Nhiều tổ chức nhân quyền thế giới tố Trung Quốc thao túng Interpol
Với nhà lãnh đạo Interpol hiện nay là một Thứ trưởng Công an Trung Quốc, nhiều tổ chức nhân quyền thế giới lo ngại Bắc Kinh thao túng tổ chức cảnh sát quốc tế này để đàn áp những người bất đồng chính kiến, thanh toán các đối thủ chính trị.
Hội nghị thường niên lần thứ 86 của Đại hội đồng Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) đang diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia ở Bắc Kinh từ ngày 26/9, và sẽ kết thúc vào ngày 29/9.
Theo hãng tin AFP, cả ngàn nhà lãnh đạo cấp cao đại diện lực lượng cảnh sát và thực thi pháp luật của 158 quốc gia và khu vực, các chuyên gia… đã có mặt để bàn thảo về các lĩnh vực ưu tiên gồm chống khủng bố, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm có tổ chức và các loại tội phạm đang nổi lên (như tội phạm mua bán người, tội phạm ma túy…).
Truyền thông Trung Quốc tung hô chiến dịch săn quan tham
Truyền thông chính thống của Trung Quốc nhân dịp này không giấu ý định lồng ghép cuộc chiến chống tham nhũng của quốc gia đông dân nhất thế giới với hoạt động của cảnh sát quốc tế. “Nhờ sự hợp tác của Interpol, Trung Quốc đã có thể săn lùng những kẻ đào tẩu trốn ra nước ngoài và ngăn cản những kẻ khác rời khỏi đất nước“, tờ Hoàn cầu Thời báo viết.
Dưới thời lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, chính quyền Bắc Kinh đã đẩy mạnh cuộc chiến “đả hổ, diệt ruồi” nhắm vào các quan tham và tăng cường truy quét những đối tượng được cho là phạm tội chạy trốn ra nước ngoài qua chiến dịch “Săn cáo”.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, số cuộc điều tra nhắm vào các đối tượng trên đã tăng mạnh trong thời gian gần đây nhờ sự hỗ trợ của cảnh sát các nước. Công an Trung Quốc cũng khẳng định, họ đã phối hợp với đồng nghiệp các nước điều tra trong hơn 4.000 vụ việc. Các cơ quan an ninh Trung Quốc cho hay, ít nhất 2.500 tội phạm trốn ở nước ngoài đã bị dẫn độ về nước.
Tuy nhiên, những thành quả của bộ máy an ninh Trung Quốc lại bị các tổ chức nhân quyền và các nhà quan sát đặt nghi ngờ.
“Với sự gia tăng đầu tư ra nước ngoài và người dân Trung Quốc ở nước ngoài ngày càng nhiều, rõ ràng Trung Quốc phải muốn có vai trò tích cực hơn trong cộng đồng quốc tế để bảo vệ các quyền lợi của mình“, bà Stefanie Kam, thuộc ĐH Công nghệ Nanyang ở Singapore, nhận định với AFP. “Cam kết của Bắc Kinh trong tổ chức Interpol là tín hiệu rõ ràng cho thấy nước này lo lắng một cách nghiêm túc về những mối đe dọa trong và ngoài nước có thể làm tổn hại cho những lợi ích của mình“.
Một ví dụ gây tranh cãi về sự ảnh hưởng mang tính thao túng của Bắc Kinh đối với Interpol là việc chỉ một ngày trước ngày khai mạc hội nghị lần thứ 86 này, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) thông báo một nghi can tham nhũng nằm trong danh sách 100 nhân vật bị truy nã hàng đầu của Bắc Kinh đã trở về nước đầu thú.
Nghi can là ông Xu Xuewei, từng điều hành một công ty công nghệ ở tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc. Ông Xu đã trốn sang Mỹ vào cuối năm 2012 sau khi nghi ngờ tham nhũng và hối lộ, và bị Interpol phát “cảnh báo đỏ” trong khi tổ chức này vốn không phát lệnh truy nã toàn cầu theo yêu cầu của lực lượng cảnh sát thành viên.
CCDI cho biết, nghi can Xu trở về Trung Quốc để tự nộp mình và khẳng định “không còn thiên đường an toàn nào ở nước ngoài” cho bọn tội phạm tham nhũng ở Trung Quốc. Ông Xu là người thứ 46 trong danh sách này đã trở về Trung Quốc kể từ khi “chiến dịch săn cáo” bắt đầu.
