Vì sao 70 triệu người Trung Quốc tập Pháp Luân Công thập niên 1990?

20/08/22, 09:41 Pháp Luân Công

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, Pháp Luân Công đã trở thành một hiện tượng nổi bật ở Trung Hoa Đại Lục, đi đâu cũng có thể nghe người ta bàn tán và nói về Pháp Luân Công. Bấy giờ, cứ 20 người Trung Quốc thì 1 người tập môn khí công này. Tuy vậy, điểm đặc biệt là Pháp Luân Công chỉ mới xuất hiện công khai vào năm 1992. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng người Trung Quốc say mê tập luyện Pháp Luân Công? Bài viết dưới đây có thể làm rõ phần nào vấn đề ấy.

Các học viên Pháp Luân Công đang luyện các bài công pháp tại một công viên ở Trung Quốc trước năm 1999. (Ảnh Minh Huệ Net)

Dân tộc Trung Hoa cần lấp đầy khoảng trống tâm linh, trở về với văn hóa truyền thống

Người Trung Quốc trải qua nhiều cuộc vận động cách mạng trong quá khứ, mối dây liên kết lâu đời với văn hóa truyền thống, văn hóa tu luyện của dân tộc đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) một dao chặt đứt. Những màn mưa máu gió tanh của Cách mạng Văn hóa đã tẩy sạch triết lý nhân sinh và văn hóa tu luyện được các thế hệ nối tiếp nhau lưu truyền lại, lấy đảng tính thay cho nhân tính, người đấu với Trời, người đấu với Đất, người đấu với người, con tố cha, vợ tố chồng, học trò đấu tố thầy cô giáo… Mặc dù vào thập niên 90, kinh tế Trung Quốc đã đang trên con đường khởi sắc, nhưng những khoảng trống trong tâm hồn của nhiều người vẫn không cách nào được lấp đầy. Nó mang đến cho họ cảm giác lạc lõng như thiếu thốn một thứ gì, mất đi một thứ gì mà ai ai cũng đau đáu đi tìm để hoàn thiện chính mình. Cho đến khi tìm thấy Pháp Luân Công, nhiều người tập luyện đã chia sẻ cùng một cảm giác, đó chính là “Đã tìm thấy rồi!”.

Văn hóa Trung Hoa gắn liền với tu luyện

Trong nền văn hóa cổ xưa của nhân loại, các dân tộc trên thế giới đều xem mình là hậu duệ của Thần linh, xem con người là do Thần, Phật, Chúa sáng tạo và ban cho sinh mệnh. Người Trung Hoa cũng vậy, những câu chuyện Thần thoại của họ thấm đẫm những truyền thuyết như Bàn Cổ khai thiên lập địa, Nữ Oa dùng bùn đất tạo con người, Phục Hy khai sáng nền văn minh, Thương Hiệt tạo ra chữ viết, Thần Nông nếm thử trăm loại thảo dược, v.v.. Trải qua tháng năm đằng đẵng, người Trung Hoa cổ đại tin rằng nền văn hóa của họ là do Thần giáo hóa và truyền dạy, là ân điển của Thần.

Những học thuyết lớn như Thái Cực, Âm Dương, Ngũ Hành, Kinh Dịch, Bát Quái… được xem như triết lý của người cổ đại về vũ trụ, nhân sinh và vạn sự vạn vật, cũng là những kiến thức nền tảng mà dân tộc Trung Hoa tôn sùng, ứng dụng vào hầu hết các lĩnh vực, từ trị quốc, quân sự, thiên văn, y học, trị thủy, địa lý đến tu luyện.

Sử Ký Tư Mã Thiên chép rằng Hoàng Đế có Đỉnh ngọc và Sách thần, trị vì “theo luật của trời đất, hiểu hai cõi âm dương, biết lẽ sinh tử, tồn vong”. Cổ sử còn viết Hoàng Đế đi tìm Đạo, sau khi ngộ Đạo thì vừa cai quản đất nước vừa tiếp tục tu luyện. Bởi ông là người tu luyện đắc đạo, nên biết cai trị theo đạo Trời, biết huyền cơ của sự sống và cái chết. Tương truyền khi Hoàng Đế đúc thành đỉnh ở chân núi Kiều thì bầu trời mở rộng, xuất hiện rồng vàng bay xuống đón ông. Hoàng Đế và hơn 70 tùy tùng cưỡi rồng hồi thiên, công thành viên mãn, “bạch nhật phi thăng”.

