Nhân sinh có hai chuyện cần ghi nhớ: Tỉnh táo làm việc, hồ đồ làm người
Làm người đôi khi phải hồ đồ một tí, hồ đồ không phải là ngu ngốc, hồ đồ là một loại phong thái tu dưỡng. Cuộc sống có những việc không cần biết quá rõ, cứ hồ đồ cho qua thì cuộc sống mới an nhiên tự tại.
Có người nói: “Nhân sinh có hai sự kiện: bận rộn, tỉnh táo làm việc; rảnh rỗi, hồ đồ làm người”. Hồ đồ là một loại tâm thái, cũng là một loại tu vi. Trong mắt của Khổng Tử, hồ đồ chính là “trung dung”; trong mắt người già, hồ đồ là “vô vi”; trong mắt Trang Tử, hồ đồ lại là “tiêu dao”.
Có một câu chuyện thế này: Có hai người rơi xuống nước, một người thị lực cực tốt, một người thì cận thị. Hai người họ vùng vẫy trong hồ nước rất rộng, dần dần kiệt sức.
Đột nhiên, người có thị lực tốt nhìn thấy phía trước không xa có một con thuyền nhỏ, đang tiến về phía hai người họ. Người cận thị cũng mơ hồ nhìn thấy thế. Do đó hai người họ cố gắng lấy hết dũng khí, sức lực, để bơi về phía con thuyền nhỏ.
Bơi được một hồi, người thị lực tốt dừng lại. Vì anh ta nhìn thấy rõ đó không phải là một con thuyền nhỏ, mà là một mảnh gỗ mục nát. Tuy nhiên người cận thị lại không biết đó là mảnh gỗ, anh ta vẫn cố sức bơi về phía trước.
Cuối cùng người cận thị cũng bơi đến mục tiêu phía trước, và khi phát hiện ra đó chỉ là một mảnh gỗ mục nát, anh ta cũng không còn cách bờ bao xa. Người thị lực tốt cứ như vậy mà mất mạng trong hồ nước, còn người bị cận thị lại có được một cuộc sống mới.
Rất nhiều việc tốt hơn là không nên biết, không cần phải linh hoạt, cũng không cần phải quá hiểu rõ. Thật ra, cuộc đời vốn là hồ đồ, vui vẻ và hạnh phúc đều được giấu trong sự hồ đồ này. Một khi thức tỉnh, thì tất cả những hạnh phúc và vui vẻ, cũng sẽ tan thành mây khói.
Trịnh Bản Kiều từng đề rất nhiều bức hoành nổi tiếng, trong đó “Nan đắc hồ đồ” với “Cật khuy thị phúc” là hai bức mà ai cũng thích nhất. Về nguồn gốc của hai bức hoành này, có một đoạn truyền thuyết.
Trịnh Bản Kiều được bổ nhiệm làm tri huyện ở huyện Duy, người em của ông đã gửi đến một bức thư, trong đó kể lại chuyện người em và hàng xóm vì quyền sở hữu bức tường thuộc về tổ tiên mà xảy ra tranh chấp, náo động đến nha môn huyện Hưng Hóa. Người em hy vọng Trịnh Bản Kiều có thể gửi thư đến tri huyện của huyện Hưng Hóa, để mình có thể thắng kiện.
Trịnh Bản Kiều xem bức thư xong, lập tức làm thơ trả lời: “Ngàn dặm gửi thư chỉ vì tường, để lại vài xích thì có sao? Vạn Lý Trường Thành vẫn tồn tại, Tần Thủy Hoàng năm ấy còn không”. Tấm lòng rộng lượng và tính cách vui vẻ của ông được thể hiện rõ ràng.
