Ô nhiễm ánh sáng có thể khiến mùa xuân đến sớm 1 tuần
Nhiều thành phố đang sống không có màn đêm do ánh sáng quá rực rỡ từ đèn đường và các tòa nhà xung quanh. Điều này thực sự mang đến sức sống và sự hấp dẫn sôi động cho cư dân và khách du lịch nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ từ ô nhiễm ánh sáng đô thị.
Một nghiên cứu vừa được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học tại Anh cho thấy ô nhiễm ánh sáng đô thị có thể là nguyên nhân làm cho cây đâm chồi sớm hơn bình thường và mùa xuân đến sớm hơn. Các nghiên cứu mới cũng ghi nhận thời gian chuyển dịch lên đến 7,5 ngày và hiện tượng đâm chồi sớm cũng có những tác động lên động vật và thực vật.
Theo như báo cáo của Anna Menin với tạp chí The Guardian, đây không phải là lần đầu tiên tác động của ô nhiễm ánh sáng trên các loại cây được nghiên cứu ở quy mô lớn tại Anh. Trong một nghiên cứu mới, kho dữ liệu đáng giá 13 năm đã được kiểm tra, các nhà khoa học quần chúng đóng vai trò quan trọng bằng cách tình nguyện ghi nhận lại khi họ lần đầu phát hiện các lá bị đốm trên cây ngô đồng, gỗ sồi, tần bì và cây sồi.
Dữ liệu được cung cấp bởi tổ chức bảo tồn thiện nguyện The Woodland Trust như một phần của sáng kiến Nature’s Calendar.
Người quản lý khoa học quần chúng Kate Lewthwaite của The Woodland Trust nói rằng “Phân tích các dữ liệu của Nature’s Calendar cho thấy rằng tốc độ đô thị hóa tăng lên đang tiếp tục gây áp lực lên thế giới tự nhiên theo cách mà chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường được. Khi các mùa trở nên ngắn lại và ít có thể dự báo được, động vật hoang dã của chúng ta phải đấu tranh để theo kịp những biến động ảnh hưởng đến môi trường sống và nguồn thức ăn. Hy vọng rằng, nghiên cứu này sẽ đưa đến những suy nghĩ mới về cách giải quyết vấn đề và giúp tác động đến các quyết định phát triển trong tương lai”.
Các nhà nghiên cứu đứng sau công trình này đã đưa ra một ví dụ về một loài côn trùng có vòng đời bị phá vỡ – sâu bướm mùa đông. Sự gia tăng của các loài sâu bướm mùa đông chẳng hạn, là các loài ăn lá sồi mới mọc có khả năng bị ảnh hưởng, và từ đó tiếp tục ảnh hưởng đến các loài chim ăn chúng trong chuỗi thức ăn của tự nhiên.
Sâu bướm cũng là một loài côn trùng đồng bộ vòng đời của chúng với sự thay đổi của các mùa. Chính vì vậy chúng có thể hóa thành bươm bướm sai thời điểm khi nguồn thức ăn chính là lá non đã bung nở.
Richard Ffrench-Constant, dẫn đầu nhóm nghiên cứu từ trường đại học Exeter cho biết “Phát hiện của nghiên cứu cho thấy, thời gian đâm chồi ở các loài cây rừng có thể bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm ánh sáng và cho thấy rằng, cây nhỏ phát triển dưới ánh sáng đèn đường thậm chí còn có khả năng bị ảnh hưởng nhiều hơn”.
Ông nói thêm “Hiện tượng này gây tác động xấu đến thiên nhiên, đặc biệt khi các hiệu ứng này ngày càng tăng lên. Một kết quả tích cực từ nghiên cứu cho thấy ánh sáng màu đỏ cực kì có hại đến hiệu ứng này. Vì thế chúng ta sẽ có cơ hội tạo ra các nguồn ánh sáng thông minh, tốt hơn với thiên nhiên”.
Rõ ràng là nghiên cứu chỉ tập trung cho thấy mối tương quan, không phải là liên kết mang tính nhân quả giữa ô nhiễm ánh sáng và hiện tượng mùa xuân bắt đầu sớm tại Anh. Bên cạnh nguyên nhân đến từ ánh sáng nhân tạo của đèn đường, có thể còn nhiều yếu tố và nguyên nhân khác, cần nghiên cứu thêm nhiều mối liên kết khác.
Tuy vậy, chính quyền địa phương ở Anh cần chịu trách nhiệm cho việc bật cũng như tắt các bóng đèn đường. Nghiên cứu cũng đưa đến các hướng tiếp cận mới cả về thời gian và chủng loại ánh sáng nên được sử dụng.
Đây không chỉ là cách duy nhất mà ô nhiễm ánh sánh gây ảnh hưởng đến môi trường sống của chúng ta, nó còn che khuất tầm nhìn không gian và gây ra những ảnh hưởng xấu khác.
Các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu này đặc biệt đề cao vai trò của các nhà khoa học quần chúng trong việc giúp đỡ họ thu thập các dữ liệu ý nghĩa về việc thay đổi các mùa trong năm.
Đây là một nghiên cứu quan trọng và cần được tiếp tục thực hiện, cần có sự hợp tác giữa doanh nghiệp và viện nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp quản lý mức độ ánh sáng trong môi trường đô thị thực sự bền vững.
Nghiên cứu hiện được công bố trên tạp chí Proceedings của Royal Society B.
Theo khampha