Phát hiện mới về xác ướp phụ nữ 1.000 năm tuổi đi giày… Adidas
Sau 1 năm nghiên cứu những bí ẩn xung quanh xác ướp hơn 1.000 năm tuổi đi đôi giày có kiểu dáng hiện đại giống hệt giày thể thao Adidas, các nhà khoa học đã có những phát hiện mới có thể giúp họ hiểu sâu hơn về người Turkik sinh sống ở Mông Cổ xưa.
Vào tháng 4/2016, ảnh chụp một xác ướp được phát hiện trên dãy núi Altai (Mông Cổ) trở nên nổi tiếng nhờ đôi giày kiểu dáng hiện đại trông rất giống giày thể thao. 12 tháng sau đó, các nhà khoa học đã tìm ra nguyên nhân cái chết của xác ướp bí ẩn này.
Các chuyên gia ở Trung tâm Di sản Văn hóa Mông Cổ cho rằng, xác ướp là của một người phụ nữ vì trong mộ không có cung nỏ. Qua kiểm tra sơ bộ, họ cho rằng bà này qua đời ở độ tuổi 30-40, tử vong do bị đánh mạnh vào phần mặt và cổ.
Nhóm nghiên cứu hiện vẫn chưa xác định được niên đại chính xác của mồ chôn, nhưng họ ước tính việc mai táng diễn ra vào thế kỷ 10. “Với những vạch sọc, phát hiện được so sánh với giày thể thao Adidas khi công bố. Đó là một vật thể thú vị để nghiên cứu đối với các nhà dân tộc học, đặc biệt khi kiểu dáng giày rất hiện đại“, Galbadrakh Enkhbat, giám đốc trung tâm, nhận xét về đôi giày.
Đôi giày của người phụ nữ được làm sạch cẩn thận với hình ảnh mới được trang Siberian Times công bố hôm 12/4. Nó được đánh giá là thực sự phù hợp sử dụng trong thời tiết lạnh giá.
Các nhà khảo cổ học cho biết, do được chôn cất ở độ cao 2.800m nên xác ướp có niên đại hơn 1.000 năm tuổi này được bảo quản khá tốt. Một phần da và tóc vẫn lưu lại trên xác ướp bọc bằng vải dạ.
Bao phủ thi thể này là chiếc áo choàng Shilajit may từ vật liệu dày có màu sắc từ trắng đến nâu sậm. Do đó, đây được cho là xác ướp nguyên vẹn đầu tiên của người Turkik được mai táng ở khu vực Trung Á.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn phát hiện một số đồ vật chôn cùng người phụ nữ này, bao gồm một chiếc túi xách, gương, lược và dao, yên ngựa, dây cương, bình đất sét, bát gỗ, ấm sắt, xương ngựa, đặc biệt là 4 bộ quần áo làm từ vải cotton. Điểm thú vị là quần áo không chỉ dệt bằng len lông cừu, mà còn được làm từ lông lạc đà. Điều này cho thấy người thời đó đều là những thợ thủ công lành nghề.
Dù người phụ nữ sở hữu nhiều đồ xa xỉ nhưng các nhà khoa học cho rằng bà chỉ là dân thường, không thuộc tầng lớp quý tộc hay hoàng gia.
Những phát hiện này được tin là sẽ giúp giới khảo cổ hiểu sâu hơn về người Turkik bản địa sinh sống ở Mông Cổ xưa.
TinhHoa tổng hợp