Pháp sư giảng pháp, trời xanh cảm động ban đá Vũ Hoa
Đá Vũ Hoa được mệnh danh là “quốc bảo trời ban”, xuất hiện lần đầu tiên ở đài Vũ Hoa tại Nam Kinh. Khi xưa đài Vũ Hoa được gọi là gò Mã Não, ở núi Tụ Bảo, cũng bởi vì trên núi có nhiều đá ngũ sắc nên mới được gọi như vậy.
Thời kỳ Nam Triều lưu truyền một truyền thuyết, lúc đó Phật giáo rất thịnh hành, đài Vũ Hoa Nam Kinh là một vùng có chùa miếu mọc lên san sát như rừng, hương khói nghi ngút. Có một vị cao tăng là pháp sư Vân Quang ở đây giảng kinh thuyết pháp, cảm động trời xanh nên được trời ban cơn mưa hoa, rơi xuống đất hóa thành đá, không chỉ khiến cho đá Vũ Hoa trở thành tuyệt phẩm trời ban, mà cũng giao phó cho nó nội hàm văn hóa sâu đậm.
Đá Vũ Hoa từ đó trở thành điềm lành truyền thừa đến nay, hình dạng và màu sắc của nó trông vô cùng tráng lệ và đẹp đẽ. Đá Vũ Hoa được nhiều người yêu mến và trở thành vật biểu tượng cho văn hóa lịch sử của cố đô Kim Lăng.
Nam Kinh là một thành phố của những con sông lớn và những ngọn núi lớn. Vạn dặm Trường Giang ào ào đổ về, xuyên qua thành phố đi về hướng Đông; những dãy núi bao quanh tạo thành hình con rồng.
Phía Tây thành phố có núi Thạch Đầu, thời Tam Quốc Đông Ngô dựa vào địa thế hiểm yếu mà xây dựng thành Thạch Đầu, Nam Kinh từ đó có biệt danh là thành Thạch Đầu.
Nghe nói thừa tướng nước Thục là Gia Cát Lượng lúc đi sứ Đông Ngô, từng ở núi Thạch Đầu nhận xét về địa hình Nam Kinh, khen rằng “Chung Sơn long bàn, Thạch Thành hổ cứ, chân đế vương chi trạch”, ý rằng núi Chung Sơn có địa thế rồng cuộn, Thạch Thành có địa thế hổ chầu, thực là nơi ở của bậc đế vương.
Bởi địa hình như thế, từ Đông Ngô, Đông Tấn, Nam Tống, Tề, Lương, Trần đều lập nơi này là kinh đô. Sử sách gọi nơi này là “Lục triêu kim phấn địa, Kim Lăng đế vương châu”, ý nói 6 triều đại từng đóng đô ở đây đều hưng thịnh, Kim Lăng quả là kinh đô của đế vương.
Ở đây có vùng Giang Nam nổi tiếng non nước hữu tình, có nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp. Phía Đông thành có Chung Sơn xanh ngắt, ngạo nghễ, cao vút, phía chân núi phía Nam là lăng Trung Sơn trang nghiêm hùng vĩ, bên cạnh có cổ tháp ngàn năm – Linh Cốc Tự.
Phía Tây thành là núi Thanh Lương chạy dài, trên núi có chùa Thanh Lương nổi tiếng và kiến trúc Thành Thạch Đầu tựa vào núi. Sông nước ở Nam Kinh cũng rất đẹp, có vẻ đẹp của tự nhiên và cả vẻ đẹp của nhân tạo, giống như câu thơ: “Hoa sen trên nước, liễu trên đồi; nửa thành núi sắc, nửa thành hồ”.
Thế nhưng, ấn tượng sâu đậm nhất đối với nhiều người có thể nói chính là đài Vũ Hoa ở cửa Nam. Đài này nổi danh là bởi có đá Vũ Hoa, những viên đá vừa lóng lánh mượt mà, vừa tinh xảo đặc sắc.
Khi xem xét kỹ lưỡng những hòn đá này, phát hiện chúng có nét giống vỏ sò, có nét giống lão nhân tĩnh tọa, cũng có nét giống với hồ điệp. Những hòn đá xinh đẹp này bên trong có những vân đá như mây núi sông hồ, nhân vật thần tiên, tranh hoa chim cá, thật sự quá thần kỳ.
Những viên đá này đỏ như mã não, xanh giống như ngọc bích, nhặt mấy viên đem về nhà, đặt ở bên trong bát hoa, đựng một ít nước, nước trong như gương, hiện ra vẻ đẹp vô cùng đặc biệt. Vẻ đẹp này của đá Vũ Hoa còn liên quan tới một truyền thuyết cảm động lòng người.
Đó là vào thời đại Nam triều, có một hòa thượng pháp danh Vân Quang, ông xuất gia từ nhỏ, cung kính Thần Phật, muốn khích lệ nhân gian hướng thiện, giải cứu kiếp nạn cho dân chúng nên đã vân du khắp nơi để phổ truyền Phật pháp.
Lúc đó, Phật giáo mới được truyền nhập vào Trung Quốc, tín đồ còn chưa nhiều lắm, Vân Quang hòa thượng đi đến nơi nào để truyền giảng Phật pháp thì cũng đều không có mấy người nghe, ông bắt đầu có chút nhụt chí.
Có một ngày, vào chạng vạng tối, khi Vân Quang hòa thượng đang ngồi bên đường, đột nhiên xuất hiện trước mặt một lão bà, đưa cho Vân Quang một đôi giày, rồi bảo ông mang vào và đi truyền giảng Phật pháp, hễ giày đi đến nơi nào mà bị rách đi, thì có thể ở đó truyền giảng kinh Phật. Lão thái bà vừa dứt lời liền biến mất, Vân Quang hiểu rằng đó nhất định là Bồ Tát chỉ thị ông đi hoằng truyền Phật pháp, cũng khích lệ ông đừng ngại gian khổ.
Vân Quang không biết đã đi đến bao nhiêu nơi, nhưng đôi giày vẫn chưa rách. Một ngày, ông đi lên một gò đá ở trong thành Nam Kinh thì đôi giày đột nhiên bị rách. Ông liền dừng lại ở gò đá và bắt đầu kết thiện duyên, truyền giảng kinh Phật.
Ban đầu người nghe giảng kinh Phật không được nhiều, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, tín đồ càng ngày càng đông. Có một ngày, lúc ông đang truyền giảng kinh Phật, người nghe như say mê, nhất thời cảm động thiên thần, những áng mây bay qua đột nhiên lóe sáng trên bầu trời, trong khoảnh khắc những cơn mưa hoa đổ xuống hóa thành từng hòn đá nhỏ óng ánh mượt mà.
Bởi vì những hòn đá nhỏ là những giọt mưa từ trên trời rơi xuống hóa thành, cho nên mọi người gọi là đá Vũ Hoa và gọi gò đá nơi Vân Quang hòa thượng giảng kinh là “đài Vũ Hoa”.
Nếu ai có cơ hội tới Nam Kinh, đừng quên đi tới đài Vũ Hoa, có thể nhặt những viên đá Vũ Hoa tuyệt đẹp này đem về nhà làm kỉ niệm, sẽ thấy được những tinh túy ẩn trong món quà được gửi đến từ thiên thượng này.
>>> Na Tra gây nhiều tai họa tại sao lại được phong thần? Thì ra là có huyền cơ
>>> Bậc hào kiệt cần có 8 khí tiết hay còn gọi là “bát khí”
Tuệ Tâm, theo Onesiteworld