Lai lịch bất phàm của những Thần thú nổi bật trong Tây Du Ký

17/06/21, 18:03 Cổ Học Tinh Hoa

Trong tác phẩm kinh điển Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, trải qua 81 kiếp nạn trên đường tới đất Phật thỉnh kinh, bốn thầy trò Đường Tăng đã gặp rất nhiều yêu quái khác nhau, các chủng các dạng đều có, nhưng dựa theo nguồn gốc xuất thân thì có thể phân các yêu quái này vào hai loại chính.

4 người
Để tới được đất Phật, thầy trò Đường Tăng đã phải trải qua 81 kiếp nạn. (Ảnh qua Danviet)

Loại thứ nhất là yêu quái phàm gian, cũng tức là những động vật (hoặc thể sinh mệnh khác) có nguồn gốc ngay tại thế gian, nhờ đắc được linh khí mà tu luyện thành tinh, sở hữu năng lực nhất định, chẳng hạn như ba huynh đệ Hổ – Dương – Lộc ở nước Xa Trì, Rết tinh, Nhện tinh ở động Bàn Tơ, Bạch cốt tinh, Hồ ly tinh, Tê giác tinh… Đa phần những yêu tinh loại này đều gây họa loạn cho nhân gian, nên cuối cùng đều bị tiêu diệt, ngoại trừ một vài con có căn cơ rất tốt, biết hối lỗi và hướng thiện (ví dụ Hắc hùng tinh).

Loại thứ hai chính là đến từ Thiên giới, thường là vật cưỡi (Thần thú) của các vị Thần Tiên, Bồ Tát, vì nguyên nhân nào đó mà giáng hạ xuống phàm gian làm yêu quái, ngăn cản bước đường thỉnh kinh của bốn thầy trò, chẳng hạn như sư tử lông xanh của Văn Thù Bồ Tát, voi trắng của Phổ Hiền Bồ Tát, trâu xanh của Thái Thượng Lão Quân,… Hầu hết chúng sau khi làm loạn đều bị thu phục và theo chủ nhân quay về Trời. Vậy những loại Thần thú này có lai lịch thế nào?

Thanh Ngưu của Thái Thượng Lão Quân

Thanh Ngưu (trâu xanh) là vật cưỡi của Thái Thượng Lão Quân, có năng lực phi phàm. Thái Thượng Lão Quân chính là Lão Tử, theo các truyền thuyết và lịch sử thì Thanh Ngưu đã theo ngài ngay từ khi ngài còn tu Đạo, không rời nửa bước, kể cả khi ngài chuyển sinh thì nó cũng chuyển sinh theo. 

Lão Tử cưỡi Thanh Ngưu đi từ Trung Nguyên sang Tây Vực, đã cứu độ và giáo hóa được rất nhiều người dân ở các nơi. Về sau, Thanh Ngưu cũng theo Lão Tử về Trời.

Tuy vậy, Thanh Ngưu cũng là một hung thú. Theo “Thần Tiên Truyện” ghi chép, Thanh Ngưu đã từng bỏ trốn xuống phàm gian, giả trang làm đạo sĩ, lừa gạt và suýt ăn thịt Lý Huyền, may được một vị Tiên là Văn Thủy chân nhân cứu giúp kịp thời. Về sau Lý Huyền đắc đạo thành Tiên, chính là Lý Thiết Quải trong Bát Tiên.

thanh ngưu
Thanh Ngưu quái và chiếc vòng Kim Cang khiến Tôn Ngộ Không thất điên bát đảo. (Ảnh qua Gamek)

Còn trong “Tây Du Ký”, Thanh Ngưu đã đánh cắp vòng Kim Cang của Thái Thượng Lão Quân, xuống phàm gian làm yêu tinh, muốn ăn thịt Đường Tăng, đây là một kiếp nạn to lớn của bốn thầy trò.

Thanh Ngưu pháp thuật cao cường, sở hữu chiếc vòng Kim Cang kỳ diệu, khiến Tôn Ngộ Không nhiều phen long đong lận đận. Thậm chí cả gậy Như Ý của Tôn Ngộ Không, bửu bối của Lý Thiên Vương và Na Tra, binh khí của Hỏa Đức và Thủy Đức tinh quân, Kim Đơn Sa của Thập Bát La Hán… đều bị Thanh Ngưu dùng vòng phép thu mất.