Sau đó, ông có cảm hứng, múa bút viết xuống hai dòng “Nan đắc hồ đồ” (Muốn hồ đồ thật khó) và “Cật khuy thị phúc” (Chịu thiệt là phúc), còn chú thích phía dưới dòng “Nan đắc hồ đồ” rằng: “Thông minh khó, hồ đồ khó, từ thông minh hóa thành hồ đồ càng khó, buông tay ra, lùi một bước, tâm sẽ an yên, sau này cũng không mong được đền đáp”. Những lời này chính là bản tóm tắt sự tu dưỡng tính cách và triết học của chính tác giả.
Trong cuộc sống, chịu thiệt chính là một ranh giới làm người, chịu thiệt là một cách thông minh xử lý mọi việc. Tâm chỉ cần đơn giản, người chỉ cần hồ đồ, ít tính toán, không vì chuyện nhỏ mà lo lắng, mới có thể sống tự do thoải mái.
Tác giả Mộc Tâm từng nói: “Người tốt trên thế giới, sẽ luôn có một kiểu hồ đồ”. Bạch Nham Tùng nói: “Hai điểm cơ bản của cuộc sống chính là hồ đồ, phóng khoáng”.
Khoảng thời gian trước, trên mạng có một đoạn video như thế này: Nhân viên thức ăn nhanh đang giao hàng trên đường, không cẩn thận xảy ra tai nạn, đụng phải một ông cụ đi xe máy. Mặc dù hai người đều không sao, nhưng đồ ăn dường như đã hỏng hết. Điều này có nghĩa rằng hai người vì cuộc sống mà bôn ba, cuối cùng nỗ lực ngày hôm nay đều công toi.
Nhưng thái độ của hai người họ sau đó mới khiến người khác ngạc nhiên: Người giao hàng và ông lão không tiếp tục đi nữa, mà họ cùng nhau nâng ly rượu uống, chẳng có việc gì to tát cả, cạn ly rượu này rồi nói tiếp, suy nghĩ tiếp.
“Cuộc đời này, qua một ải lại phải tiếp một ải, ai mà chẳng có lần vấp ngã thảm hại, không ổn thì cứ ngồi đâu đó, nằm đâu đó nghỉ ngơi một chút. Nếu nói cuộc đời đã dạy tôi điều gì, thì đó chính là hưởng thụ sự thất bại”.
Đúng thế, thứ mà bạn có được đều là may mắn, thứ bạn mất đi chính là cuộc đời. Lúc khó khăn nhất, cứ tính toán so đo được mất, chi bằng cứ sống hồ đồ. Hồ đồ không phải là ngu ngốc, cũng không phải là dốt nát, mà là một loại phong thái, một loại tu dưỡng, một loại cảnh giới.
Con người sống trên thế gian, không cần quá chăm chỉ với ai đó hay với việc gì, có lúc, chúng ta chỉ cần sống hồ đồ một chút, sống tự tại một chút, tùy tính một chút, mắt nhắm mắt mở sống qua ngày, như vậy là bỏ qua cho bản thân cũng là bỏ qua cho người khác. Nhưng phàm những người lúc nào cũng tính toán chi li với người khác, đa phần cuộc sống không vui vẻ.
Hồ đồ với bạn bè, không tính toán phải bỏ ra mới có thể đạt được; hồ đồ với người khác, như vậy mới được sự tín nhiệm; hồ đồ với người yêu, cho họ không gian tự do; hồ đồ với mọi chuyện, thuyền đến đầu cầu tự nhiên sẽ thẳng.
Hồ đồ trên tiền tài, lợi lộc, không đau không tức; hồ đồ với tình người, lương tâm không cắn rứt; hồ đồ với tranh dành danh lợi danh tiếng; không phí suy nghĩ; hồ đồ với những tin đồn vô căn cứ, không mệt đôi tai.
Nhân sinh không đủ trăm năm, hà tất gì phải tốn ngàn tuổi để buồn rầu? Đường đời, cần phải hồ đồ mà trải qua, vui vẻ mà sống, biết đủ là vui!
Tuệ Tâm (Theo Secret China)