Vào tháng 4/2015, nhà chức trách Trung Quốc đã công bố danh sách 100 nghi can tham nhũng sừng sỏ nhất mà họ tin là đang ẩn náu ở nước ngoài, trong đó có Mỹ, Canada và Úc.
Đây quả là một “thành tựu rất đẹp” ngay trước ngày khai mạc đại hội của Interpol.
Thế giới lo ngại
Theo AFP, từ khi ông Mạnh Hoành Vĩ (Meng Xiongwei) được bầu làm chủ tịch Interpol vào cuối năm 2016, các tổ chức nhân quyền như Ân xá Quóc tế (Amnesty International) hoặc Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) đều đã lên tiếng lo lắng bởi ông Mạnh là thứ trưởng Bộ An ninh Trung Quốc.
Giám đốc khu vực Đông Á của Tổ chức Ân xá Quốc tế Nicholas Bequelin nhận định: “Chúng tôi rất lo ngại về nguy cơ Trung Quốc thao túng Tổ chức Cảnh sát Quốc tế, với việc bầu một thứ trưởng bộ Công an Trung Quốc, một cơ quan rất nổi tiếng về các xâm phạm nhân quyền. Đây là một dấu hiệu rất đáng lo ngại“.
Các tổ chức trên lo ngại Bắc Kinh sẽ dựa vào Interpol để đưa về nước không chỉ các tội phạm mà cả những người bất đồng chính kiến. Và điều khiến người ta phải cảnh báo là việc xét xử ở Trung Quốc chưa được minh bạch.
“Không quốc gia nào có quyền chứa chấp những kẻ phạm tội tham nhũng đến từ quốc gia khác. Nhưng chúng ta có thể thấy là chiến dịch chống tham nhũng được tiến hành tại Trung Quốc nằm bên ngoài khuôn khổ pháp luật”, ông Bequelin nói với RFI.
“Ủy ban kỷ luật của đảng Cộng sản lập ra một danh sách những người cần bị truy lùng ở nước ngoài. Và cũng chính tổ chức này tiến hành thẩm vấn. Như vậy là Tổ chức Cảnh sát Quốc tế đã phối hợp với các hoạt động được tiến hành ngoài khuôn khổ pháp luật tại Trung Quốc. Tôi tin rằng đây là điều mà cộng đồng quốc tế cần phải lên tiếng”, vị Giám đốc này cho biết thêm.
Trong khi bà Maya Wang, thuộc tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cũng nói với AFP rằng, “chúng tôi e rằng ông Mạnh không đủ tư cách và năng lực đảm đương trách nhiệm bảo vệ cho tôn chỉ của Interpol“.
Tuần rồi, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã đáp trả rằng những quan ngại đó là “không có cơ sở”.
Đó cũng là lý do khiến việc ký kết hợp tác dẫn độ tội phạm của Trung Quốc với các nước phát triển rất khó khăn và cả khi đã ký kết vẫn rất ít trường hợp được thực thi. Hãng tin AFP dẫn trường hợp Pháp ký kết dẫn độ với Trung quốc từ năm 2015 nhưng đến nay chỉ mới dẫn độ 2 trường hợp.
Theo Reuters, đầu tháng 9, tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã công bố một báo cáo, dựa trên phỏng vấn các quan chức Liên Hợp Quốc, các nhà ngoại giao thế giới và nhiều đại diện của xã hội dân sự Trung Quốc. Báo cáo mang tên “Cái giá của sự biện hộ quốc tế: Sự can thiệp của Trung Quốc vào các định chế nhân quyền của Liên Hợp Quốc”, cảnh báo Bắc Kinh đang nỗ lực làm suy yếu năng lực bảo vệ nhân quyền của Liên Hợp Quốc một cách có hệ thống và đàn áp tại Trung Quốc hiện nay là “khốc liệt nhất” kể từ phong trào Thiên An Môn 1989.
Việc Bắc Kinh kiểm duyệt tất cả những bài viết, hình ảnh về nhà tranh đấu Lưu Hiểu Ba, khôi nguyên Nobel hòa bình, qua đời trong nhà tù Trung Quốc vì căn bệnh ung thư hồi tháng 7, bất chấp các lời kêu gọi đưa ông ra nước ngoài chăm sóc, là một trong các dấu hiệu tiêu biểu cho tình trạng đàn áp hiện nay.
Xem thêm:
TinhHoa tổng hợp