Trong văn hóa truyền thống của dân tộc Trung Hoa, con đường duy nhất để kết nối giữa người và Thần là “tu luyện”. Con người sở dĩ là anh linh trong vạn vật là vì con người có Thần tính bẩm sinh, còn gọi là Phật tính, và “tu luyện” nghĩa là quay trở về với bản tính đó. Vì tu luyện có thể đưa con người thăng hoa, trở thành những sinh mệnh có trí huệ cao hơn và sở hữu những năng lực siêu thường, vậy nên rất nhiều điều khó tin với con người hiện đại có thể được tìm thấy trong các ghi chép lịch sử chính thống trải dài các triều đại Trung Hoa, như Sử Ký Tư Mã Thiên, Hậu Hán Thư, Tam Quốc Chí, Cựu Đường Thư, Tống Sử, Minh Sử, v.v.. Cùng với đó, rất nhiều truyền kỳ cũng được cổ nhân lưu lại, các nhân vật như Khương Tử Nha, Gia Cát Lượng, Lưu Bá Ôn là những đạo sĩ quân sư nổi tiếng phò tá chân mệnh Thiên tử; Bồ Đề Đạt Ma dùng một cọng lau để vượt sông; hòa thượng Tế Công chuyển gỗ từ núi Nga Mi; Trương Tam Phong tạo ra Thái Cực Quyền; Tô Thức, Vương Duy, Lý Bạch, Đào Uyên Minh, Mạnh Hạo Nhiên, Bạch Cư Dị, Hoa Đà, Lý Thời Trân, Biển Thước… đều là người tu luyện.

Tại phương Đông, văn hóa tu luyện không phải là một khái niệm mới, nó đã được lưu truyền từ thuở sơ khai cho đến thời cận đại. Có thể dễ dàng nhận thấy văn hóa tu luyện này là nguồn cảm hứng và có ảnh hưởng đến rất nhiều các tác phẩm văn học nổi tiếng như Tây Du Ký, Phong Thần, Hồng Lâu Mộng… Suốt chiều dài lịch sử có hằng hà sa số các câu chuyện về thánh nhân, tăng nhân, hòa thượng, đạo sĩ, từ vua đến dân, đến cả người tiều phu đốn củi cũng nhắc đến tu luyện và các đạo lý tu thân. Cùng theo sự phát triển của xã hội nhân loại, tu luyện đã hình thành các bộ hệ thống để phổ cập ra dân chúng. Nổi bật ở phương Đông là ba nhà Phật – Đạo – Nho.

Các bức tượng Phật có niên đại hơn 1.500 năm ở hang đá Long Môn, Hà Nam, Trung Quốc. (Ảnh qua Tri Thức VN)

Đạo gia giảng tu Chân, trở thành Chân Nhân vô vi thanh tịnh, đắc đạo trường sinh, có liên quan mật thiết với tu luyện thân thể con người. Nho gia giảng Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín, tư tưởng Trung Dung, tạo ra một hệ thống xã hội để giữ cho một quốc gia hài hòa, thái bình, thịnh vượng. Nho và Đạo có chung gốc rễ, bởi Nho giáo xếp Kinh Dịch là đứng đầu “Ngũ kinh” (Dịch, Thư, Thi, Lễ, Xuân Thu), còn Đạo giáo thì coi Chu Dịch là một trong “Tam huyền” (Lão Tử, Trang Tử, Chu Dịch).

Phật gia dạy tu Thiện, giảng tu từ bi. Phật giáo do Phật Thích Ca Mâu Ni sáng lập tại Ấn Độ cổ vào khoảng 2.500 năm trước truyền xuất ra một phương pháp tu luyện gọi là Giới – Định – Huệ, thông qua quá trình cải tổ, du nhập vào Trung Hoa, lại bị ảnh hưởng bởi văn hóa bản địa, nên diện mạo đã khác xa so với Phật giáo nguyên thủy, từ trang phục cho đến các trạng thái tu luyện.

