Nghiệm thu sau 26 năm, Đập Tam Hiệp hút 500 tỷ “vỗ béo” quan chức mặc dân “sống trong sợ hãi”
Ngày 1/11, ĐCSTQ đột nhiên thông báo rằng: Công trình Tam Hiệp được xây dựng trong 26 năm, đã hoàn thành và được nghiệm thu toàn bộ. Tuy nhiên, chức năng kiểm soát lũ của đập Tam Hiệp cho đến nay vẫn luôn là vấn đề gây nghi ngờ cho ngoại giới.
Vương Duy Lạc – một chuyên gia thủy lợi của Trung Quốc sống ở Đức tiết lộ rằng, con đập được hoàn thành vào năm 2009, và công trình Tam Hiệp là một cơ hội kiếm bộn tiền cho những người nắm quyền. Cho đến nay, nó đã hút đi ít nhất 500 tỷ nhân dân tệ.
Ngày 25/11, theo một báo cáo của Đài Phát thanh Hy Vọng, Vương Duy Lạc chỉ ra rằng kể từ năm 1992, ĐCSTQ đã liên tục đánh một loại thuế đặc biệt gọi là “Quỹ xây dựng dự án Đập Tam Hiệp” trên hóa đơn tiền điện của người dân. Đến năm 2010 nó được đổi tên thành “Quỹ xây dựng công trình thủy lợi trọng đại quốc gia”, và tiếp tục thu thuế trong 10 năm nữa.
Quốc vụ viện ĐCSTQ đã thông qua việc gia hạn vào năm 2019, và khoản thuế đặc biệt này sẽ được gia hạn đến cuối năm 2025 mới dừng. Loại “Quỹ” này không những không phải trả nợ gốc, cũng không phải trả lãi, mà còn là công cụ ‘hốt bộn tiền’ thực sự.
Vương Duy Lạc nói rằng, loại thuế đặc biệt của “Quỹ xây dựng dự án Tam Hiệp” này không được đánh một cách công khai minh bạch, mà được thu một cách bí mật, nó được kẹp ẩn trong hóa đơn tiền điện, và nhiều người Trung Quốc không biết rằng họ đã nộp khoản thuế này.
Các tài liệu trước đây của Trung Quốc chỉ ra rằng, Quỹ này đã thu được tổng cộng 500 tỷ nhân dân tệ từ người dân Trung Quốc. Trâu Gia Hoa – cựu Thủ tướng Quốc vụ viện ĐCSTQ cho biết: Từ năm 1992 đến 2003, dự án này sẽ có thể tự chủ phát điện và tự xoay sở chi phí, do đó không cần đánh thuế người dân, nhưng thực tế là hoàn toàn trái ngược.
Vương Duy Lạc đề cập rằng, đập Tam Hiệp thực sự đã hoàn toàn hoàn thành vào năm 2009, nhưng nó vẫn tiếp tục thu thuế dưới một cái tên khác. Bây giờ chính phủ ĐCSTQ tuyên bố đã thông qua nghiệm thu, vậy nên ông kêu gọi ĐCSTQ ngay lập tức ngừng đánh thuế đặc biệt đối với “Quỹ Xây dựng công trình thủy lợi trọng đại Quốc gia”, mà nó ra quyết định gia hạn vào năm 2019, đồng thời đem tất cả các khoản thanh toán cả vốn lẫn lãi trả lại cho dân chúng.
Thảm họa mưa lớn đã liên tục xảy ra ở Trung Quốc vào mùa hè năm nay, và lũ lụt ở sông Dương Tử vẫn tiếp tục không ngừng. Việc xả lũ siêu lớn của đập Tam Hiệp thậm chí còn đưa đến nghi ngờ về sự cố vỡ đập, và chức năng kiểm soát lũ của nó cũng bị ngoại giới nghi ngờ.
Trước đây, Tiến sĩ Vương Duy Lạc trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Đài phát thanh Hy vọng đã cho biết rằng, đập Tam Hiệp không có tác dụng kiểm soát lũ lụt. Các quan sát và nghiên cứu mới nhất đã phát hiện ra, sức tàn phá do xả lũ của đập Tam Hiệp mạnh gấp 25 lần lũ tự nhiên.
Vương Duy Lạc cũng chỉ ra rằng, thảm họa lũ lụt năm nay là do con người tạo ra, chứ không đơn thuần là một thảm họa từ thiên nhiên.
Ông nói, mực nước đập và lượng xả lũ của đập Tam Hiệp và tất cả các hồ chứa trên lưu vực sông Dương Tử đều do ĐCSTQ kiểm soát, nghĩa là nơi nào xả lũ, nơi nào mực nước cao bao nhiêu, nơi nào đê bị ngập đều do con người kiểm soát.
Hoàng Quan Hồng – con trai của chuyên gia thủy lợi nổi tiếng Trung Quốc Hoàng Vạn Lý, đã cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Đài phát thanh hy vọng rằng: Năm xưa, tại cuộc họp đánh giá xây dựng đập Tam Hiệp, cha của anh là Hoàng Vạn Lý đã phản đối việc xây dựng đập, vì trên các con sông chính của hai thành phố lớn là Trùng Khánh và Vũ Hán thì “không được phép xây dựng đập”, dù có xây cũng không ngăn được lũ mùa hè, và đây cũng chính là khuyết điểm lớn nhất trong thiết kế của Hồ chứa nước Tam Hiệp.
Việt Anh
Theo ntdtv.com