‘Pagpag’: Món ăn đến từ bãi rác của những người sống dưới mức nghèo khổ ở Philippines
Đã hàng chục năm nay, người dân sống tại khu ổ chuột Payatas (Philippines) phải đi bới móc từ những bãi rác hôi thối tìm từng miếng thịt thừa. Họ ăn chúng đế sống qua ngày, nếu dư sẽ bán lại để kiếm thêm chút tiền…Và pagpag chính là tên gọi loại thức ăn thừa nhặt từ bãi rác, được các nhà hàng chế biến lại.
Từ sáng sớm, các phương tiện di chuyển nườm nượp qua khu ổ chuột thuộc quận Payatas, thành phố Quezon, nằm ngay phía Bắc thủ đô Manila. Cũng là thị trấn nghèo được xây dựng trên bãi rác.
Khi chiếc xe tải chở rác dừng lại, từng bao rác được quăng xuống cũng là lúc những người như bà Fabon trở lên bận rộn.
Bới tìm trong bãi rác
“Tôi đang lục chỗ rác này để nhặt ‘pagpag'”, người phụ nữ ngoài 50 tuổi nói. ‘Pagpag’ trong tiếng Tagalog, ngôn ngữ mẹ đẻ của 1/4 dân số Philippines, nghĩa là bụi bẩn bám trên quần áo. Tuy nhiên, trong thế giới của những người nghèo cùng cực như bà, ‘pagpag’ là những miếng thịt gà rán mà các thực khách ăn thừa được nhà hàng vứt vào thùng rác.
Với những người ở khu vực khác, đống rác ngổn ngang đó là đồ bỏ đi nhưng với những con người tại khu ổ chuột Payatas, đó lại là nguồn sống.
Dưới thứ ánh sáng lờ mờ của đèn đường, bà Fabon cầm một cái ức gà cắn dở lên. “Cái này là thịt chứ là gì”, bà Fabon nói. “Giờ việc của tôi là đem về nhà, rửa sạch, đóng gói vào túi nylon và bán lại vào sáng mai. Đắt hàng lắm vì nó rẻ mà. Những người dân sống ở chỗ tôi muốn ăn đồ rẻ” và nếu miếng thịt gà chỉ còn dắt lại chút thịt thì bà sẽ bán với giá rẻ hơn, khoảng 5 cent mỗi túi thịt.
Khi đưa những miếng thịt lên mũi ngửi, bà Fabon nói rằng chúng có mùi chua và ôi. Trên khuôn mặt của người phụ nữ gầy gò hiện rõ sự thất vọng, nhưng không phải vì thứ mùi bà vừa ngửi được mà là do hôm nay bà chỉ nhặt được có 5 túi. “Tôi sẽ bán hết bay trong vòng vài phút!”, bà Fabon nói và kéo theo chiếc xe đựng hàng cũ kĩ vừa đi vừa rao “Pagpag đây!”.
Thức ăn thừa từ bãi rác lại tới bàn ăn
Trong một ngôi nhà xiêu vẹo dựng trên đống rác khổng lồ ở ngoại ô Manila, Morena Sumanda, một người mẹ hai con chạy ra khỏi nhà và hỏi mua 1 túi thịt gà. Dù túi thịt toàn xương chỉ có giá 5 cent, người phụ nữ gần 30 tuổi này vẫn phải đợi chồng đi làm về vào buổi tối mới có tiền trả cho bà Fabon.
“Chồng tôi mỗi ngày kiếm được đúng 5 cent”, Sumanda nói.
Đứa con trai mới chập chững biết đi kêu khóc trong khi Sumanda mang chỗ thịt gà đi rửa, cho vào chảo rán vàng, thêm chút rau. Cô đưa chiếc cánh gà cho con trai, cậu bé nhìn với ánh mắt thèm thuồng.
Khi được hỏi về nguồn gốc chỗ thịt gà này, Sumanda không ngần ngại nói: “Đôi khi, nó đến từ bãi rác”. Và đối với cô thì việc con có được miếng ăn để no bụng đã là điều may mắn lắm rồi.
Không chỉ Sumanda, mà tất cả những người dân sống ở khu ổ chuột vùng ngoại ô Manila đều ăn ‘pagpag’, thức ăn thừa từ bãi rác bởi chúng còn được bán cho cả những nhà hàng tại nơi này.
Những quán ăn, nhà hàng bán ‘bagbag’
Ông Norberto Lucion, chủ nhà hàng thường xuyên bán đồ ăn cho người nghèo đã mua một túi thịt ‘pagpag’ với giá 50 cent (khoảng 11 nghìn đồng) từ 6 giờ sáng và tất bật đi chợ mua nguyên liệu để về chế biến.
