Học giả: TQ ngừng xuất khẩu dược phẩm để trả đũa Mỹ chẳng khác nào tự bắn vào chân mình
Khi Hoa Kỳ đang dần tiến hành xóa bỏ các mối liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), một số học giả Đại lục tuyên bố rằng họ sẽ chống lại các lệnh trừng phạt bằng cách hạn chế xuất khẩu thuốc chữa bệnh sang Mỹ. Tuy nhiên, nhiều học giả khác của Đại lục ngay lập tức phản pháo rằng, sử dụng phương pháp này sẽ chỉ như tự bắn vào chân mình mà thôi.
Vào tháng 8, nhà kinh tế học kiêm cố vấn chính phủ Trung Quốc Lý Đạo Quy cho biết nếu Hoa Kỳ tiếp tục áp dụng lệnh trừng phạt đối với ngành bán dẫn, Bắc Kinh có thể ngừng xuất khẩu dược phẩm như một đòn phản công.
Trong cuộc chiến thương mại năm ngoái, Lý Đạo Quy cũng đã đưa ra tuyên bố tương tự, đó là sử dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu thuốc kháng sinh như một biện pháp trả đũa trong cuộc chiến thương mại.
Kể từ ngày 15/9, lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ sẽ có hiệu lực và các công ty bị trừng phạt sẽ không thể sử dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong sản phẩm của mình.
Việc Hoa Kỳ buộc phải đưa ra các biện pháp trừng phạt các công ty sản xuất chất bán dẫn Đại lục, bao gồm cả Huawei, là do các công ty này đều có nền tảng quân sự của ĐCSTQ, hỗ trợ ĐCSTQ giám sát người dùng toàn cầu, đánh cắp dữ liệu kinh doanh và thông tin cá nhân của người dùng.
Tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) vào ngày 10/9 đưa tin rằng, Thời Yên Hoằng, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc đồng thời là cố vấn của Quốc vụ viện ĐCSTQ, nói rằng ngừng cung cấp dược phẩm sẽ không giúp Trung Quốc trả đũa được Hoa Kỳ, mà còn thúc đẩy việc Hoa Kỳ nhanh chóng áp dụng lệnh cấm với ngành công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc.
Ngoài ra, các nhà xuất khẩu Trung Quốc mà phụ thuộc nhiều vào thị trường Hoa Kỳ cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu các công ty Trung Quốc này mất đi các khách hàng từ Hoa Kỳ, họ có thể bị phá sản. Vì vậy nếu như nhìn từ khía cạnh gậy ông đập lưng ông, Hoa Kỳ nắm trong tay nhiều lợi nhuận hơn Trung Quốc.
Tra Đạo Huỳnh, giáo sư kinh tế và chính trị quốc tế tại Trường Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, tin rằng việc chủ động cắt giảm nguồn cung của ngành dược phẩm do các vấn đề chính trị sẽ chỉ làm tổn hại tới đất nước, vì điều đó sẽ khiến Trung Quốc mất đi nguồn cung nguyên liệu thô từ nước ngoài và các thành tựu liên quan về chuyên môn.
Theo tin tức trên các phương tiện truyền thông gần đây, trong lĩnh vực bán dẫn, chips của ĐCSTQ đang dần hết hàng. Các giám đốc điều hành của Huawei gần đây cũng đã thừa nhận rằng lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ là một đòn chí mạng đối với Huawei.
Công nghệ của Đại lục kém xa so với trình độ phổ thông quốc tế. Chip và thiết bị sản xuất chip đang phụ thuộc chủ yếu vào Hoa Kỳ, việc sản xuất ở Trung Quốc không đáp ứng được nhu cầu.
Trong lĩnh vực y tế, Hoa Kỳ là điểm đến chính trong thị trường xuất khẩu của các sản phẩm y tế của Trung Quốc. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm y tế của Trung Quốc sang Hoa Kỳ đạt 13,497 tỷ đô la Mỹ, bao gồm cả thuốc Đông, Tây y hay các thiết bị y tế. Nếu Trung Quốc cắt giảm xuất khẩu dược phẩm, nó sẽ đồng nghĩa với việc đóng cửa nhiều công ty Trung Quốc.
Ngoài ra, kể từ khi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán lây lan từ Đại lục ra thế giới, Tổng thống Hoa Kỳ Trump đã đề xuất thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả y học.
Đầu tiên, ông đã thông qua “Đạo luật sản xuất quốc phòng” để tăng cường sản xuất khẩu trang và thiết bị y tế của nước này, đồng thời ký một lệnh hành pháp vào đầu tháng 8 nhằm tăng cường sản xuất các loại thuốc chủ chốt, thiết bị y tế, thiết bị bảo hộ và các sản phẩm y tế khác tại Hoa Kỳ.
Đồng thời, Hoa Kỳ đang tổ chức lại chuỗi dược phẩm quốc tế của mình. Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ Alex Azar đã đến thăm Đài Loan trong 4 ngày vào đầu tháng 8. Ông đã gặp Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, Phó Tổng thống Lại Thanh Đức, Bộ trưởng Ngoại giao Ngô Chiêu Tiếp và chuyên gia y tế công cộng, cựu Phó Tổng thống Trần Kiện Nhân, đồng thời đã ký “Biên bản Ghi nhớ về Hợp tác Y tế và Sức khỏe” với Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan Trần Thời Trung. Đây là lễ ký kết chính thức cấp cao nhất giữa hai nước trong 41 năm kể từ khi Đài Loan và Hoa Kỳ cắt đứt quan hệ ngoại giao.
Nhà bình luận Giang Phong phân tích rằng Đài Loan sẽ đóng vai trò nòng cốt trong quá trình tái tổ chức chuỗi cung ứng y tế của Mỹ trong tương lai và trở thành đối tác chiến lược quan trọng của Mỹ.
Gia Hưng (Theo NTDTV)