Ông chủ Trung Quốc bắn nhân viên vì hỏi tiền lương tại Zimbabwe
Một ông chủ Trung Quốc, chủ sở hữu một mỏ vàng miền Trung Zimbabwe đã bắn và làm bị thương hai cựu nhân viên khi hai người này hỏi tiền lương. Vụ việc diễn ra trong bối cảnh người Trung Quốc đang xâm chiếm lĩnh vực khai thác ở Zimbabwe, đánh đập, quấy rối và đối xử tệ với với người lao động.
Theo trang Anadolu Agency , Zhang Xuelin (41 tuổi), quốc tịch Trung Quốc, là chủ sở hữu và Tổng giám đốc của một mỏ vàng gần thành phố Gweru ở miền trung Zimbabwe bị cáo buộc đã bắn và làm bị thương Wendy Chikwaira (31 tuổi) và Kennedy Tachiona (39 tuổi).
Zhang trước đó đã sa thải hai người nhân viên này. Vào ngày 21/6, hai người nhân viên đã tiếp cận Zhang để đòi tiền lương. Cuộc nói chuyện đã biến thành một cuộc cãi lộn và kết thúc bằng việc Zhang bắn hai cựu nhân viên này.
Tachiona bị nhiều vết thương do súng bắn và được đưa vào bệnh viện tư ở thành phố Gweru còn Chikwaira hiện đã được xuất viện.
Vào ngày 23/6, truyền thông Zimbabwe cho biết cảnh sát đã bắt giữ người Trung Quốc này với tội danh cố ý giết người.
Trong cùng ngày, người đứng đầu Công đoàn người lao động và đồng minh khoáng sản kim cương (ZDAMWU) của Zimbabwe cho biết, vụ bắn súng hôm 21/6 diễn ra chỉ một tuần sau khi một ông chủ người Trung Quốc khác đã chĩa súng vào một nhân viên cũng do cãi vã về tiền lương ở thị trấn Zvishavane thuộc tỉnh Midlands của Zimbabwe.
“Kể từ khi người Trung Quốc xâm chiếm lĩnh vực khai thác ở Zimbabwe, các vụ đánh đập, quấy rối và đối xử tệ với người lao động của các chủ nhân có vũ trang đang đầy rẫy và điều đáng lo ngại hơn là những chủ nhân này khoe khoang về mối liên hệ chính trị của họ”, người đứng đầu công đoàn, ông Justice Chinhema nói với tờ New Zimbabwe.
Ông Justice Chinhema cũng cảnh báo tất cả các chủ nhân người Trung Quốc trong lĩnh vực khai thác nên ngừng sử dụng “cách thức và thói quen” vốn đã dưỡng thành ở Trung Quốc trong xử lý các tranh chấp lao động tại Zimbabwe.
“Trong một thời gian dài, chúng ta đã chịu đựng những hành động tàn bạo của những kẻ tự xưng là ‘bạn bè mọi lúc’, đối với những người lao động vô tội và những công dân yêu chuộng hòa bình của đất nước này và giờ đây, chúng tôi đã đạt đến giới hạn của sự chịu đựng”, ông cho biết.
Trung Quốc duy trì sự hiện diện ở Zimbabwe thông qua các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Bắc Kinh nói rằng các dự án BRI của mình là cơ hội giúp các quốc gia đang phát triển mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng và từ đó góp phần phát triển kinh tế. Trên thực tế, BRI là một bẫy nợ, khiến các quốc gia tham gia BRI phải phụ thuộc vào Bắc Kinh, từ đó nâng tầm ảnh hưởng và quyền lực của Trung Quốc trên toàn thế giới.
Lương Phong(t/h)