Nữ tướng tài năng xuất hiện trước cả Hoa Mộc Lan trong lịch sử Trung Quốc là ai?
Thương Vương Vũ Đinh có đến 60 người vợ trong hậu cung nhưng Phụ Hảo mới là người được ông sủng ái bậc nhất. Có thể nói rằng, nữ tướng này độc sủng hậu cung và nhận trọn vẹn tình yêu của ông.
Thành lập vào năm 1600 TCN, nhà Thương đánh dấu một thời kỳ vàng son nhất của nền văn minh Trung Quốc sơ khai. Và một trong những vị vua đã dẫn dắt nhà Thương đến đỉnh cao của sự hưng thịnh phải kể đến là Vũ Đinh, vị vương thứ 23 của triều đại này.
Từ nhỏ, Vũ Đinh được cha của ông là Tiểu Ất gửi vào nơi dân dã, sống cùng với nô lệ, làm các công việc nặng nhọc như xây thành, cày ruộng, chặt củi… Không ai biết rằng một ngày nào đó ông sẽ là vị vua kế tiếp của triều nhà Thương.
Khoảng năm 1325 TCN, Tiểu Ất qua đời, Vũ Đinh lên nối ngôi. Vào thời điểm đó, các vị vương của nhà Thương sẽ liên hôn (liên minh hôn nhân) với các bộ lạc lân cận để có được sự tin tưởng của họ.
Vũ Đinh tự hỏi mình sẽ kết hôn với người phụ nữ như thế nào. Cuối cùng, ngày đại hôn của ông cũng đến. Khi đoàn rước cưới đến cung điện, lần đầu tiên Vũ Đinh nhìn thấy cô dâu của mình. Nàng là Phụ Hảo, công chúa của bộ lạc lân cận. Ngay từ lần đầu nhìn thấy Phụ Hảo, Vũ Đinh đã siêu lòng trước sắc đẹp của nàng.
Vị vương hậu đặc biệt
Những ngày tháng bên nhau sau khi kết hôn của họ vô cùng hạnh phúc. Và dần dần theo thời gian, Vũ Đinh nhận thấy vị vương hậu của mình khác hẳn với những người phụ nữ khác.
Không những có sắc đẹp kinh diễm, Phụ Hảo còn là một tài năng quân sự tuyệt vời. Ngoài ra, theo các tài liệu thời xưa để lại, Phụ Hảo sẽ ngừng nói và cười bất cứ khi nào nàng nghe thấy tiếng sấm, nhằm thể hiện sự tôn kính đối với các vị thần.
Khi Vũ Đinh lên ngôi, sức mạnh của nhà Thương đang trong thời kỳ suy yếu, với nhiều mối họa bên trong và cả bên ngoài đe dọa sự ổn định của đế chế. Kẻ thù xâm lược từ phía bắc, quân đội biên quan liên tục gửi tin cấp báo yêu cầu viện trợ. Vũ Đinh lo lắng vì không tìm được vị tướng tài nào có thể xoay chuyển tình thế.
Phụ Hảo bất ngờ xuất hiện trước mặt ông, mặc đầy đủ chiến giáp. Nàng cầu xin ông cho phép nàng lãnh binh chống lại quân xâm lược.
Mặc dù Phụ Hảo thể hiện sự dũng cảm khác thường và được huấn luyện quân sự từ nhỏ, Vũ Đinh vẫn do dự khi gửi người vợ yêu quý của mình vào trận chiến khốc liệt. Nhưng do sự quyết đoán của nàng, ông quyết định cho tiến hành bói toán. Khi quẻ bói tiên đoán để cho Phụ Hảo tham gia cuộc chiến là một điềm lành. Vũ Đinh mới đồng ý cho Phụ Hảo ra trận.
Tài năng quân sự
Ngay khi bước vào chiến trường, Phụ Hảo đã bộc lộ tài năng quân sự xuất chúng của mình; kẻ thù đã bị đánh bại nặng nề và không bao giờ nổi lên để thách thức nhà Thương nữa.
