Học âm nhạc có thể trực tiếp cải thiện kỹ năng ngôn ngữ của trẻ
Một nghiên cứu mới đã phát hiện rằng các bài luyện đàn piano có ảnh hưởng tốt đến khả năng phân biệt các nốt nhạc của trẻ mẫu giáo, giúp cải thiện việc phân biệt những từ khác nhau trong lời nói.
Tuy nhiên, các bài học đàn piano không có lợi ích gì cho khả năng nhận thức tổng thể, vốn được đo bằng chỉ số IQ, mức độ tập trung hoặc trí nhớ ngắn hạn. Ông Robert Desimone, giám đốc Viện Nghiên cứu Não bộ McGovern của MIT và là tác giả chính của bài báo, cho biết:
“Các em không có khác biệt gì về mức độ nhận thức, nhưng có một số cải thiện trong việc phân biệt từ ngữ, đặc biệt là phụ âm. Tại nghiên cứu này, nhóm học piano đã cho thấy sự cải thiện tốt nhất”.
Nghiên cứu này đã đưa ra giả thuyết là việc luyện tập âm nhạc ít nhất cũng có lợi trong việc cải thiện kỹ năng ngôn ngữ, và có thể giúp ích hơn là cứ bắt trẻ học đọc thêm. Trường học nơi nghiên cứu được thực hiện vẫn tiếp tục đưa ra các bài học piano cho học sinh, và các nhà nghiên cứu hy vọng phát hiện của họ có thể khuyến khích những trường khác duy trì hoặc tăng cường các bài học âm nhạc cho các bé.
Phó giáo sư Yun Nan từ Đại học Sư phạm Bắc Kinh là tác giả chính của nghiên cứu.
Những lợi ích của âm nhạc
Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy trung bình, các nhạc sĩ làm tốt hơn những người không phải nhạc sĩ ở các việc như đọc hiểu, phân biệt lời nói từ tiếng ồn và xử lý thính giác nhanh. Tuy nhiên, phần lớn những nghiên cứu này được thực hiện bằng cách hỏi các đối tượng về quá trình luyện tập âm nhạc trước đây của họ. Những nhà nghiên cứu của MIT muốn tiến hành một nghiên cứu sao cho họ có thể sắp xếp ngẫu nhiên các em nhỏ đã được học nhạc hoặc chưa, và sau đó đo lường sự tác động của âm nhạc.
Họ quyết định thực hiện nghiên cứu tại một ngôi trường ở Bắc Kinh, cùng với những nghiên cứu viên đến từ IDG thuộc Viện McGovern tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, một phần là do các thầy cô ở đây rất hào hứng trong việc nghiên cứu tác dụng của âm nhạc so với việc dạy đọc thêm. Ông Desimone giải thích:
“Nếu các em được học âm nhạc làm giống hoặc tốt hơn các bé được hướng dẫn học đọc thêm, đó có thể là lý do để trường học muốn tiếp tục cấp vốn cho việc dạy nhạc”.
Có 74 trẻ em tham gia vào nghiên cứu và được chia thành 3 nhóm: Nhóm đầu tiên thực hành bài học piano trong 45 phút, 3 lần một tuần; nhóm kế tiếp nhận bài hướng dẫn đọc thêm với cùng thời gian như nhóm đầu, và nhóm cuối cùng không được học thêm gì hết. Các em tham gia khảo sát khoảng 4 hoặc 5 tuổi và đều nói tiếng Quan thoại là tiếng mẹ đẻ.
Sáu tháng sau, các nhà nghiên cứu kiểm tra lại khả năng phân biệt từ của các em dựa trên sự khác nhau về nguyên âm, phụ âm hoặc âm sắc (nhiều từ Quan thoại chỉ khác nhau dựa trên âm sắc). Khả năng phân biệt từ ngữ tốt hơn thường sẽ tương ứng với sự nhận thức âm vị tốt hơn (khả năng nhận biết cấu trúc âm thanh của các từ, là chìa khóa quan trọng để học đọc).
Các trẻ được học đàn piano có lợi thế đáng kể hơn so với những em thuộc nhóm học đọc thêm trong việc phân biệt sự khác nhau giữa các từ theo một phụ âm. Trẻ em nhóm một và nhóm hai đều phân biệt từ ngữ tốt hơn những trẻ không được học thêm gì.
Các nhà nghiên cứu cũng sử dụng điện não đồ (EEG) để đo lường hoạt động bộ não và họ đã phát hiện rằng trẻ em trong nhóm học đàn piano có những phản hồi mạnh mẽ hơn so với những trẻ khác khi các bé cùng nghe một loạt âm sắc theo cao độ khác nhau. Điều này góp phần củng cố giả thuyết là các trẻ được học nhạc có độ nhạy mạnh hơn đối với sự chênh lệch cao độ, giúp các em phân biệt các từ khác nhau tốt hơn. Ông Desimone nói thêm:
“Đây là điều quan trọng cho trẻ em khi học ngôn ngữ: các em có thể nghe được sự khác biệt giữa các từ, việc học nhạc thực sự hữu ích”.
Lợi ích về mặt giáo dục
Ông Desimone hy vọng là những phát hiện này sẽ giúp thuyết phục các quan chức giáo dục đang xem xét việc xoá bỏ các lớp học nhạc sẽ thay đổi ý định. Ông nói:
“Việc dạy đàn piano cho trẻ em có nhiều lợi ích tích cực, như việc phân biệt sự khác nhau giữa các âm thanh, trong đó có tiếng nói, như thế sẽ tốt hơn đi học thêm… Không gì tệ hơn là nhồi nhét bài đọc thêm cho trẻ nhỏ, vốn là việc mà nhiều trường học đang làm – loại bỏ giáo dục nghệ thuật và chỉ bắt học sinh học đọc nhiều hơn”.
Hiện tại, ông Desimone đang nghiên cứu sâu hơn vào quá trình thay đổi thần kinh qua học nhạc. Một trong những cách nghiên cứu là đo điện não đồ (EEG) của người trước và sau khi học một bài nhạc có cường độ mạnh để xem não bộ đã biến đổi như thế nào.
>>> 400 lần liên tiếp nền nhiệt độ Trái Đất đạt mức cao bất thường
>>> Nghiên cứu mới cho thấy: Người tín thần sống thọ hơn người vô thần
Hồng Liên, theo Vision Times