Malaysia gửi công hàm lên LHQ bác bỏ ‘đường 9 đoạn’ của Trung Quốc ở Biển Đông
Phái đoàn Malaysia tại Liên Hiệp Quốc hôm 29/7 đã gửi công hàm bác bỏ các yêu sách trên Biển Đông của Trung Quốc, khẳng định ‘đường 9 đoạn’ của Trung Quốc là trái với Công ước và không có hiệu lực pháp lý.
Trong công hàm HA 26/20 đề ngày 29/7 gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Quốc, Phái đoàn thường trực của Malaysia tại Liên Hiệp Quốc đề cập tới quan điểm của Malaysia với công hàm CML/14/2019 của Trung Quốc.
Cụ thể, công hàm số CML/14/2019 ngày 12/12/2019 của Trung Quốc phản đối bản đệ trình xin công nhận thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Malaysia, ở phía bắc của Biển Đông. Theo đó, tại công hàm lần này, Malaysia khẳng định đệ trình trên là phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của Malaysia trong việc phân định giới hạn bên ngoài của thềm lục địa.
Các điểm trong lập trường của Malaysia nêu rõ:
Đệ trình của Malaysia lên Ủy ban về giới hạn thềm lục địa (CLCS) về phần còn lại của thềm lục địa Malaysia ngoài 200 hải lý, ở phía bắc của Biển Đông, từ các đường cơ sở mà từ đó độ rộng của lãnh hải được đo, tạo thành cam kết hợp pháp trong việc thực hiện nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) – điều phù hợp với các quy định của UNCLOS 1982 cũng như Quy tắc tố tụng của Ủy ban.
Về đoạn 2 và đoạn 3 trong công hàm của số CML/14/2019 của Trung Quốc, Malaysia bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền lịch sử, quyền và quyền tài phán khác, liên quan đến những khu vực hàng hải tại Biển Đông bị gộp trong “đường 9 đoạn”, vì những yêu sách này trái với Công ước và không có hiệu lực pháp lý, không có cơ sở theo luật pháp quốc tế. Do đó, Chính phủ Malaysia bác bỏ toàn bộ nội dung công hàm CML/14/2019 của Trung Quốc.
Trước Malaysia, Australia, Philippines và Indonesia đã có phản ứng sau khi sau khi Ngoại trưởng Mỹ đưa ra tuyên bố về “Lập trường của Mỹ với các yêu sách hàng hải ở Biển Đông”. Sau khi Ngoại trưởng Mỹ bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển này, Philippines bày tỏ sự ủng hộ trong khi Indonesia cho rằng đó là việc làm “hợp lý”.
Trong khi đó, hôm 15/7, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 36, rằng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.
Vũ Tuấn (t/h)