Vào khoảng thế kỷ 13 TCN, Thương Khâu, một thành phố của nhà Thương, bị bộ lạc Ba Phương tấn công. Vũ Đinh cùng Phụ Hảo dẫn quân đến bảo vệ Thương Khâu. Sau khi đến chiến trường, Vũ Đinh quyết định mở một cuộc tấn công vào giữa đêm, nhưng Phụ Hảo không tham gia cùng ông. Thay vào đó, nàng lặng lẽ rời tiền tuyến. Một mình, Vũ Đinh lãnh đạo một cuộc tấn công dữ dội chống lại lực lượng của Ba Phương. Tiền tuyến của Ba Phương bị phá vỡ. Họ chạy trốn khỏi sự truy đuổi của Vũ Đinh và cuối cùng chạy đến một thung lũng.
Trong khi quân đội của Ba Phương vẫn còn đang thở dốc, cờ Thương đã nổi lên trên đỉnh thung lũng. Trên đại kỳ có hai chữ lớn: Phụ Hảo.
Đối mặt với quân địch của cả hai bên, quân đội của Ba Phương rơi vào tình trạng hỗn loạn. Không lâu sau, toàn bộ quân đội đã bị quét sạch.
Từ tài liệu về trận chiến này, có thể thấy Phụ Hảo là nữ tướng đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc áp dụng chiến thuật phục kích trong chiến tranh.
Nhưng đây vẫn chưa phải là thành tựu lớn nhất của nàng…
Bắt đầu từ thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên, người Khương đã thực hiện một cuộc di cư lớn để tìm các đồng cỏ mới cho những đàn gia súc khổng lồ của họ. Giống như hầu hết các dân tộc chăn gia súc trong suốt lịch sử, họ hiếu chiến và sẽ chinh phục, giết hoặc xua đuổi cư dân bản địa để chiếm quyền sử dụng các vùng thảo nguyên rộng lớn.
Họ xâm lược vùng lãnh thổ nhà Thương từ phía tây bắc trong khi Thương Vương Vũ Đinh đang chiến đấu chống lại một bộ tộc khác ở phía đông. Cuộc tấn công của tộc Khương trở thành mối đe dọa lớn đối với quân Thương. Vũ Đinh bất ngờ lọt vào tình thế nguy hiểm.
Phụ Hảo rất lo lắng, nhưng nàng không lập tức gửi quân tiếp viện ít ỏi còn lại. Thay vào đó, nàng chuẩn bị một kế hoạch táo bạo khác, Phụ Hảo bước vào các nhà tù, dùng các tù nhân để bổ sung sức mạnh quân đội.
Tân binh hung hãn
Với vài nghìn tân binh được thành lập từ tội phạm, kết hợp với quân Thương còn lại, Phụ Hảo chỉ huy một lực lượng thống nhất hơn 13.000 người đến chiến trường. Các tân binh tội phạm đã chiến đấu hết mình. Quân xâm lược khiếp sợ trước sức tấn công dữ dội và sự hung hãn không sợ chết của họ, nên đã quay đầu bỏ chạy tán loạn. Đây là trận chiến lớn nhất và vẻ vang nhất diễn ra trong triều đại của Thương Vương Vũ Đinh.
Và từ đó vương phi Phụ Hảo được các tầng lớp dân chúng nhà Thương tôn sùng như một nữ thần chiến tranh.
Không chỉ đồng ý cho Phụ Hảo nắm đại quyền về quân sự mà Thương Vương Vũ Đinh còn cho nàng hưởng những quyền lợi xưa nay chưa từng có.
Vũ Đinh yêu mến, chiều chuộng Phụ Hảo, sách phong cho bà đất phong ở gần triều đình, thậm chí căn cứ vào ghi chép trong Giáp cốt văn thì Vũ Đinh còn cho tiến hành bói toán, để đoán xem bào thai mà Phụ Hảo đang mang là nam hay là nữ…
Nàng còn được quyền thực hiện việc chủ trì các hoạt động tế tự, cúng tế tổ tiên, thần thánh, đất trời… Đây đều là những tế lễ quan trọng của Hoàng gia và thường phải do bậc Đế Vương đảm nhận.
