Khổng Tử đã đối mặt với hoàn cảnh khó khăn thiếu lương thực như thế nào?
Khi chu du Liệt quốc, trước tình cảnh giữa hai nước Trần và Sái khi không có thức ăn, thế nhưng Khổng Tử vẫn hát, vẫn đánh đàn… với tâm thái rất bình thản.
Tử Lộ – học trò của ông nói: “Phu Tử hiện tại vẫn ca hát, đây cũng là yêu cầu của nghi thức sao?”
Khổng Tử không trả lời anh ta cho đến khi kết thúc bài hát, ông mới nói: “Tử Lộ à, trong trường hợp này, người quân tử chơi nhạc để thoát khỏi tâm kiêu ngạo, và kẻ tiểu nhân chơi nhạc để khiến mình không sợ hãi, trò đi theo ta mà trong tình huống này lại không hiểu ta sao?”
Tử Cống nói: “Phu tử đã đạt đến cảnh giới rất cao, không dễ dàng để người trong thiên hạ tiếp thụ, Phu tử có thể hạ tiêu chuẩn một chút được không?”
Khổng Tử nói: “Tử Cống à, nông dân giỏi trồng trọt nhưng không thể nói chắc chắn sẽ được mùa. Người thợ giỏi có thể tài giỏi, khéo léo nhưng không nhất định phải chiều theo sở thích của người khác. Người quân tử có thể hoằng dương đạo nghĩa, chính là hy vọng người trong thiên hạ đều có thể làm theo lẽ phải, có thể tuân theo các nguyên tắc của con đường chính đạo mà quay trở về với Thiên lý, làm sao có thể hạ thấp tiêu chuẩn đạo đức và công lý mà tùy tiện, qua loa để phù hợp với người thế tục? Ngày nay, nếu trò không trau dồi, tu dưỡng bản thân theo con đường chính đạo, mà đã suy xét làm sao để được cả thiên hạ chấp nhận thì đó là do chí hướng của trò chưa đủ lớn”.
Nhan Hồi nói: “Đạo của Phu tử đã đạt đến cảnh giới cao phi thường, vì vậy có một số người sẽ không dễ mà tiếp thụ. Mặc dù vậy, Phu tử đã tận tâm tận lực cố gắng hết sức mình để thực hiện, và cứu bách tính trong lửa nước với tấm lòng nhân từ. Dù cho con người có ngăn cản, ghen ghét và không có lòng khoan dung, nhưng điều đó có hại gì đối với Đạo của Phu tử không? Đây có thể chính là sự quý giá của Đạo! Chỉ có bậc quân tử mới có thể kiên trì giữ Đạo, không dao động trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Thật xấu hổ cho chúng ta khi không tu dưỡng theo chính đạo; khi chúng ta truyền bá chính đạo, nhưng không được một số người tiếp thụ, đó chính là sự xấu hổ của họ”.
Khổng Tử vui mừng nói: “Thật là tuyệt cho Nhan Hồi khi có được những hiểu biết sâu sắc như vậy!”
Lúc này, gió thoảng thổi làn hương thơm ngát, Khổng Tử nương theo làn hương, tìm thấy một mảnh ngọc lan ở tận sâu trong thung lũng. Chúng thần thái phong nhã, đoan trang và thanh lịch, mọc ở đây không được biết đến, không được người khác khen ngợi, nhưng vẫn âm thầm tỏa hương.
Khổng Tử nói với học trò: “Hoa lan ở trong thung lũng sâu, không bởi vì không có người mà không tỏa hương thơm ngát, không bị thay đổi trong bất cứ môi trường nào. Nó trong sáng, mạnh mẽ và cao quý như những bậc quân tử, đích thực là quân tử chân chính vậy!”, Sau đó, ông đã sáng tác bài “Ỷ Lan thao” và tự thân đánh đàn để khen tặng loài hoa này.
Khổng Tử nói tiếp: “Trong tình cảnh khó khăn, đạo lý sẽ giống như đi từ lạnh giá đến ấm áp. Sau đợt rét đậm qua đi, mùa xuân ấm áp sẽ đến. Chỉ những người hiền đức mới hiểu được, nhưng cũng có người không thể hiểu”.
Tử Cống hỏi: “Tại sao một số người không hiểu?”
Khổng Tử nói: “Người không có ý chí to lớn chỉ nhìn thấy những gì trước mắt, không tin vào những gì mình chưa thấy. Người có tu dưỡng đạo đức, đảm đương trọng trách thì sẽ không bị ngoại cảnh tác động, vì trong lòng họ có Đạo”.
Việt Anh
Theo secretchina.com