Những loại khẩu nghiệp sẽ giết chết tiền đồ nhưng ít người biết
Xưa nay, nhân và quả luôn đi đôi nhau như hình với bóng, thiện ác đều có báo ứng tương xứng. Trong vấn đề tu khẩu cũng vậy, đôi khi chỉ một câu nói thôi cũng có thể gây họa khôn lường.
Chỉ một câu nói phũ phàng cũng có thế đánh mất tình yêu, tan vỡ một gia đình, khiến người ta sụp đổ công danh sự nghiệp, khiến anh em bạn bè người thân xảy ra mâu thuẫn, bất mãn, thù ghét, căm hận.
Người xưa thường dạy rằng: “Muốn nói gì phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Đó là lời dặn, ngỏ ý sâu xa là phải suy nghĩ kỹ trước khi nói, đừng có bạ đâu nói đó, nói không cần suy nghĩ, và đừng nghĩ lời nói gió bay, muốn nói gì thì nói.
Lời nói thiếu suy nghĩ có thể làm cho một người tức tưởi, khổ đau, thậm chí chết ngay tức khắc nếu người ấy còn chấp vào những nhận định đúng sai, và đặc biệt là khi nó được thốt ra từ một người thân thương, quan trọng.
Tạo hóa sinh ra con người có hai lỗ tai, nhưng chỉ có một cái miệng, cho nên phải nghe nhiều hơn nói, mới đúng với tự nhiên. Được thân người là khó, có đầy đủ lục căn và miệng lưỡi trọn vẹn là phước đức, nên chúng ta hãy dùng vốn phước báu này mà gieo trồng thêm phước đức nữa, thì mới là người trí tuệ. Bởi vậy, phải lo tu cái miệng là điều cần thiết nhất và xem như tu hơn nửa đời người rồi.
Lời nói chẳng mất tiền mua nhưng lại có thể gây ra những quả báo vô cùng đáng sợ. Dù bạn tâm niệm rằng chỉ là lời ăn tiếng nói, “lời nói gió bay”, nhưng sự thật thì khẩu nghiệp có thể dẫn đến những hậu quả cực nghiêm trọng. Một lời nói vô tình có thể làm bạn và người khác đau khổ day dứt cả cuộc đời.
Những điều cần bỏ để tránh gây khẩu nghiệp
1. Vọng ngữ – nói dối
Phật giáo coi trọng sự thật và điều thật, nên nói dối là một trong những tội nghiệt nặng. Người mà mở miệng ra là nói dối, nói dối không chớp mắt, nói dối tới quen miệng, thuận lời, không cần suy nghĩ, chính mình còn không cảm nhận được mình đang nói dối, thì như vậy thật rất nguy hiểm.
Những người này đôi khí nói dối cũng không phải là để hại người mà nói dối cho vui, ba hoa, nhưng không biết rằng như thế là rước họa vào thân. Người gặp thì đề phòng, bạn bè gặp thì lánh xa, nhân duyên gặp thì vụt mất. Bởi vậy, dù nói dối xuất phát từ hảo tâm hay ác ý đều là tạo nghiệp xấu, làm tổn hại danh dự và hạ thấp bản thân.
2. Thiển ngữ – lời lẽ thô thiển
Người mà hay dùng những lời bất thiện để đả kích người khác thì chính là kẻ ác. Đả thương lòng tự trọng của người khác, chửi mắng người khác, làm phương hại danh dự người khác thì tất họa sẽ từ miệng mà ra, nói lời hại người chính là hại mình, tự mang phiền toái đến cho mình.
Bởi vậy, tôn trọng người khác là tôn trọng chính mình. Khi thốt ra những lời lẽ thô tục đối với người khác thì cũng là lúc bản thân bị hạ thấp, mà nói lời thiển ngữ lại còn bị tổn phước, rất không nên làm.
3. Ba phải – nói hai lời
Hai lời tức là lúc nói thế này lúc nói thế khác, châm ngòi ly gián, trước mặt người này nói A mà với người khác lại nói B để hai bên phát sinh mâu thuẫn. Loại người này rất nguy hiểm, dùng lời lẽ hại người, là tạo nghiệp ác chứ không đơn thuần chỉ là nói sai sự thật.
4. Xảo ngữ – lời lẽ khiêu khích
Người dùng ngôn ngữ khích bác, gợi lên lòng tham, sân, si của người khác, tuy cười nói bóng bẩy đấy mà bụng dạ sâu xa, cũng là ác nghiệp. Nếu không thể giúp được gì cho người khác thì không nên hại người, nếu không thể dùng từ bi mà hóa độ tham, sân, si của người khác thì cũng không nên khơi gợi, cổ vũ những thói xấu ấy.
TinhHoa tổng hợp