Kết cục một trời một vực của 2 người em trai hoàng hậu thời Bắc Tống
Hoàng hậu của vua Tống Nhân Tông thời Bắc Tống có hai người em trai, một người là Tào Cảnh Hưu, chính là Tào Quốc Cữu – một trong Bát Tiên trong truyền thuyết dân gian, một người là Tào Cảnh Thực. Cả hai tuy thân cùng là quốc cữu, nhưng tâm niệm bất đồng, dẫn đến tiền đồ khác nhau.
Theo “Tống tiên liệt truyện” ghi lại, Tào Cảnh Hưu thiên tính thuần thiện, không màng hư vinh, không thích phú quý, chỉ yêu thích tu Đạo; còn Tào Cảnh Thực thì ngạo nghễ phạm pháp, cậy thế làm bậy.
Hai anh em làm việc gì cũng khác nhau rất lớn, Tào Cảnh Hưu nhân từ phúc hậu, với đức tính tốt này, phàm có người cực khổ cầu ông cứu tế, ông đều sẵn lòng tương trợ, thường ngày thích làm việc thiện, bởi vậy tất cả mọi người đều gọi ông là đại thiện nhân.
Tào Cảnh Thực lại tham lam tiền tài, keo kiệt thành tính, tự cậy mình là thân thích của hoàng thất, thường cậy thế hành ác, nuôi một đám môn hạ chuyên lấy mạnh hiếp yếu, cướp đoạt ruộng vườn của dân chúng, chiêm lấy con gái lành nhà người ta. Suốt mấy chục năm, không biết đã làm bao nhiêu chuyện xấu ác.
Tào Cảnh Hưu thường nói với mọi người rằng: “Ta có thể tĩnh thất đốt nhang, thành kính tu Đạo, việc này thực sự là phúc khí! Không ngờ em trai của ta suốt ngày chỉ nghĩ đến tiền, tìm mọi cách để có được nó. Nhưng mà làm ra nhiều tiền thì có ích lợi gì đây? Lại nói đám con cháu, đã bị mớ tài sản kia làm hại, làm sao còn chịu dụng tâm đọc sách đây? Đệ ấy cứ khăng khăng một mực như vậy mà nhìn không thấu”.
Năm Tào Cảnh Hưu 30 tuổi thì đạo nhân Hàn Tương Tử đi đến nhà ông, cùng ông đàm đạo, khiến ông vô cùng ngưỡng mộ và khâm phục. Về sau Hàn Tương Tử thường tìm đến ông, có một lần nói rằng em trai của ông tội ác chồng chất, khó tránh khỏi báo ứng. Tào Cảnh Hưu nghe nói như vậy, liền biết người em này kết cục sẽ không tốt.
Vì thế lại khuyên răn Tào Cảnh Thực, giảng đạo lý cho y, nói chuyện nhân quả báo ứng. Tào Cảnh Hưu nóng lòng khuyên giải, lo lắng đến rơi nước mắt, tuy nhiên Tào Cảnh Thực nghe xong chỉ cười to, nói anh trai si ngốc đang mắc bệnh hoang tưởng rồi, nên tìm thầy thuốc đi thôi.
Hàn Tương Tử sau khi biết chuyện này bèn nói với Tào Cảnh Hưu: “Tội ác của Cảnh Thực ngập trời, hết sạch trúc cũng viết không xong. Kết cục của hắn chắc chắn là ở trong chốn u minh, nhất định có báo ứng”. Tào Cảnh Hưu nói: “Tôi cũng biết là người này khó mà thuyết phục. Nhưng thân là huynh trưởng, tôi có thể nào lại không đem hết khả năng mà khuyên bảo, còn như nghe cũng không nghe, sửa cũng không sửa, vậy là do đệ ấy tự quyết định vậy”. Hàn Tương Tử nghe xong, cũng đành phải thở dài.
Một lần, Tào Cảnh Hưu lại nói với Tào Cảnh Thực:
“Trong thiên hạ có lý rằng, người tích thiện thì hưng, tích ác thì vong, đây là điều không hề thay đổi. Nhà chúng ta làm việc thiện tích được âm đức, mới có phú quý ngày hôm nay. Cho nên thấu tỏ rõ ràng rằng, tốt nhất là tích đức hành thiện, tu thân tu đạo, chỉ có theo đuổi chân lý này, loại thiện này mới có thể có được thiện quả.
Mà đệ lại mê đắm ham muốn hưởng thụ vật chất, loại truy cầu này chỉ là khoái lạc ngắn ngủi, lại không biết sẽ mang đến cho mình vô hạn thống khổ ở kiếp sau. Làm người chân chính cần phải làm chủ chính mình, có thể nào lại bị hoa mắt bởi đồng tiền, vì danh vì lợi mà làm việc ác, đến khi đại nạn trước mắt thì hối hận cũng muộn rồi!”.
Tào Cảnh Hưu nói hết lời như vậy, đạo lý nói ra cũng phi thường thấu đáo. Nhưng mà người em này nghe xong, lại cảm thấy những ngôn từ ấy thật đáng ghét, khắp người cảm thấy căm tức, phản đối: “Huynh đừng nói những lời này với ta nữa, sau này cũng đừng quản việc của ta”. Tào Cảnh Hưu từ đầu đến cuối đều ra sức khuyên nhủ hắn, cũng không thể khiến hắn hối cải làm người tốt, thấy tình trạng vẫn cứ mê muội hồ đồ như vậy, cũng đành phải rời đi.