Trung Hoa đã từng có thời kỳ mà tam giáo Phật Đạo Nho cùng tồn tại và phát triển một cách hài hòa, giúp duy trì sự ổn định, khiến tư tưởng và đạo đức của con người thăng hoa, đồng thời cũng tiến thêm một bước nữa trong việc phổ cập văn hóa tu luyện rộng rãi trong dân chúng.

Tu luyện, hiểu một cách đơn giản, thì chính là tu sửa tâm tính của bản thân, chiểu theo tiêu chuẩn đạo đức mà pháp môn đề ra, bắt đầu từ chỗ làm người tốt nơi xã hội con người, rồi từ từ tốt hơn nữa, dần dần thăng hoa lên cảnh giới siêu thường, trở thành các vị Giác giả vô tư chánh giác.

Phật gia giảng tu luyện có 84.000 pháp môn, còn Đạo gia thì giảng có 3.600 pháp môn. Nhưng các phương pháp tu luyện phổ biến mà con người hiện nay biết chỉ có vài loại như Thiền tông, Tịnh Độ, Hoa Nghiêm, Tạng Mật, Khổng giáo, Lão giáo, v.v… Thậm chí có nhiều giáo phái của Phật gia là không có quan hệ với Thích giáo (mà ngày nay gọi là Phật giáo) như Bạch Giáo của Tây Tạng. Ngoài ra còn rất nhiều những phương thức tu luyện khác chưa được phổ truyền hoặc không mang hình thức tôn giáo, mà nhiều người không nhận thức hết được, vô cùng phong phú.

Cuộc hủy diệt văn hóa và nhân tính

Mặc dù Trung Quốc đã trải qua nhiều lần bị xâm lược và tấn công trong lịch sử, nền văn hóa Trung Hoa đã cho thấy một sức sống mãnh liệt, và tinh hoa của nó đã liên tục được truyền lại cho thế hệ sau, bất chấp cả những biến động thay triều đổi đại, chỉ có duy nhất một ngoại lệ.

Sau khi giành được quyền lực từ năm 1949, ĐCSTQ cho rằng thuyết hữu Thần truyền thống đã thách thức sự nắm quyền hợp pháp của mình. Chẳng hạn, văn hóa truyền thống Trung Hoa là một nền văn hóa bao dung, Nho-Phật-Đạo, tam giáo cùng tồn tại. Tư tưởng bao dung và những giá trị đạo đức chuẩn tắc làm người này tuyệt nhiên đối lập với tư tưởng đấu tranh cách mạng.

ĐCSTQ đập phá chùa chiền, bắt người xuất gia hoàn tục, nhồi nhét tư tưởng đấu tranh. (Ảnh qua Tri Thức VN)

Bởi vậy Đảng đã tập trung các nguồn lực của đất nước vào việc phá hủy nền văn hóa truyền thống Trung Hoa. Việc phá hoại văn hóa truyền thống này của Đảng đã được lên kế hoạch, tính toán kỹ càng, có hệ thống, thậm chí còn huy động cả một cỗ máy bạo lực để vận hành. Không chỉ tấn công tôn giáo, Đảng còn dựng lên phong trào “Phá tứ cựu”, ép thay đổi phong tục tập quán hòng cưỡng chế rời bỏ giá trị truyền thống, buộc con người sợ hãi, đến những tác phẩm kinh điển, văn tự, sử thi, truyền thuyết… đều không dám đọc. Điều này chính là một đao chặt đứt mạch truyền thừa của văn hóa truyền thống.

Nhân lúc tư tưởng của con người đang trống rỗng, ĐCSTQ đã kịp thời nhồi nhét văn hóa Đảng và một bộ thể hệ tư tưởng của nó, nổi bật có tranh đấu, duy vật, và vô thần luận.

Cảnh đấu tố trong thời Cách mạng văn hóa. (Ảnh qua Tri Thức VN)

Đáng sợ hơn và kéo dài suốt những năm về sau, trên bề mặt Đảng rêu rao bảo hộ, kế thừa truyền thống, nhưng kỳ thực là đang ngấm ngầm thay đổi nội hàm của văn hóa truyền thống, dùng chính văn hóa Đảng để thay thế văn hóa truyền thống. ĐCSTQ đã cố ý làm nổi bật những phần đồi bại trong lịch sử của Trung Quốc, những thứ đã xảy ra khi con người xa rời các giá trị truyền thống, nhấn mạnh vào việc tranh giành quyền lực trong nội bộ gia đình hoàng tộc, việc sử dụng các thủ đoạn và âm mưu, hay việc thực hiện chế độ độc tài và chuyên quyền. Việc này khiến người đời sau lầm tưởng rằng xã hội xưa chỉ có những thứ xấu, cần phải xóa bỏ.

