Lai lịch bí ẩn của tiều phu chỉ đường cho Hầu Vương đến chỗ Bồ Đề Tổ sư
“Tây Du Ký” có rất nhiều chi tiết ẩn chứa nội hàm thâm sâu. Trong đó, không thể không nhắc đến vị tiều phu chỉ đường cho Tôn Ngộ Không. Dù chỉ xuất hiện một lần trong “Hồi 1”, nhưng tiều phu tuyệt đối không phải một nhân vật có lai lịch đơn giản.
Trong “Hồi 1” của tác phẩm “Tây Du Ký”, khi Hầu Vương đang lên núi tầm sư học đạo thì nghe thấy tiếng hát của tiều phu, trong đó có đoạn:
“Mặc vinh nhục kệ thị phi; Ung dung điềm đạm ta thì sống lâu.
Gặp nhau Phật Đạo phép màu; Bình tâm tĩnh tọa giảng câu hòa bình”.
Hầu Vương lần theo tiếng hát đến gần tiều phu nói: “Xin kính chào vị Thần tiên!”
Tiều phu nói: “Ta chỉ là một tiều phu, hằng ngày chặt củi mang vào thành bán kiếm vài quan tiền vừa đủ để phụng dưỡng mẫu thân già yếu, làm sao dám nhận hai chữ Thần tiên chứ”.
Hầu Vương: “Ta vừa nghe rõ rằng ngài hát bài hát của Thần tiên đấy thôi!”.
Tiều phu: “Chả là nhà ta ở gần núi Linh Đài Phương Thốn, động Tà Nguyệt Tam Tinh, nơi đó có Bồ Đề Tổ sư, ông ấy đã dạy ta hát bài hát này”.
Hầu Vương: “Sư tổ Bồ Đề à, ông ấy ở đâu vậy?”.
Tiều phu: “Cứ đi theo đường núi này sẽ tới nơi”.
Lai lịch không tầm thường của tiều phu
Từng câu trong bài hát của tiều phu đều là phong thái vô dục vô cầu, điềm tĩnh không tranh giành, đây là rõ ràng là cảnh giới nhân sinh của một cao nhân!
Tiều phu một mình gánh củi ở trong rừng, nhưng khi gặp Hầu Vương, một con khỉ nói tiếng người nhưng lại không chút sợ hãi, phong thái vẫn ung dung điềm đạm, ứng đáp từng câu từng chữ rành mạch rõ ràng, hơn nữa lại cực kỳ thông hiểu Thần tiên, quả không giống với một người đốn củi bình thường.
Hầu Vương khi gặp tiều phu, nhìn thấy rõ ràng là một người đốn củi, nhưng tại sao lại xưng hô là “vị Thần tiên”. Chính vì Hầu Vương được sinh ta từ một tảng đã nhiều năm hấp thụ tinh hoa của đất trời, nên có được trực quan tiên thiên, khi nghe lời bài hát đã cảm nhận được đây là cốt cách của một Thần tiên, Hầu Vương gọi tiều phu là ‘Thần tiên’ hoàn toàn là do bản năng trời sinh chứ không phải nhìn bằng mắt.
Trong “Tây Du Ký”, Bồ Đề Tổ sư là một nhân vật đức cao, nhưng lại rất thích thu nhận đồ đệ. Theo lời tiều phu thì chính Bồ Đề Tổ sư đã dạy ông ta hát, vậy tại sao Bồ Đề Tổ sư lại không thu nhận tiều phu làm đồ đệ?
Nhà của tiều phu ở gần chỗ Bồ Đề Tổ sư, hơn nữa tiều phu ngày nào cũng lên núi đốn củi, Tôn Ngộ Không ở núi Linh Đài Phương Thốn học đạo đến hơn 7 năm, nhưng tiều phu không một lần xuất hiện trở lại trong “Tây Du Ký”.
Một điều đặc biệt của tác phẩm “Tây Du Ký” là từng tình tiết nhỏ trong câu chuyện đều có ẩn ý và nội hàm ở phía sau, và câu trả lời của nó cũng không thật sự rõ ràng mà cần độc giả phải suy ngẫm.
Tiều phu không bái Bồ Đề Tổ sư làm thầy có thể là tiều phu đã đạt đến cảnh giới không cần học. Có câu “Cao nhân thường ít xuất hiện”, tiều phu tuy ở rất gần Tôn Ngộ Không nhưng chỉ xuất hiện một lần duy nhất, ẩn ý phía sau có thể là nói tiều phu là một cao nhân, tuy sống trong tam giới nhưng cảnh giới đã vượt ra ngoài tam giới, nên người trong tam giới không dễ mà nhìn thấy.
Lê Hiếu