Hết thảy mọi việc lớn nhỏ trong đời đều do Thần an bài
Những câu chuyện dưới đây sẽ giúp bạn phần nào hiểu rằng, hết thảy việc lớn nhỏ trong đời đều đã được Thần an bài. Vậy nên, làm người sống thuận theo tự nhiên và tôn kính Thần Phật là lựa chọn sáng suốt nhất.
Việc xảy ra trong nhà là do Thần an bài
Đỗ Tông và Lý Đức Dục (đại thần nhà Đường, năm 787-849), cùng làm tướng ở tỉnh Trung Thư. Một hôm, Lý Đức Dục nói với Đỗ Tông: “Nhà ông có một người lạ, tại sao không đưa anh ta đến thăm nhà tôi?”.
Đỗ Tông nói: “Nhà tôi làm gì có người lạ nào! Chỉ có đứa cháu ngoại từ nơi xa đến nhậm chức quan”. Lý Đức Dục nói: “Chính là cậu ấy đấy”. Đỗ Tông liền về nhà đưa cháu ngoại đến chơi nhà Lý Đức Dục.
Lý Đức Dục hỏi người cháu kia xem vận mệnh, bổng lộc của mình thế nào, anh này nói:
“Thái úy là người có địa vị cao, sao lại phải hỏi câu đó? Phàm là mọi việc dù nhỏ nhất của con người đều đã được định rồi, huống hồ là những việc đại sự như công lao, tước vị. Nhưng cháu có thể nói được những việc nhỏ trong nhà ông, lấy việc nhỏ để chứng minh việc lớn.
Trưa mai có một con vật lông trắng từ phòng phía nam chạy ra, có một đứa bé búi tóc, mặc áo màu tím, chừng bảy tuổi, tay cầm cây gậy trúc có chín đốt, dài năm tấc, đuổi theo con thú lông trắng kia, con thú lông trắng liền chạy về phía nam. Đứa trẻ này không phải là người trong nhà ông. Ông đợi xem rồi hãy nghiệm lại sự việc này”.
Đến trưa ngày hôm sau, quả nhiên có một con mèo trắng từ căn phòng phía nam chạy ra, có một đứa bé búi tóc mặc y phục màu tím đuổi theo nó, con mèo trắng lại chạy về phía nam.
Lý Đức Dục liền ra lệnh lập tức gọi đứa bé đến để hỏi chuyện nó, đứa bé trả lời nó bảy tuổi. Ông kiểm tra chiếc gậy trúc đứa bé cầm trên tay, đúng là dài năm tấc và có chín đốt. Đứa trẻ này ở nơi khác vào đây. Lời dự đoán của người cháu không sai lệch chút nào so với sự việc xảy ra sau đó. Từ đó có thể thấy, việc dù lớn hay nhỏ, xác thực đều do thiên định.
(Trích từ “Văn Kỳ Lục”)
Việc lớn nhỏ khi ra ngoài cũng đều do Thần an bài
Thái Phủ Khanh Thôi Khiết tại Trường An cùng tiến sỹ Trần Đồng đến Giai Tư thăm người thân. Trần Đồng có thể dự đoán được sự việc, Thôi Khiết không tin, khi ra khỏi nhà, Trần Đồng nói: “Tôi và túc hạ sẽ ăn cá cắt lát ở đình Bùi Lệnh Công”.
Thôi Khiết không tin, cười không trả lời. Họ đi qua phố Thiên Môn, thấy có bán cá rất tươi. Thôi Khiết đã sớm quên lời của Trần Đồng, bèn nói: “Chúng ta ra ngoài chơi cũng chẳng có việc gì, chi bằng ăn cá cắt lát”, rồi bảo tùy tùng lấy tiền ra mua năm cân cá. Thôi Khiết hỏi: “Đi đâu làm cá để ăn đây?”. Tùy tùng nói rằng đình Bùi Lệnh Công rất gần đây. Vậy nên ông liền sai người đến đó sửa soạn trước.
Khi họ đến nơi, Thôi Khiết mới nhớ đến lời Trần Đồng nói, kinh ngạc mà rằng: “Đến đâu tìm người cắt cá đây?”. Trần Đồng nói: “Chỉ cần mượn được dao và thớt thôi, sẽ có một nhóm nhạc công hàng đầu đến giúp chúng ta làm cá”.