Trong khi đó, văn hóa ĐCSTQ lại hoàn toàn phù hợp với phần phiến diện nêu trên, khiến cho ĐCSTQ có thể sử dụng các ví dụ lịch sử phiến diện này để tạo nên ảo tưởng về một bộ chuẩn mực đạo đức, phương cách tư duy, và hệ thống lý luận. Bằng cách đó, ĐCSTQ đã gây ra một ấn tượng sai lầm rằng bộ “văn hóa ĐCSTQ” của nó là một sự kế thừa của văn hóa truyền thống Trung Quốc.

Phim cổ trang ăn sâu vào lòng khán giả trong và ngoài Trung Quốc, nhìn như phục dựng lại văn hóa, nhưng đằng sau cái vỏ đó, nếu không phải là khoe ngực, khoe thân, thì cũng là mưu ma chước quỷ, hoàn toàn là tư duy khiêu dâm và cách tranh giành đấu đá trong xã hội Trung Quốc hiện đại dưới sự thống trị của ĐCSTQ.

Vài phân cảnh trong phim cổ trang của Trung Quốc. (Ảnh qua Tri Thức VN)

Sau nhiều năm liên tiếp tiến hành các cuộc vận động chính trị và 10 năm kiếp nạn Đại Cách mạng Văn hóa, đủ mọi loại đàn áp bằng bạo lực, làm bại hoại tôn giáo, thủ tiêu tín ngưỡng, thêm vào văn hóa Đảng, giáo dục tuyên truyền thuyết vô Thần, thế hệ trẻ sớm đã không còn tin vào Phật Đạo Thần nữa, một thế hệ già chìm trong nỗi sợ hãi áp bức mà không ai dám lên tiếng trước những điều sai trái mắt thấy tai nghe. Kiến trúc truyền thống, di tích cổ, chùa chiền miếu mạo, đồ vật, văn vật… đều bị hủy hoại, mối quan hệ Thiên-nhân, Thần-nhân từng bước bị cắt đứt.

Người Trung Quốc cận đại bị buộc phải thay đổi bản chất, nhân sinh quan. Qua các cuộc tắm máu, họ trở nên lạc lõng như những đứa con tha hương trên chính quê hương của mình. Con người xa rời đạo đức, lừa dối và đấu đá với nhau đến chết. Tính người bị thay bằng tính Đảng. Người Trung Quốc nào còn một chút minh bạch luôn tự hỏi rằng: “Đất nước này rồi sẽ đi về đâu?”

Sau Đại Cách mạng Văn hóa và các cuộc vận động, người Trung Quốc hẳn là hiểu ra mình đã bị lừa. Họ không còn tin vào những điều mà Đảng tuyên truyền, về thiên đường nhân gian, về bình quân tuyệt đối nữa. Nhưng mặt khác, họ không thể hoàn toàn thoát khỏi văn hóa Đảng. Nó đã trở thành một bộ phận của xã hội, trở thành điều bắt buộc người dân Trung Quốc phải nuôi giữ để tồn tại và giẫm đạp lên nhau trong quá trình phấn đấu xã hội. Nhưng điều này tạo ra một khoảng trống tâm linh vô cùng lớn.

Sự xuất hiện của khí công

Phong trào phổ cập khí công tại Trung Quốc đột ngột xuất hiện vào giữa thời Đại Cách mạng Văn hóa và lên thành cao trào vào thời kỳ cuối. Có thể nói rằng chưa có thời kỳ nào trong lịch sử nhân loại xuất hiện điều tương tự: hàng nghìn môn khí công đột nhiên xuất hiện, tạo nên một phong trào thu hút hàng trăm triệu người dân.

Dù là lưu truyền thông qua khí công sư mở lớp thuyết giảng hay cá nhân dạy cho nhau, thì hình thức lưu truyền khí công thời đó vô cùng đơn giản: mỗi môn khí công có một bộ động tác, có một quyển sách nhỏ hướng dẫn động tác và một vài lưu ý khi tập luyện. Một số môn khí công còn là sự kết hợp của võ thuật (tu ngoại) và thiền định (tu nội). Giới khí công đều biết rằng tập khí công phải “trọng đức”, làm việc tốt, hành thiện, tuy nhiên không có ai giải thích rõ là tại sao.