Thứ thịt ‘pagpag’ kia sẽ được lóc xương, rửa sạch, chế biến tẩm ướp với gia vị để bớt đi những thứ mùi, thứ màu ‘kinh khủng’. Chế biến xong, nhìn nó lại như một món ăn đẳng cấp nhà hàng, mà chỉ có giá vài nghìn đồng/đĩa (0,2 đô la/ đĩa).
“Tôi ăn ‘pagpag’ vì nó vừa miệng. Thực sự ăn nó có vị rất ngon. Đặc biệt là nhà hàng này làm ‘pagpag’ sạch hơn nên có nhiều khách hơn. Bạn phải có một cái bụng khỏe. Người dân ở đây ư? Chúng tôi quen với nó rồi.
Mọi chuyện là như vậy đấy. Đây là những thứ người nghèo chúng tôi có thể mua được. Chừng nào còn ở đây, chúng tôi còn ăn ‘pagpag’”, Nonoy Moralos, một người giao đá chia sẻ.
Thực phẩm thừa và rủi ro sức khỏe nhưng là sự lựa chọn duy nhất
“Chúng ta không thể nhìn thấy vi khuẩn, không thể biết thức ăn thừa đó bẩn tới cỡ nào qua bề ngoài. ‘Pagpag’ không hề có chất dinh dưỡng, thậm chí còn ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ em. Ngoài ra, loại thức ăn này còn tiềm ẩn nguy cơ gây ra các bệnh nghiêm trọng như viêm gan A, dịch tả, thương hàn…”, ông Cristopher Sabal, một sĩ quan cấp cao tại Ủy ban Chống nghèo đói Quốc gia (NAPC) chia sẻ.
Nhưng dù biết về những sự nguy hiểm của những miếng thịt thừa nhặt từ bãi rác, dù thức ăn thừa là nỗi xấu hổ thầm kín trong xã hội của những người nghèo ở Philippines thì Sumanda và nhiều người nghèo ở Manila cũng không có sự lựa chọn nào khác ngoài ăn ‘pagpag’.
“Ăn thức ăn thừa là một nỗi xấu hổ thầm kín của dân nghèo. Nhưng đây cách sinh tồn của những người đang vật lộn dưới đáy của cái nghèo”, Melissa Alipalo, chuyên gia về phát triển xã hội làm việc cho quỹ Cộng đồng Philippines cho hay.
Họ chấp nhận nhặt thịt thừa từ bãi rác, chế biến thành thức ăn hàng ngày. Tận cùng của sự đói nghèo cơ cực, những việc làm ấy đã quá quen thuộc, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của dân nghèo ở các khu ổ chuột Philippines.
“Lạy Chúa lòng lành, như thế này là đủ rồi” là lời chị Sumanda nói khi đưa cho con miếng cánh gà chiên lại được nhặt từ bãi rác.
“Chúng tôi thường rửa những miếng thịt thừa thật kỹ sao cho không còn mùi, lúc đó chế biến lại mới ngon. Chúng tôi nấu hoặc chiên thịt lên và cho các con ăn”, bà Salazar, chủ cửa hàng tạp hóa của Joe chia sẻ.
Bà còn chia sẻ thêm rằng mỗi tuần gia đình bà ăn đến 4 bữa ‘pagpag’ bởi không cần tốn tiền mua đồ ăn ngoài chợ (dù chỉ cách nhà vài bước chân). Đôi khi gia đình bà còn “tìm thấy gạo, dầu ăn, nước tương trong thùng rác, tất cả đều miễn phí”.
Quỹ Cộng đồng Philippines là một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Manila. Tổ chức này xây một trường cấp một trong khu ổ chuột Tondo và nhận 450 em nhỏ là con cái của những gia đình khó khăn nhất. Ngoài việc học, nhà trường nuôi hàng trăm em học sinh hai bữa ăn mỗi ngày.
Maria Theresa Sarmiento, cán bộ phụ trách sức khỏe của Quỹ, cho biết khi trường mới đi vào hoạt động, học sinh mắc đủ loại bệnh tật. “Dù thức ăn thừa đã được nấu lại nhưng mầm bệnh vẫn ở đó”, Sarmiento nói. “Các ông bố, bà mẹ bị dồn vào đường cùng mới làm vậy. Họ không có đủ tiền để mua thức ăn cho gia đình”.
Vũ Tuấn (t/h)