Ngôi sao khổng lồ đỏ sắp phát nổ lớn hơn Mặt trời 1.400 lần
Ngôi sao khổng lồ đỏ Betelgeuse lớn gấp 1.400 lần Mặt trời đã đến giai đoạn cuối cuộc đời và chuẩn bị phát nổ. Khi đó, ánh sáng phát ra có thể quan sát được từ Trái đất.
Eamon O’Gorman và các cộng sự tại Viện Nghiên cứu Cấp cao Dublin (DIAS), Ireland, sử dụng kính thiên văn vô tuyến lớn nhất thế giới ALMA đặt tại Chile để quan sát sắc quyển (chromosphere) của ngôi sao Betelgeuse ở bước sóng dưới milimet.
Kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Astronomy & Astrophysics hôm 20/6 cho thấy, khí quyển của Betelgeuse có nhiệt độ trung bình 2.487 độ C ở khoảng cách bằng 1,3 lần bán kính sao, thấp hơn cả nhiệt độ của quang quyển (3.417 độ C) và nhiệt độ ở khoảng cách bằng hai lần bán kính sao.
Nhóm nghiên cứu tin rằng, bầu khí quyển không được nung nóng đồng đều là do quá trình đối lưu quy mô lớn gây ra bởi từ tính của ngôi sao.
Ngoài ra, các nhà khoa học phát hiện sự phát tán khí và bụi trong bầu khí quyển của Betelgeuse không đối xứng theo hình cầu mà bị lệch về phía Đông và Đông Bắc. “Quá trình phát tán không đối xứng cho thấy sự nóng lên cục bộ diễn ra trong bầu khí quyển của Betelgeuse”, nhóm nghiên cứu kết luận.
Betelgeuse, ngôi sao sáng thứ 2 trong chòm sao Orion, là một sao khổng lồ đỏ nằm cách Trái đất 650 năm ánh sáng, theo Sci-News. Nó có bán kính lớn hơn Mặt trời 1.400 lần và sáng hơn Mặt trời 100.000 lần.
Dù mới chỉ tồn tại khoảng 8 triệu năm, Betelgeuse đã đến giai đoạn cuối cuộc đời và chuẩn bị phát nổ thành một siêu tân tinh. Khi điều này xảy ra, nó sẽ phát ra bên ngoài một nguồn năng lượng vô cùng lớn đến mức ta không thể hình dung nổi. hiện tượng này sẽ dễ dàng được nhìn thấy từ Trái đất, thậm chí ngay cả trong ánh sáng ban ngày.
Theo VNE