Ngay cả những nhân vật nổi tiếng trong giới võ thuật cũng tìm kiếm con đường tu nội. (Ảnh qua Bruce Lee Foundation)

Nhiều người nhầm tưởng rằng khí công là sản phẩm của con người hiện đại, dạy hô hấp tập thở, dùng để chữa bệnh khỏe thân. Tuy nhiên rất nhiều môn khí công loáng thoáng có bóng dáng của Đạo gia và Phật gia trong đó. Những môn nổi tiếng nhất thì đều có lịch sử tu Đạo, tu Phật, như Thái Cực Quyền, Ngũ Cầm Hý, Dịch Cân Kinh, v.v..

Kỳ thực sự xuất hiện của khí công chính là sự cố gắng tiếp nối mạch truyền thừa văn hóa tu luyện cổ xưa dưới một hình thức khác. Một nguyên nhân quan trọng khiến khí công ra đời chính là cuộc Đại cách mạng văn hóa tại Trung Quốc. Trong bối cảnh tư tưởng cực tả nghiêm trọng, người ta đều tránh để không bị dán nhãn “mê tín”. Bên trong kiếp nạn, nhiều môn phái đã lựa chọn hình thức không lưu lại giáo lý tu tâm, chỉ lưu lại động tác tu thân để truyền bá phổ cập. Bản thân từ “khí công” là lấy “khí” và “công” từ hai cuốn sách cổ Đan Kinh và Đạo Tạng, ghép lại mà thành. Vậy là “khí công” xuất hiện. Những gì truyền xuất ra trong giai đoạn này tuy giới hạn nhưng lại rất phù hợp với mong muốn của người hiện đại: luyện tập để chữa bệnh khỏe người.

Dần dần, trong tiềm thức nhiều người đã mặc định rằng luyện khí công chính là dùng để chữa bệnh. Lúc bấy giờ, mỗi buổi sáng tại các công viên, sân bãi nhà xưởng, người ta bắt gặp hình ảnh rất nhiều người luyện tập những môn khí công khác nhau. Ước tính đến đầu thập niên 1990 ở Trung Quốc ghi nhận có đến hơn 2.000 môn khí công xuất hiện. Sau đó cũng có rất nhiều sách báo và công trình nghiên cứu khoa học về các đặc tính siêu thường của khí công mà giới khoa học gọi là ngoại khí (External Qi).

Khi cuộc đại cách mạng văn hóa đã đi xa, nhà nước chấp nhận khí công và coi nó như một phong trào quần chúng. Tuy nhiên những người tập khí công lâu năm đều băn khoăn một câu hỏi lớn: Tập khí công có thể chữa bệnh, nhưng rõ ràng họ có thể tiến tiếp lên nữa, rõ ràng khí công không chỉ dừng ở chữa bệnh, nhưng vì sao không có ai chỉ dạy những điều cao hơn?

Khoảng trống tâm linh sau khi nhận ra sự lừa dối của Đảng đã dẫn dắt người Trung Quốc tiếp tục tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi lớn về đức tin. Đồng thời, tác dụng chữa bệnh và những đặc tính siêu thường của khí công khiến người Trung Quốc đặt hy vọng vào nó rất lớn.

Pháp Luân Công trả lời ngắn gọn cho câu hỏi lớn

Trong khi trào lưu khí công bước vào giai đoạn bão hòa với những câu hỏi lớn không thể giải đáp, thì ông Lý Hồng Chí bước ra phổ cập Pháp Luân Công tại Trung Quốc năm 1992, lần đầu tiên đưa ra câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi lớn nhất của giới khí công: “Khí công chính là tu luyện.” (Trích “Chuyển Pháp Luân”)

Các học viên Pháp Luân Công đang luyện các bài công pháp tại Trung Quốc trước năm 1999. (Ảnh qua Tri Thức VN)

Lời giải đáp này tạo ra một chấn động lớn trong giới khí công lúc đó: khí công không chỉ bao hàm những điều ở tầng thấp như luyện khí, mà nó chính là tu luyện, có thể đưa con người lên cao tầng, trở thành những sinh mệnh cao cấp hơn, cũng giống như tu Phật thì thành Phật, tu Đạo thì đắc Đạo, trở về thiên quốc, quay lại thiên đường. Đây chính là văn hóa tu luyện đã có từ thuở xa xưa, bám rễ trong nền văn hóa Trung Hoa truyền thống.

