Nội hàm to lớn trong Kungfu Panda (P2): Tĩnh tâm và chữ “vô” của Đạo
Có thể nói Kungfu Panda là một trong những bộ phim hoạt hình về văn hóa truyền thống Trung Hoa thành công nhất từ trước đến nay. Trong đó hàm chứa những thông điệp uyên thâm về tu luyện, Phật và Đạo.
Xem phần 1 tại đây
Vô cầu nhi tự đắc
Ngỗng cha, ông Ping là một người bình thường, nhưng tay nghề làm mì sợi lên đến cực điểm đã có thể giúp ông nuôi sống gia đình. Gấu Po, con của ông, cũng vô cùng bình thường. Po yêu thích Kungfu, ấy mà thân thể béo ụt ịch, căn bản nhìn không ra được một điểm nào là có năng lực Kungfu thiên phú. Nên khi Đại sư phụ Rùa chỉ vào Po, từ đâu xuất hiện và đang ngồi trên cái ghế cột pháo, mà rằng “anh ta chính là Thần long Đại hiệp”, tất cả mọi người đều không dám tin vào mắt và tai của họ.
Cả sư phụ Shifu cũng không phục, cảm thấy đây chỉ là sự việc ngẫu nhiên. Đại sư phụ Rùa nói với ông rằng: “Trên đời này không có gì ngẫu nhiên, hết thảy đều là Thiên ý”, nói xong ông mọc cánh thành tiên, hóa thành những cánh hoa đào xinh đẹp.
Sư phụ Shifu nghe theo lời giáo huấn của Đại sư, nghiêm túc dạy bảo con gấu trúc thân hình mập mạp mà xem chừng chẳng có một tia thiên phú võ công nào. Điều ông có thể làm cũng chỉ là lợi dụng bản tính thích ăn ngon của gấu trúc rồi từ đó mà dựng lập nền tảng Kungfu cho cậu. Có thể trở thành Thần long Đại hiệp hay không, ngay cả bản thân gấu Po trong tâm cũng không có chút gì tự tin. Trong quá trình luyện công, Po cũng có tiến bộ, anh chàng có thể kiềm chế bản tính háo ăn của mình, bánh bao thịt dâng đến miệng cũng có thể dửng dưng nói một câu “Tôi vẫn chưa đói”.
Po có thiên phú hay không về sau sẽ rõ, nhưng cha ngỗng Ping bình thường thật ra lại không bình thường. Khi con ông là gấu Po, sư phụ Shifu và Ngũ hiệp đối diện với chỗ trống trong cuốn bí kíp Thần long đã không cách nào nghĩ ra lời đáp. Ấy thế mà ông lại vô ý dùng phương pháp bí truyền mì sợi của mình điểm hóa cho con trai, “Bí phương kỳ thực là không có bí phương”, nguyên nhân mì sợi của ông ngon lành như vậy là do khi chế tác hết sức chuyên chú, thành tâm thành ý, chỉ loại tâm tình vô vi này mới có thể khiến hương vị mì sợi đạt đến cực điểm.
Các ngành các nghề đều là tu luyện, lý là tương thông với nhau, một câu nói của cha ngỗng khiến gấu Po lập tức ngộ được cảnh giới “vô” của Đạo. Mỗi ngày chịu khổ luyện công chẳng qua là hình thức bề mặt, muốn chân chính đạt được công phu cao, kỳ thực là phải thông qua sự đề cao về cảnh giới “vô cầu nhi tự đắc” (không cầu mà tự được) mới có thể thành tựu. Quá khứ gấu Po vì say mê Kungfu mà luyện được chút võ hoa chân múa tay. Về sau khi Po ngộ Đạo, năng lượng công phu dồi dào mà khai mở uy lực vô cùng. Cuối cùng gấu Po dùng Nhất dương chỉ chế ngự được Tai Lung sư huynh vì cuồng vọng mà tự tâm sinh ma, thành tựu uy danh “Thần long Đại hiệp”.
Uy lực của tĩnh tâm
Văn hóa Trung hoa là văn hóa tu luyện, các ngành các nghề đều chú ý tĩnh tâm điều tức, nghiên cứu về đức, hết thảy đều thuận theo tự nhiên. Bởi vì tĩnh tâm, do đó có thể tự nhiên mà đạt tới trạng thái vô vi thanh tĩnh.