Một ngày nọ, Tào Cảnh Thực uống rượu ở một quán rượu trong thành, kết quả say rượu loạn tính, thất thủ giết người, cuối cùng bị bắt đưa vào nhà giam. Sau khi thẩm vấn, Huyện thái gia biết hắn là em trai của Hoàng thái hậu, nên không dám động đến.
Nhưng Tào Quốc Cữu biết chuyện bèn nghiêm khắc nói với Huyện thái gia: “Ngươi thân là quan phụ mẫu, há có thể xét xử không công bình như vậy sao? Cho dù là thái tử phạm pháp, thì cũng phải giống như thường dân mà trị tội. huống hồ là em trai của thái hậu? Làm như vậy, sao có thể khiến dân chúng tín phục đây?”.
Huyện thái gia nghe xong thì vô cùng hổ thẹn, cuối cùng cũng phải y theo pháp lệnh, đem Tào Cảnh Thực xử trảm, toàn bộ tài sản phi pháp tịch thu xung vào công quỹ.
Dân chúng biết được chuyện này thì vô cùng kính nể Tào Quốc Cữu, nhưng mà ông trong lòng thì muôn phần đau buồn. Vì thế ông hướng đến Hoàng thượng xin cáo lui, từ biệt người nhà cùng bằng hữu, giải tán hết gia tài giúp đỡ người nghèo khổ, thân mặc đạo phục lên núi ẩn cư chuyên tâm tu Đạo.
Đến một ngày, Hán Chung Lý và Lã Động Tân lui tới chỗ tu Đạo của ông, hỏi ông: “Ngươi nhàn nhã như vậy thì tu dưỡng cái gì?”. Quốc Cữu đáp: “Ngoài đó ra không có gì khác, chỉ tu Đạo mà thôi”. Hai vị tiên hỏi: “Đạo ở nơi nào?”. Quốc Cữu ngửa mặt chỉ lên trời. Hai vị tiên lại hỏi: “Trời là nơi nào?”. Quốc Cữu chỉ vào tim, tỏ ý đạo lý chính là ở trong tâm mình, cho nên nhất định thường xuyên xét lại mình mới có thể tìm được Đạo.
Hán Chung Ly và Lã Động Tân cười nói: “Tâm tức thiên, thiên tức đạo, ngươi đã ngộ ra chân lý của ‘Đạo’ rồi”. Vì thế giảng cho ông “Hoàn chân bí chỉ” để chuyên tâm tu Đạo. Trước khi 2 vị tiên rời đi, còn dặn Tào Quốc Cữu mỗi ngày phải ra phía sau núi chặt 9 khúc củi rồi xếp dưới đất.
Ba năm trôi qua, củi khô mà Tào Quốc Cữu đốn được có hơn một ngàn tầng, cao hơn 20 trượng. Ông cũng đạt tới tâm và Đạo hợp nhất, hình dáng theo cảnh giới của thần mà biến hóa.
Một hôm, Hán Chung Ly và Lã Động Tân đi đến trước mặt ông nói: “Ba năm qua ngươi đã ở nơi đây thành kính tu luyện, chúng ta đều nhìn thấy, nay ngươi cần phải giải quyết xong ân oán ở thế gian”. Dứt lời, cưỡi mây mà đi. Tào Quốc Cữu không hề nghĩ ngợi, ngay dưới đống củi châm một mồi lửa, chỉ nghe “ầm” một tiếng, ánh lửa vút tận trời. Nhất thời, trên bầu trời có muôn vàn ánh hào quang mây tía. Tào Quốc Cữu theo ngọn lửa, từ từ bay lên bầu trời.
Trên bầu trời truyền đến một tràng cười to: “Tào Quốc Cữu, chúng ta đã đợi ngươi từ lâu!”. Tào Quốc Cữu mở mắt nhìn, chỉ thấy Lý Thiết Quải, Hán Chung Ly, Lã Động Tân… 7 vị đại tiên đang đứng chờ mình. Lý Thiết Quải nói: “Ngươi ba năm không uổng phí, đã luyện được khối báu vật vô giá”.
Tào Quốc Cữu cúi đầu vừa nhìn, thấy mình dẫm lên một khối giống như ngọc thạch, trên đó viết 3 chữ “Vân Dương bản” lóng lánh ánh vàng kim. Dẫm lên bảo vật này, Tào Quốc Cữu có thể cưỡi mây cưỡi gió, trôi nổi vượt biển, trấn yêu trừ tà. Ông mỉm cười, bước lên mây lành cùng mấy vị vị đạo tiên dạo chơi. Không lâu sau, liền được 2 vị tiên Hán Chung Ly, Lã Động Tân dẫn vào tiên ban, làm một trong Bát Tiên.
Tào hoàng hậu có hai người em, một người tốt một người hư hỏng, “người hành thiện tu đạo thành tiên, người hành ác chết thành ma”, báo ứng của hai người quả là muôn phần khác biệt.
Con người sống trên thế gian xin đừng chấp mê vào danh lợi, bởi của cải vật chất khi sinh không mang theo đến, khi chết không mang theo đi, mà quả báo phía sau lại vô cùng đáng sợ.
Từ xưa đến nay, phàm là người tin vào nhân quả báo ứng, thường sẽ có thể tự giác tích đức hành thiện, và từ đây mà kết thiện quả, đắc phúc báo.
Bảo An, dịch từ secretchina