Phát hiện không ngờ khi mở mộ Chúa Jesus
Trong khi kiểm tra mộ Chúa Jesus tại nhà thờ Mộ Thánh ở Jerusalem các nhà khoa học đã tìm thấy một lớp bụi đặc biệt có thể giúp tìm hiểu sâu hơn về nơi linh thiêng này.
Nhóm chuyên gia tôn tạo do Đại học Công nghệ Quốc gia Athens dẫn đầu được giao thực hiện dự án gia cố Edicule, phòng thờ nhỏ xây trùm bên trên mộ Chúa Jesus ở trung tâm nhà thờ Mộ Thánh, theo National Geographic.
Báo cáo sơ bộ đã xác nhận rằng nơi chôn cất Chúa Jesus đã không bị thay đổi sau nhiều thế kỷ nhà thờ Mộ Thánh ở Jerusalem bị phá hủy và tái thiết.
Trong quá trình mở mộ, các nhà nghiên cứu tìm thấy một lớp bụi bên dưới phiến đá cẩm thạch che phủ mộ. Đây là phát hiện nằm ngoài dự kiến của nhóm chuyên gia vì các thiết bị thăm dò trước đó như radar xuyên đất không phát hiện sự tồn tại của lớp bụi này.
“Tôi vô cùng kinh ngạc. Đầu gối tôi hơi run lên vì tôi không ngờ sẽ bắt gặp thứ này“, Fredrik Hiebert, nhà khảo cổ thuộc Hiệp hội Địa lý Quốc gia, một thành viên trong nhóm chuyên gia, chia sẻ về phát hiện.
“Chúng ta không thể nói chắc 100%, nhưng nó dường như là bằng chứng rõ ràng rằng vị trí của ngôi mộ đã không bị chuyển dời qua thời gian, điều mà các nhà khoa học và sử học đã tự hỏi trong nhiều thập kỷ“, ông nói thêm.
Các nhà khoa học sẽ nghiên cứu lớp bụi để tìm hiểu sâu hơn về mộ Chúa Jesus. Theo dự kiến, dự án tôn tạo sẽ hoàn thành vào mùa xuân năm 2017.
Các tài liệu Kitô giáo cho thấy, Chúa Jesus đã được đặt trên giường chôn cất sau khi ông bị người La Mã đóng đinh có thể vào năm 30. Sau 3 ngày qua đời, chúa được cho là đã hồi sinh để tiếp tục giảng đạo trước khi trở về thiên đàng.
Theo VnExpress, Ancient Code