Ly kỳ những Thần thú thời thượng cổ (P2): Loài thân ngựa đầu rồng, loài 6 chân 4 cánh
Những gì ghi lại trong ‘Sơn Hải Kinh’ là toàn bộ tài nguyên sinh thái của mấy nghìn năm trước, bao gồm: Những dãy núi, dòng sông, hoa cỏ, cây cối, các loại động vật, và các hiện tượng thiên văn xuất hiện bên trên các dãy núi. ‘Sơn Hải Kinh’ chính là bách khoa toàn thư về tài nguyên sinh thái. Điều khiến người ta mê mẩn nhất chính là những con thú bí ẩn trong ‘Sơn Hải Kinh’. Những con thú này có loài thân ngựa đầu rồng, có loài 6 chân 4 cánh….
Tiếp theo Phần 1
14. Chung Sơn Thần
Chung Sơn Thần cai quản 16 ngọn núi từ núi Nữ Nhi cho đến núi Cổ Siêu, với bán kính 3.500 dặm. Thần núi có thân ngựa đầu rồng, còn được gọi là Trung Sơn Thần.
15. Khuyển nhân
Khuyển nhân là hung thần ác thú khổng lồ ăn thịt người ở núi Tam Nguy, hình dạng của nó hơi giống bò, có bốn sừng và lông rất dài, giống như trên thân được khoác bởi một tấm áo tơi.
16. Tranh
Tại núi Chương Nga, cả nghìn dặm đều không có thảm thực vật mà chỉ có các mỏm đá màu xanh ngọc bích, trong ngọn núi này có một thần thú có tên là Tranh, vô cùng dữ tợn với 5 đuôi và 1 sừng; Tiếng gầm của nó giống như sét đánh vào núi, thức ăn của nó là hổ và báo.
17. Cổ Điêu
Cổ điêu cũng được xếp vào hàng hung thần ác thú. Nó là một loài giống chim nhưng không phải chim, giống báo mà không phải báo, rất hung ác và thích ăn thịt người. Nó có một chiếc sừng trên đầu, tiếng kêu của nó như tiếng trẻ con khóc.
18. Đế Giang
Trong phần “Tây Sơn kinh” tập thứ hai của cuốn “Sơn Hải kinh” viết rằng: Trên dãy Thiên Sơn ở phía Tây, có một loài chim thần, hình dạng giống như một cái túi vải màu vàng; Có 6 chân và 4 cánh; Tai, mắt, mũi, miệng đều không có, nhưng lại biết múa hát, tên của nó là “Đế Giang”. Ngoài ra, trong cuốn “Trang Tử” và “Thần Dị Kinh” cũng có ghi chép về loài thần thú này.
19. Cử Phụ
Cử Phụ là một con thú dữ tợn ở núi Sùng Ngô, giỏi quăng ném đồ để tấn công nên ngay cả hổ báo cũng phải kinh sợ.
20. Li Lực
Li Lực là con thú đáng sợ trên núi Cự sơn, bề ngoài giống lợn, nhưng các chi lại rất dài và kèm theo cả răng cưa. Nơi nó ở, đâu đâu cũng thấy mặt đất nhấp nhô nên người ta suy đoán rằng Li Lực là một thần thú giỏi đào đất.
21. Cửu vĩ hồ
Cửu vĩ hồ (Hồ ly 9 đuôi) được nhắc đến 3 lần trong ‘Sơn hải kinh’: Nước Thanh Khâu ở phương bắc, có loài hồ ly 4 chân 9 đuôi. Theo sử sách ‘Đại hoang đông kinh’ ghi lại, Hồ ly chín đuôi có mối quan hệ tốt đẹp với “Đại Vũ” và “Đồ Sơn thị” (con gái của vua nước bộ lạc Đồ Sơn), nó đã giúp hai người đến với nhau.
22. Tinh Vệ
Cách phía Bắc 200 dặm, có một ngọn núi tên là Phát Cưu với rất nhiều cây khô, trên đó có một con chim, trông giống như quạ, đầu có hoa văn, mỏ trắng, chân đỏ, gọi là “Tinh vệ”. Tương truyền, Viêm Đế có một cô con gái tên là Nữ Oa, một hôm, Nữ Oa chèo thuyền ra (biển) Đông Hải chơi, chẳng may sóng gió nổi lên làm lật con thuyền khiến cô rơi xuống nước và không bao giờ trở lại nữa. Sau khi chết, linh hồn cô biến thành chim Tinh vệ, vì ghét biển cả tàn nhẫn đã cướp đi sinh mạng của mình nên chim thường bay đến Tây Sơn ngậm gỗ và đá để lấp biển Đông Hải.
23. Nhân ngư
Dị thú “Lăng ngư” còn được gọi là Giao ngư (cá mập hình người) hoặc nhân ngư (người cá). Tương truyền có một con cá lăng ở biển: Hình dáng mặt người, thân cá, có cả tay và chân, tiếng khóc như một đứa trẻ con. Một số sách cổ gọi nó là giao nhân, một số thì nói là nhân ngư. Trong cuốn “Sơn hải kinh” nói rằng nhân ngư sống ở khe suối trên núi.
Tử Vi
Theo kknews.cc