Vào thời điểm đó, có thể nói Pháp Luân Công là công pháp duy nhất được truyền xuất ra với hình thức khí công mà có đầy đủ một hệ thống lý luận tu luyện bên cạnh các bài tập luyện thân thể; hoàn toàn khác biệt với các môn khí công khác vốn chỉ có một bộ động tác và một cuốn sách nhỏ hướng dẫn một vài nguyên lý cơ bản.

Trong các bài giảng công khai của mình, ông Lý nhiều lần nhấn mạnh rằng môn pháp của ông không phải dùng để chữa bệnh, mà là để tu luyện, giúp đề cao đạo đức con người, xem việc tu tâm tính chiểu theo đặc tính “Chân-Thiện-Nhẫn” là chính, là quan trọng hơn việc luyện động tác. Trong quá trình tu luyện, sự thăng hoa về tâm tính sẽ dẫn tới những biến đổi tất yếu về thể chất của người tập, và việc lành bệnh khỏe thân này chỉ là điều thứ yếu, không phải là điều nên tìm kiếm ở Pháp Luân Công.

Mặc dù ông Lý liên tục nhấn mạnh hiệu quả chữa bệnh chỉ là thứ yếu và người tập không nên mong chờ trị bệnh, nhưng Pháp Luân Công cũng nổi tiếng vì có các kết quả điều trị tốt cho người bệnh. Chẳng hạn một trong các báo cáo tại hội nghị chuyên ngành tổ chức ở Chicago (Mỹ) của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) vào 6/2016 cho thấy tập luyện Pháp Luân Công có khả năng chữa khỏi hoặc kéo dài sự sống cho người mắc bệnh ung thư. Báo cáo trên trang web chính thức của ASCO có ghi: 149/152 bệnh nhân ung thư sau khi tập Pháp Luân Công đã khỏi bệnh hoàn toàn sau 5 tháng đến 1 năm. Ba người còn lại kéo dài được cuộc sống thêm 56 tháng dù theo tiên lượng của các bác sĩ, thời gian của những người này ngắn hơn nhiều.

Theo sự giới thiệu của đại sư Lý thì ông được một vị sư phụ hướng dẫn tu luyện Pháp Luân Tu Luyện Đại Pháp từ nhỏ và trước đây môn pháp này chỉ là “đơn truyền”. Điều này đối với văn hóa tu luyện cổ xưa của dân tộc Trung Hoa thì không phải là khái niệm mới. Sau này, ông Lý chỉnh lý lại những gì đã học và truyền rộng ra với hình thức khí công, đặt tên là Pháp Luân Công hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp.

Trong quá trình truyền Pháp Luân Công ra công chúng, ông Lý cũng diễn giải cặn kẽ và có hệ thống các câu hỏi của giới khí công, cũng như phương thức tu luyện lên cao tầng trong “Chuyển Pháp Luân”, cuốn sách chính của Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công do ông Lý truyền ra, lựa chọn không sử dụng hình thức tôn giáo để phổ cập phương pháp tu luyện của mình, không có hình thức như chùa chiền, chức sắc, mà dùng hình thức khí công, gọi người đến học và thực hành là học viên. Môn pháp này chú trọng tu tâm tính, cho phép học viên tu luyện giữa đời thường, nhấn mạnh phù hợp tối đa với đời sống bình thường, không ăn chay, không nhịn ăn, không cần xuất gia, nhấn mạnh học viên không theo đuổi các hình thức tôn giáo cũ, cũng không được làm những sự việc khác thường như từ bỏ gia đình hay công việc. Người học cần theo đuổi một lối sống lành mạnh, không uống rượu, không hút thuốc, giữ gìn giới hạn nam nữ truyền thống, giữ gìn đạo đức hôn nhân. Học viên cần bắt đầu từ chỗ làm người tốt nơi xã hội người thường, rồi dần dần tốt hơn nữa, tốt hơn nữa, thăng hoa đến cảnh giới đạo đức cao thượng.