Về sau nhờ Phật Tổ chỉ điểm, Ngộ Không mới đi mời Thái Thượng Lão Quân đến thu phục Thanh Ngưu. Vòng Kim Cang tuy nhiều phép lạ, không sợ ngũ hành, nhưng lại kỵ quạt Ba Tiêu, Lão Quân đã dùng quạt này thu lại vòng phép và bắt Thanh Ngưu hiện nguyên hình.

Thanh Sư của Văn Thù Bồ Tát

Văn Thù Bồ Tát được thờ phụng trong các chùa thường mang hình tượng cưỡi Thanh Sư (sư tử lông xanh), tay cầm Tuệ kiếm, là hiện thân của trí tuệ, dùng Tuệ kiếm “cắt đứt” phiền não, dùng tiếng gầm của sư tử để chấn nhiếp tà ma. Sư tử là chúa sơn lâm, uy mãnh vượt trội muôn loài, tượng trưng cho năng lực và trí tuệ vô cùng của Bồ Tát.

Về lai lịch, trong “Phong Thần Diễn Nghĩa” có nói, Thanh Sư là một vị Tiên của Triệt giáo, có tên là Cầu Thủ Tiên. Cầu Thủ Tiên làm trái ý trời, lập trận Thái Cực cản trở Khương Tử Nha phò Chu diệt Trụ, nhưng Văn Thù chân nhân đã phá được trận này, còn Cầu Thủ Tiên bị đánh hiện nguyên hình là con sư tử lông xanh. 

Sau đó sư tử lông xanh bị thu phục thành vật cưỡi của Văn Thù chân nhân. Văn Thù chân nhân tu thành chính quả trong Phật giáo, chính là Văn Thù Bồ Tát.

Bồ Tát
Phổ Hiền Bồ Tát (phải) và Văn Thù Bồ Tát (trái). (Ảnh qua Pinterest)

Trong “Tây Du Ký”, Thanh Sư kết nghĩa cùng Bạch Tượng và Kim Sí Điểu, ba yêu tinh hợp nhau làm ra kiếp nạn ở Sư Đà thành, có lúc bắt giữ được cả bốn thầy trò Đường Tăng. Ngoài ra, còn có một Thanh Sư khác giả trang làm vua nước Ô Kê, dìm nhà vua thật xuống giếng hơn 3 năm mới được Tôn Ngộ Không cứu sống lại.

Cả hai con Thanh Sư này đều là vật cưỡi của Văn Thù Bồ Tát và về sau đều bị ngài đến thu phục.

Bạch Tượng của Phổ Hiền Bồ Tát

Phổ Hiền Bồ Tát là vị Bồ Tát tượng trưng cho đức hạnh cao thượng, thường được Phật giáo thờ phụng cùng với Đức Phật Thích Ca và Văn Thù Bồ Tát. Phổ Hiền Bồ Tát thường ngồi trên lưng Lục Nha Bạch Tượng (voi trắng sáu ngà). Sáu chiếc ngà lần lượt đại biểu cho các đức tính của người tu hành: bố thí, giữ giới, nhẫn nại, tinh tấn, thiền định và trí huệ.

Về lai lịch, theo truyện “Phong Thần Diễn Nghĩa”, một vị Tiên của Triệt giáo là Linh Nha Tiên đã lập trận Lưỡng Nghi, hòng cản trở Khương Tử Nha và báo thù Xiển giáo. Tuy nhiên, trận Lưỡng Nghi đã bị phá bởi Phổ Hiền chân nhân, còn Linh Nha Tiên bị đánh hiện nguyên hình là con voi trắng có sáu ngà.

Phổ Hiền chân nhân đã chọn voi trắng sáu ngà làm vật cưỡi, tu thành đắc đạo trong Phật giáo, trở thành Phổ Hiền Bồ Tát.

phong Thần
Trận chiến của các vị Tiên Xiển giáo và Triệt giáo trong “Phong Thần Diễn Nghĩa”. (Ảnh qua ĐKN)

Trong “Tây Du Ký”, Bạch Tượng hạ phàm làm yêu tinh, cũng là một trong ba đại vương ở Sư Đà thành, sức khỏe phi phàm, muốn ăn thịt Đường Tăng để trường sinh bất tử. Tuy nhiên, Phổ Hiền Bồ Tát đã kịp thời đến thu phục nó.

