàn dằn vặt, muôn chung nào nỡ oán chàng”.
Còn nửa đoạn sau, Văn Quân lại sử dụng câu chữ trong bức thư của lang quân theo thứ tự ngược lại:
“Vạn ngữ thiên ngôn thuyết bất hoàn,
Bách vô liêu lại thập y lan,
Trọng cửu đăng cao khán cô nhạn,
Bát nguyệt trung thu nguyệt viên nhân bất viên.
Thất nguyệt bán thiêu hương bỉnh chúc vấn thương thiên,
Lục nguyệt phục thiên nhân nhân diêu phiến ngã tâm hàn,
Ngũ nguyệt thạch lưu như hỏa thiên ngộ trận trận lãnh vũ kiêu hoa đoan,
Tứ nguyệt tỳ ba vị hoàng ngã dục đối kính tâm ý loạn,
Cấp thông thông, tam nguyệt đào hoa tùy thủy chuyển,
Phiêu linh linh, nhị nguyệt phong tranh tuyến nhi đoạn.
Y! Lang nha lang,
Ba bất đắc hạ nhất thế,
Nhĩ vi nữ lai ngã tác nam”.
Tạm dịch:
“Vạn lời ngàn tiếng nói sao đang,
Trăm cô liêu tựa mười hiên vắng,
Mùng chín tháng chín lên cao trông lẻ nhạn,
Tháng tám trung thu tròn trăng chẳng thấy người,
Tháng bảy nửa vầng hương cầm đuốc hỏi ông trời,
Tháng sáu phục hiên ai ai lay quạt lạnh lòng ai,
Tháng năm lửa lựu lập loè sầm sập mưa dầm hoa tả tơi,
Tháng tư tỳ bà lạnh vắng người toan soi gương tâm ý loạn,
Chợt hối hả tháng ba hoa đào theo nước trôi,
Tháng hai gió gảy tiếng rã rời.
Ôi chàng, chàng ơi,
Nguyện cho được sau một kiếp,
Chàng thành nhi nữ để thiếp làm phận trai”.
Sau khi nhận được bức thư hồi đáp, đọc những dòng thư thấm đẫm nỗi lòng người phương xưa, mỗi câu, mỗi vần đều được sử dụng khéo léo từ những từ ngắn ngủi mà mình đã gửi, Tương Như không khỏi xúc động và xấu hổ, nghĩ về tình nghĩa phu thê. Ông không khỏi khâm phục người vợ tài sắc của mình và thấu hiểu hơn nỗi lòng người phương xa. Sau đó không lâu, Trác Văn Quân còn gửi đến chồng bài thơ Bạch đầu ngâm, trong đó có câu:
“Nguyện đắc nhất tâm nhân,
Bạch đầu bất tương ly”.
Tạm dịch:
“Nguyện một lòng không thay đổi,
Đến khi đầu bạc chẳng xa nhau”.
Đọc những bức thư chứa những vần thơ đó, Tư Mã Tương Như từ quan, quay về Thành Đô đoàn tụ cùng vợ. Hai người chung sống bên nhau đến bạc đầu.
Tư Mã Tương Như là một bậc trượng phu. Nhưng nhiều khi tình cảm cũng vượt qua sự kiểm soát của lý trí, lại nói đến sức mạnh của ái tình, có thể khiến cho người ta đầu óc choáng váng mà không thể là chính mình. Nhưng với sự khéo léo và tài hoa của Văn Quân, nàng đã giữ trọn được trái tim của chàng.
Và ngày nay, chuyện tình cùng những vần thơ mà Trác Văn Quân gửi cho chồng, vẫn được người đời sau đọc với tất cả sự ngưỡng mộ và đồng cảm.
Theo zhengjian.org