Điều Pháp Luân Công dạy mang đậm nét truyền thống tu dưỡng đạo đức như trong mâu thuẫn thì “lùi một bước biển rộng trời cao”, hay “đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu”, “nan nhẫn năng nhẫn, nan hành năng hành”, v.v… Đây là những điều từng có trong văn hóa Trung Hoa, vốn bị hủy hoại trong cách mạng văn hóa, nên khi đến với Pháp Luân Công, nhiều người Trung Quốc cảm thấy như nền văn hóa truyền thống và văn hóa tu luyện của dân tộc được sống dậy. Họ cảm thấy rất gần gũi, thân thuộc, như tìm lại được thứ gì đó mà dân tộc đã bị đánh mất qua những cuộc vận động cách mạng trước đó, thật ra chính là tìm lại được ý nghĩa nhân sinh của cuộc đời mình.

Các học viên Pháp Luân Công đang luyện các bài công pháp tại một công viên ở Trung Quốc trước năm 1999. (Ảnh Minh Huệ Net)

Ông Lý Hồng Chí cũng nói rõ rằng ông truyền hết pháp môn của mình trong sách mà không bảo lưu điều gì, người tập không cần tìm ông, cũng không cần tôn thờ hay bái sư ông, chỉ việc chiểu theo đạo lý trong sách mà tự tu luyện. Ai có thể tuân theo chỉ dẫn thì là người tu Pháp Luân Công, còn ai không làm theo thì không được tính là người tu luyện.

Sự xuất hiện của Pháp Luân Công tạo ra rung động lớn trong xã hội Trung Quốc bấy giờ, thu hút gần như toàn bộ giới khí công theo học. Đơn cử như trong các sự kiện khí công như Hội sức khỏe Đông phương lần thứ nhất và lần thứ hai, người ta đã xếp hàng dài đợi từ sáng đến chiều chỉ để chờ vào quầy Pháp Luân Công, trong khi các công pháp khác không có mấy người ghé vào. Rất nhanh chóng trong 7 năm truyền bá, đài truyền hình nhà nước đã khảo sát và cho biết có khoảng 70 triệu người theo học Pháp Luân Công.

Sự đối lập cố hữu

ĐCSTQ sợ Pháp Luân Công, đây là một kết quả có phần tất yếu. Số lượng người theo tập quá đông, 70 triệu người, ngang với số Đảng viên. Mức độ phát triển quá nhanh, chỉ 7 năm đã đạt tới con số mà Đảng phải mất 50 năm mới đạt được. Cũng cần nhắc lại rằng, 30 năm trước trong cuộc Đại Cách mạng Văn hóa và chuỗi các cuộc vận động, Đảng đã tìm mọi cách để thủ tiêu bằng được văn hóa truyền thống Trung Hoa, nhồi nhét văn hóa Đảng, gây ra cái chết cho hàng chục triệu người. Làm sao mà không run sợ khi một lần nữa nền văn hóa ấy lại bắt đầu hồi sinh?

Dân số Trung Quốc lúc đó là 1,2 tỷ người. Cứ khoảng 20 người thì có 1 người tập Pháp Luân Công. Người tập Pháp Luân Công đánh giá đúng sai dựa trên “Chân-Thiện-Nhẫn”. Đảng đã bắt đầu triều đại đỏ của mình bằng những lời dối trá về thiên đường trên mặt đất, nên tất nhiên là Đảng ghét “Chân”. Đảng đã duy trì quyền lực của mình thông qua việc đàn áp nhân dân, máu của cuộc thảm sát Thiên An Môn 1989 vẫn còn chưa nguôi, nên tất nhiên là Đảng ghét “Thiện”. Đảng đã nuôi dưỡng và sống bằng những cuộc đấu tranh chính trị một mất một còn bên trong Đảng, nên tất nhiên là Đảng ghét “Nhẫn”. “Chân-Thiện-Nhẫn” dạy người ta làm người tốt, tất nhiên sẽ là trở ngại cho việc duy trì văn hóa Đảng.