Một lúc sau, có ba, bốn người mặc áo tím đến đình ngồi thưởng ngoạn. Một người nhìn thấy cá liền nói: “Con cá này thật là tươi ngon. Hai vị có muốn làm cá cắt lát không? Tôi thạo việc này lắm, để tôi làm cho các vị nhé”.
Hỏi ra được biết ông ấy là nhạc công hàng đầu ở Lê Viên. Mấy người khác đều đã rời đi rồi, vị nhạc công này bèn cởi áo, cầm dao, thao tác rất nhanh nhẹn. Cá cắt lát sắp xong, Trần Đồng nói: “Con cá cắt lát này chỉ có tôi và Thôi huynh được ăn, tôi đoán rằng vị nhạc công này không ăn được đâu”.
Cá cắt lát vừa làm xong, đột nhiên có sứ giả đến thông báo: “Hoàng thượng sắp giá lâm, triêu gọi nhạc công đến”. Vị nhạc công vừa làm cá xong đành lập tức cầm lấy y phục đai lưng, chạy vội ra cửa, còn không kịp nói lời nào. Thấy vậy, Thôi Khiết rất kinh ngạc.
Hai người ăn xong, Trần Đồng lại nói: “Lát nữa, sẽ có một vị quan cửu phẩm từ phía đông nam cách 3.000 dặm đến đây, được uống nửa bát canh suông”.
Trần Đồng vừa nói dứt lời thì có huyện úy Diên Lăng Lý Cảnh đến, ông ấy đang chuẩn bị đi nhậm chức, Lý Cảnh có quan hệ thân thiết với Thôi Khiết, biết ông đang ở đình Bùi Lệnh Công nên đến để cáo từ. Trần Đồng và Thôi Khiến đang ăn cá. Thôi Khiết hỏi: “Còn cá nữa không?”. Tùy tùng trả lời: “Đã ăn hết rồi, chỉ còn một bát canh vơi”.
Thôi Khiết cười lớn nói: “Mau mang ra đây cho thiếu phủ Lý Cảnh uống”. Vậy là Lý Cảnh uống hết nửa bát canh rồi đi. Lý Cảnh nhậm chức huyện úy Diên Lăng, chính là chức quan cửu phẩm.
Hết thảy chuyện này đều nằm trong dự đoán của Trần Đồng. Có thể thấy việc nhân sinh ăn ở đi lại, dù là chuyện lớn hay nhỏ, trong u mê đều do Thần đã định sẵn rồi.
(Trích từ “Dật sử”)
Năm Trinh Nguyên Đường Đức Tông có một người tên là Lý Sinh, nhà ở Hà Bắc, từ nhỏ vốn là người mạnh mẽ, nghĩa khí hào hiệp, không câu nệ tiểu tiết. Ông thường qua lại với những thiếu niên hư hỏng, đến năm hơn 20 tuổi mới biết sửa chữa lỗi lầm, chăm chỉ đọc sách, những bài thơ ông làm được nhiều người khen ngợi. Ông nhiều lần làm quan ở Hà Bắc, sau đó đảm nhậm chức Lục sự tham quân ở Thâm Quyến. Ông có phong thái nhẹ nhàng, thích chuyện trò vui vẻ, tinh thông sử sách, liêm khiết giỏi giang, ông cũng biết uống rượu nên rất được lòng quan Thái thú.
Lúc đó, Vương Vũ Tuấn làm Đức Quân Tiết độ sử, ỷ vào công trạng và binh lính trong tay, ông ta không màng pháp lệnh, các quan lớn quản lý các châu đều rất sợ ông ta, không dám đứng trước mặt ông ta.
Vương Vũ Tuấn từng phái con trai là Vương Sỹ Chân đi xem xét các châu thuộc địa phương mình. Khi Vương Sỹ Chân đến Thâm Châu, Thái thú bày tiệc rượu ăn mừng, chuẩn bị yến tiệc tại nơi ở của ông để khoản đãi Vương Sỹ Chân. Thái thú sợ Vương Vũ Tuấn, nên hầu hạ lễ tiết cho Vương Sỹ Chân rất chu đáo, lại lo trong yến tiệc có người uống say mà xung đột với Vương Sỹ Chân, nên không dám mời quan cấp dưới nào đến dự tiệc cả.
Vương Sỹ Chân rất vui mừng, cảm thấy các châu khác đều không tiếp đãi ông ta nhiệt tình như ở Thâm Châu. Uống rượu đến nửa đêm, Vương Sỹ Chân mới nói: “Cảm tạ Thái thú hậu đãi, nhưng ta muốn vui hết đêm nay, nếu có khách quý thì hãy cho gọi đến”.