Kim Mao Hống của Quan Âm Bồ Tát

Theo truyền thuyết, Kim Mao Hống là một hung thú trong Thần thoại Trung Hoa, có sức khỏe vô địch, nhưng bản tính hung dữ. Hung thú này không chỉ thích ăn thịt người, mà còn ăn được cả rồng, thậm chí rồng và giao long hợp lực cũng không phải đối thủ của nó.

Trong truyện “Phong Thần Diễn Nghĩa”, Kim Quang Tiên cũng là một vị Tiên trong Triệt giáo làm trái ý trời, lập nên trận Tứ Tượng khiêu chiến với Xiển giáo và ngăn trở Khương Tử Nha. Từ Hàng chân nhân phá được trận này, đánh Kim Quang Tiên hiện nguyên hình là một con Kim Mao Hống và dùng nó làm vật cưỡi.

Về sau Từ Hàng chân nhân tu thành trong Phật giáo, ngài chính là Quan Âm Bồ Tát, vị Bồ Tát hiện thân của sự từ bi và phổ độ chúng sinh.

hống
Hống là một hung thú mạnh hơn cả rồng trong Thần thoại Trung Hoa. (Ảnh qua Gamek)

Trong “Tây Du Ký”, Kim Mao Hống đánh cắp bảo bối Nhạc khí của Quan Âm Bồ Tát, trốn xuống trần gian làm yêu quái, xưng là Trại Thái Tuế. Trại Thái Tuế không bắt Đường Tăng mà bắt hoàng hậu của vua nước Châu Tử về làm vợ, khiến nhà vua vì điều này mà lâm trọng bệnh.

Về sau Ngộ Không dùng kế đánh cắp Nhạc khí mới đánh bại được Trại Thái Tuế, Quan Âm Bồ Tát hiện thân thu phục yêu quái và bắt nó hiện nguyên hình.

Kim Sí Điểu

Kim Sí Điểu được xem là một vị Hộ Pháp trong Phật giáo và các truyền thuyết Ấn Độ cổ xưa. Loài Thần điểu này có sức phạm phi phàm, hình dáng uy mãnh, thường được mô tả với hình tượng đang dùng mỏ xé xác những con rắn và dùng chân để giẫm nát chúng.

Trận chiến giữa Kim Sí Điểu và loài rắn thường được người Á Đông xem là trận chiến giữa Thiện và ác, Thần và ma, trong đó Kim Sí Điểu đại diện cho chính nghĩa, bảo vệ người lương thiện và duy hộ Phật Pháp, còn loài rắn là hiện thân của ma quỷ phá hoại chính giáo và chuyên dùng độc hại người. Như vậy, tuy hình dáng hung tợn, nhưng thực chất Kim Sí Điểu không bị xem là ác Thần.

kim sí điểu
Trận chiến của Kim Sí Điểu và rắn Naga trong Thần thoại Ấn Độ. (Ảnh qua Ameblo)

Trong “Tây Du Ký”, Kim Sí Điểu kết nghĩa cùng Thanh Sư và Bạch Tượng, tạo ra kiếp nạn to lớn ở Sư Đà thành cho bốn thầy trò Đường Tăng. Kim Sí Điểu sở hữu bảo bối là một chiếc bình âm dương, hễ ai bị nhốt vào là sẽ tiêu ra nước, ngay cả Tôn Ngộ Không nếu không nhờ ba sợi lông cứu mạng mà Quan Âm Bồ Tát ban tặng thì cũng không thoát được.

Ngoài ra, Kim Sí Điểu còn có tốc độ bay đáng kinh ngạc. “Tây Du Ký” kể rằng một lần vỗ cánh của Kim Sí Điểu có thể đi được 9 vạn dặm, cứ vỗ cánh bay mãi thì cả Tôn Ngộ Không với Cân Đẩu Vân cũng không thể thoát. Chính vì vậy mà trong kiếp nạn lần này, ngay cả Mỹ Hầu Vương cũng bị bắt và bị đưa lên nồi hấp!