Cuộc đàn áp Pháp Luân Công cho thấy sự đối lập cố hữu về bản chất của ĐCSTQ và văn hóa truyền thống Trung Hoa, và càng bộc lộ ra bộ mặt của ĐCSTQ. 70 triệu người bị đàn áp là khái niệm gì? Con số này vượt qua dân số của một quốc gia. Hành vi thu hoạch nội tạng từ người sống mà ĐCSTQ thực hiện với người tập Pháp Luân Công cho thấy một sự thật rằng: ĐCSTQ là thế lực ma quỷ và tà ác nhất trên hành tinh này.

Ngày nay, hơn 20 năm sau khi cuộc đàn áp bắt đầu, những người tập Pháp Luân Công trên toàn thế giới vẫn tiếp tục phơi bày tội ác của ĐCSTQ một cách ôn hòa nhất có thể, bằng cách kiện ra tòa, bằng cách phát tờ rơi, bằng cách xuất hiện trên truyền thông…

Pháp Luân Công hồng truyền trên khắp thế giới. (Ảnh qua Tri Thức VN)

Pháp Luân Công tại các nước trên thế giới, được phổ biến tới cả trong trường học và quân đội.
Tại các nước phương Tây và một số môi trường cởi mở ở phương Đông như Đài Loan, Hàn Quốc, những hoạt động dân sự này là hết sức bình thường và phổ biến. Tuy nhiên, tại các nước độc đảng như Trung Quốc, trong môi trường có tính chất phong bế, người ta có thể khó lý giải được điều này. Vì sao cứ phải nói về cuộc đàn áp, vì sao cứ phải phơi bày ĐCSTQ, vì sao không tự tập luyện ở nhà cho khỏe người? Họ thường đặt ra những câu hỏi như thế. Kỳ thực, người tập Pháp Luân Công xem đây là một pháp môn tu luyện, không phải là một môn khí công chữa bệnh khỏe người. 2000 năm trước, các tín đồ Kitô giáo đã kiên trì dưới sự đàn áp tàn bạo của đế chế La Mã để chứng thực đức tin và cảnh giới tâm linh cao thượng của mình. Họ coi đó như là sứ mệnh. Vậy nên, nếu cần những tham chiếu nào đó để phần nào liễu giải về Pháp Luân Công, thì chúng đã sẵn có trong văn hóa tu luyện của nhân loại.

Theo Tri Thức VN

Ad will display in 09 seconds

Chuyện thần thoại dành cho con người tương lai - P1

Ad will display in 09 seconds

Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

Ad will display in 09 seconds

Người sống thọ có 4 cái lười

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói con người làm gì Thần linh đều biết, xem xong 3 câu chuyện này sẽ rõ

Ad will display in 09 seconds

Tinh Hoa kể chuyện: Bao Công mộng hồ điệp

Ad will display in 09 seconds

Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

Ad will display in 09 seconds

Sau khi thất bại, Ma Vương đã có lời nguyền gì với Đức Phật?

Ad will display in 09 seconds

5 bằng chứng khảo cổ phủ định thuyết Tiến hóa

Ad will display in 09 seconds

Thảm họa dành cho con người: “Đều không phải ngẫu nhiên”

Ad will display in 09 seconds

Ma quỷ cũng biết lừa người, bạn tin không?

  • Chuyện thần thoại dành cho con người tương lai - P1

    Chuyện thần thoại dành cho con người tương lai - P1

  • Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

    Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

  • Người sống thọ có 4 cái lười

    Người sống thọ có 4 cái lười

  • Vì sao nói con người làm gì Thần linh đều biết, xem xong 3 câu chuyện này sẽ rõ

    Vì sao nói con người làm gì Thần linh đều biết, xem xong 3 câu chuyện này sẽ rõ

  • Tinh Hoa kể chuyện: Bao Công mộng hồ điệp

    Tinh Hoa kể chuyện: Bao Công mộng hồ điệp

  • Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

    Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

  • Sau khi thất bại, Ma Vương đã có lời nguyền gì với Đức Phật?

    Sau khi thất bại, Ma Vương đã có lời nguyền gì với Đức Phật?

  • 5 bằng chứng khảo cổ phủ định thuyết Tiến hóa

    5 bằng chứng khảo cổ phủ định thuyết Tiến hóa

  • Thảm họa dành cho con người: “Đều không phải ngẫu nhiên”

    Thảm họa dành cho con người: “Đều không phải ngẫu nhiên”

  • Ma quỷ cũng biết lừa người, bạn tin không?

    Ma quỷ cũng biết lừa người, bạn tin không?

x