Nên biết rằng, một trong những điều trọng nhất trong triều đại nhà Thương là vấn đề quân sự. Và điều quan trọng hơn nữa là việc tế tự, thờ cúng các vị thần và tổ tiên, cùng với việc tiến hành các phép bói toán nhằm dự đoán tương lai.
Các vị vua cổ đại sẽ khắc tên của họ và ngày bói toán trên xương cùng với một câu hỏi để xin chỉ dẫn từ các vị thần và tổ tiên. Sau đó, họ sẽ nung xương cho đến khi nó nứt ra, sau đó từ hình dạng của vết nứt sẽ cho họ câu trả lời.
Sau buổi lễ tiến đoán, câu hỏi và kết quả của việc bói toán sẽ được khắc vào xương. Chúng được lưu trữ và được coi như mối liên hệ giữa các vị vua và các vị thần.
Tên của Phụ Hảo đã xuất hiện hơn 250 lần trong các văn tự tiên tri được khắc trên xương và mai rùa bên trong một ngôi mộ nhà Thương. Trải qua 3.000 năm thay đổi và hỗn loạn, những bản khắc này vẫn tuyên bố tình cảm say đắm không ngừng của nhà vua dành cho vị vương hậu được sủng ái nhất của mình.
Nhiều người đặt câu hỏi vì sự sủng ái vượt mức đó của Thương Vương Vũ Đinh dành cho Phụ Hảo.
Có những ý kiến cho rằng, Phụ Hảo vốn rất thông minh, tính cách lại mạnh mẽ. Nàng chẳng bao giờ quấn lấy Thương Vương hay đòi hỏi những điều nữ nhi thường tình.
Sau này nàng cầm quân, có đôi khi một năm chỉ gặp mặt Hoàng đế đôi ba lần. Bởi sự xa cách đó cùng tính cách và sự tài giỏi của nàng khiến cho Thương Vương yêu càng thêm yêu. Trong thời đại mà những chuyện lớn như cầm binh ra trận là nhiệm vụ của nam giới, một nữ tướng vừa xinh đẹp vượt bậc lại thông minh mạnh mẽ, lập bao nhiêu chiến công hiển hách thì chuyện Đế Vương say mê cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Sự tồn tại của Phụ Hảo được cho là một trong những dấu hiệu tốt lành ban cho Vũ Đinh và nhà Thương. Nàng đã hỗ trợ Vũ Đinh trong nhiều chiến dịch quân sự và mở rộng lãnh thổ. Do đó, triều đại của Vũ Đinh đánh dấu thời điểm mà nhà Thương hùng mạnh nhất.
Thương Vương yêu Phụ Hảo đắm say thế nhưng nàng lại chịu số phận ngắn ngủi khi qua đời ở tuổi 33. Một số suy đoán cho rằng Phụ Hảo đã kiệt sức vì chiến tranh. Có thông tin cho rằng nàng vì sinh khó mà qua đời. Vào thời ấy, “cửa sinh là cửa tử” thật sự đối với nữ nhân. Nàng Phụ Hảo mạnh mẽ trên chiến trường cũng không vượt qua được.
Thời điểm ấy khi biết tin Vương hậu mất, binh sĩ, dân chúng đều đau buồn thương tiếc suốt nhiều ngày.
Về phần Thương Vương, nữ nhân mà mình yêu thương nhất ra đi khiến cho ông đau đớn đến tột cùng. Ông dồn hết sự thương nhớ, tưởng niệm vào việc an táng cho nàng. Tất cả những gì quý giá, ngọc ngà châu báu nhất ông có được trên dương gian đều được tùy táng theo Phụ Hảo.
Ngoài ra, Thương Vương cũng cho xây lăng mộ của Phụ Hảo gần cung điện của mình để ông luôn cảm thấy nàng vẫn ở bên.
Thiện Thành (Theo Epoch Times)