Thái thú nói: “Châu này của chúng tôi vắng vẻ, không có người nổi tiếng, kính phục uy quyền của phó đại sử (lúc đó Vương Sỹ Chân là phó Tiết độ sử), tại hạ không dám để cho khách khác cùng dự tiệc, chỉ có Lục sự tham quân Lý Sinh mới có thể hầu chuyện ngài”. Vương Sỹ Chân nói: “Vậy mời anh ta đến”.
Lý Sinh vào, bước đến bái lạy. Vương Sỹ Chân vừa nhìn thấy anh ta, sắc mặt liền rất khó chịu, lệnh cho Lý Sinh ngồi xuống. Lý Sinh càng cung kính, Vương Sỹ Chân càng không vui, mắt nhìn trân trân vào tay áo, không còn hồ hởi như lúc trước.
Thái thú sợ hãi, không biết nói thế nào. Lại nhìn Lý Sinh thấy ông ta thần thái bất an, mồ hôi ướt đầm, đến ly rượu cũng không cầm nổi. Người ngồi bên cạnh đều không khỏi sững sờ. Một lúc sau, Vương Sỹ Chân lệnh cho thuộc hạ: “Trói Lý Sinh lại, tống vào ngục”. Thuộc hạ bèn lập tức lôi Lý Sinh ra, trói gông lại rồi bỏ vào ngục.
Lát sau, Vương Sỹ Chân lại vui như lúc đầu, mãi cho đến sáng sớm, tiệc mới tàn.
Thái thú vừa kinh ngạc vừa sợ hãi, bèn âm thầm phái người vào ngục hỏi Lý Sinh: “Thái độ của ông rất cung kính, mà còn chưa nói một lời nào, nhẽ ra không thể nào đắc tội với Vương Sỹ Chân được. Nhưng tại sao ông ta vừa nhìn thấy ông đã tức giận? Ông có biết là chuyện gì không?”.
Lý Sinh khóc lóc hồi lâu mới nói:
“Phật gia giảng đạo lý báo ứng, giờ đây tôi mới hiểu ra. Thời trẻ tôi rất nghèo, không có gì để mưu sinh, nên thường qua lại với các hiệp khách, thường đi cướp bóc của cải của người trong thôn. Tôi thường phi ngựa bắn cung, đi trên đường lớn, ngày đi trăm dặm. Một hôm, tôi gặp một thiếu niên cưỡi một con la, đem theo hai túi hành lý lớn. Tôi tham của cải của anh ta, nhìn xung quanh thấy toàn vách núi cao ngất, mà trời thì đã chập choạng tối, bèn lấy hết sức đẩy cậu thiếu niên đó xuống vực. Sau đó vội vàng lôi con la đến một quán trọ, mở hành lý ra, lấy được hơn trăm dải lụa đẹp. Từ đó nhà tôi cũng khá giả hơn chút. Cũng từ đó tôi bẻ gãy cung tên, đóng cửa đọc sách, rồi ra làm quan.
Đến nay đã 27 năm rồi. Tối hôm qua ngài lệnh cho tôi tham gia yến tiệc của Vương Công, sau khi bước vào, tôi nhìn thấy tướng mạo của Vương Sĩ Chân, chính là cậu thiếu niên mà năm đó bị tôi giết chết. Sau khi bái lạy ông ta, trong lòng cảm thấy hổ thẹn, tự biết mình sớm muộn tất phải chết. Giờ tôi đang giơ đầu chịu tội chết đây, còn lời nào để nói nữa? Đây đều là báo ứng”.
Vương Sỹ Chân cười nói: “Lý Sinh không có tội gì, chỉ là ta vừa nhìn thấy anh ta, thì trong lòng phẫn nộ, lúc đó đã có ý muốn giết anh ta. Nay đã giết rồi, ta cũng không biết nguyên cớ gì. Ông không cần phải nói nữa”.
Cho đến khi tàn tiệc xong, Thái thú khẽ hỏi tuổi của Vương Sỹ Chân mới biết là 27 tuổi, hóa ra vào năm mà Lý Sinh đã giết cậu thiếu niên, cậu thiếu niên đó đã chuyển sinh vào nhà của Vương gia, tên là Vương Sỹ Chân.
Thái Thú kinh ngạc hồi lâu, về sau ông dùng tiền của mình để an táng cho Lý Sinh.
Theo Daikynguyenvn