Giữa sư phụ Shifu và Đại sư phụ Rùa có sự chênh lệch cực lớn về năng lực tĩnh tâm. Ở tập 1, sư phụ Shifu đả tọa để tĩnh tâm nhưng lại rất dễ bị ngoại cảnh can nhiễu. Ông nghe nói Đại sư phụ Rùa triệu hoán, liền tức tốc chạy đến, rồi thở hồng hộc, không thể không điều chỉnh hô hấp để giữ bình tĩnh. Đại sư phụ Rùa thổi từng cây nến, kỳ thực là hy vọng ông có thể tĩnh tâm lại, sau đó mới báo với ông tin Tai Lung sắp thoát ra, thế nhưng Shifu chờ không được, đã vận khí thổi một hơi, tất cả ngọn nến đều tắt hết. Rồi khi nghe nói Tai Lung sắp trốn ra được, trong tâm ông hoảng hốt, lập tức truyền lệnh binh sĩ Vịt phải tăng cường cảnh vệ. Kết quả thành ra chiếc lông vũ bị rơi mất của binh sĩ Vịt lại trở thành nguyên nhân Tai Lung chạy thoát khỏi ngục giam. Rất hiển nhiên, ông đã thiếu hẳn sự thanh tĩnh vô vi trong tâm, không có được phong thái thong dong tự tại của Đại sư phụ Rùa, cho nên Đại sư phụ chỉ có thể thở dài, nói: “Ngươi càng sợ điều gì thì điều đó sẽ càng đến”.
“Sư phụ lĩnh tiến môn, tu hành tại cá nhân”, Shifu dạy bảo gấu Po trở thành cao thủ Kungfu, nhưng bản thân ông cũng chưa là Đại sư Kungfu, chỉ có thể biểu hiện ra uy lực tĩnh tâm tại cảnh giới của mình, ông làm sao có thể giúp gấu Po đạt được cảnh giới vô vi, chỉ có thể khiến gấu Po tự mình ngộ Đạo.
Đối mặt với hỏa pháo của Thái tử Shen và dã tâm chinh phục Trung Hoa của anh ta, tất cả sư phụ kungfu đều cảm thấy không có hy vọng, nhưng gấu Po biết rõ không thể làm mà vẫn làm. Cậu cùng Ngũ hiệp xâm nhập vào bản doanh của địch, bằng mọi giá ngăn chặn sự hung bạo của Thái tử Shen. Trong quá trình này, những ký ức thời ấu thơ trong kho trí nhớ không ngừng được mở ra, khoảng cách chân tướng càng lúc càng gần. Cuối cùng, cậu nhớ lại cha mẹ gấu trúc vì muốn bảo vệ con lúc nhỏ mà đã hy sinh cực lớn. Rồi chính bản thân cậu hiện cũng không thoát khỏi việc đối diện trước họng pháo sinh tử. Gấu trúc lúc này vẫn không quên sự dạy bảo tĩnh tâm của sư phụ đối với mình, buông bỏ hết thảy tình thân, đạt đến tâm thanh tĩnh vong ngã, nhờ đó công lực to lớn, ngộ được lý Tá lực đả lực (mượn lực đả lực) của Thái cực, từ đó có thể tự nhiên khống chế đạn pháo đang phi tốc phóng tới, cuối cùng khiến cho Thái tử Shen gieo gió phải gặt bão.
Gấu Po, khi hiểu được chân tướng thân thế, lúc này tâm tĩnh như nước, biết rõ ràng cha ngỗng với mình là có mối duyên phận sâu xa đằng sau công ơn nuôi dưỡng sâu nặng và trân quý. Đối mặt với ông Ping, cậu đã không có chút hờn dỗi của con cái, mà trong tâm tràn đầy cảm ân.
Hình ảnh chú gấu mập mạp tròn trịa trước mặt một ông ngỗng nhỏ bé vì cảm động trước ân dưỡng dục mà nói: “Con là con của cha, cha là cha của con”, đã nêu bật được đạo nghĩa cha con dẫu không thuộc huyết thống.
>>> Nội hàm to lớn trong Kungfu Panda (P3): Chân tướng
Mai Mai, theo Zhengjian.org