Về sau, Ngộ Không phải đến cầu viện Phật Tổ. Theo lời kể của Phật Tổ, Kim Sí Điểu và Khổng Tước đều là con của Phượng Hoàng. Khổng Tước từng nuốt cả Phật Tổ vào bụng, ngài rạch xương sống của nó mà thoát ra được. Ngài vốn định giết nó, nhưng chư Thần can rằng giết nó cũng như sát hại người sinh ra ngài, nên ngài giữ nó lại Linh Sơn, giúp nó tu bỏ ác tính. Khổng Tước tu thành chính quả, được phong làm Khổng Tước Đại Minh Vương Bồ Tát. Còn Kim Sí Điểu vì cùng mẹ sinh ra với Khổng Tước nên cũng có thể xem là có “họ hàng” với Phật Tổ.

Sau đó, đích thân Phật Tổ đến Sư Đà thành, Kim Sí Điểu mới bị thu phục và quy y Phật Pháp.

kim sí điểu
Trong Tây Du Ký, Kim Sí Điểu đã từng bắt được Tôn Ngộ Không. (Ảnh qua Kienthuc)

Trên đây là một số Thần thú nổi bật của các vị Thần Tiên, Bồ Tát trong “Tây Du Ký”. Khác với những yêu quái phàm gian trong loại thứ nhất, những Thần thú này không bị diệt trừ mà chỉ bị thu phục và theo chủ nhân quay về Thiên giới.

Chúng ta biết rằng, thầy trò Đường Tăng thỉnh kinh phải trải qua hết 81 kiếp nạn, thiếu một nạn cũng cần bổ sung cho đủ, điều này cho thấy con đường sang đất Phật của bốn người ngay từ đầu đã được Thần Phật sắp xếp sẵn rồi. 

Nếu nói như vậy, việc các Thần thú đến phàm gian làm yêu tinh và cản trở hành trình của họ, hẳn cũng không phải ngẫu nhiên, mà là các vị Thần Tiên, Bồ Tát từ đầu đã hữu ý làm vậy, mục đích vừa là để giúp bốn thầy trò rèn luyện tâm tính trong kiếp nạn, vừa là để khảo nghiệm lòng thành kính và sự kiên định của họ đối với con đường tìm cầu Phật Pháp. 

Có lẽ vì điều này mà những Thần thú ấy không thể tính là đã phạm trọng tội, vì dù sao chúng cũng mang theo sứ mệnh khảo nghiệm người tu hành mà đến thế gian.

Thế Di

Ad will display in 09 seconds

Lời dạy của quỷ thần: Người đọc sách tốt, thân phủ hào quang

Ad will display in 09 seconds

Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

Ad will display in 09 seconds

Truyền thuyết và sự thật về rồng phương Đông

Ad will display in 09 seconds

Đối thoại với Thần: Đời người rốt cuộc mang theo được những gì?

Ad will display in 09 seconds

Bí ẩn dự án du hành thời không Montauk

Ad will display in 09 seconds

Truyền thuyết Hoa Bỉ Ngạn khiến nhiều người rơi nước mắt

Ad will display in 09 seconds

Chỉ cần không lo, không sợ thì đã là người quân tử rồi sao

Ad will display in 09 seconds

4 đặc điểm của người Đại Phú Quý

Ad will display in 09 seconds

Vì sao kiếp này đau khổ, ngu si?

Ad will display in 09 seconds

Người cá đang sống ở đâu?

  • Lời dạy của quỷ thần: Người đọc sách tốt, thân phủ hào quang

    Lời dạy của quỷ thần: Người đọc sách tốt, thân phủ hào quang

  • Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

    Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

  • Truyền thuyết và sự thật về rồng phương Đông

    Truyền thuyết và sự thật về rồng phương Đông

  • Đối thoại với Thần: Đời người rốt cuộc mang theo được những gì?

    Đối thoại với Thần: Đời người rốt cuộc mang theo được những gì?

  • Bí ẩn dự án du hành thời không Montauk

    Bí ẩn dự án du hành thời không Montauk

  • Truyền thuyết Hoa Bỉ Ngạn khiến nhiều người rơi nước mắt

    Truyền thuyết Hoa Bỉ Ngạn khiến nhiều người rơi nước mắt

  • Chỉ cần không lo, không sợ thì đã là người quân tử rồi sao

    Chỉ cần không lo, không sợ thì đã là người quân tử rồi sao

  • 4 đặc điểm của người Đại Phú Quý

    4 đặc điểm của người Đại Phú Quý

  • Vì sao kiếp này đau khổ, ngu si?

    Vì sao kiếp này đau khổ, ngu si?

  • Người cá đang sống ở đâu?

    Người cá đang sống ở đâu?

x