“Hàng vỉa hè” của Lý Khắc Cường bị cấm, nhưng nhiều nơi vẫn công khai “kháng chỉ”
Mặc dù “kinh tế vỉa hè” của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã bị “chặn” bởi các phương tiện truyền thông ĐCSTQ, nhưng vẫn có một số địa phương “kháng chỉ” bày hàng quán, thậm chí còn xuất hiện hiện tượng “chiếm địa bàn”. Một số bình luận nói, khi dịch bệnh khiến nền kinh tế bị suy thoái, Bắc Kinh cũng chỉ đành “mở một mắt, nhắm một mắt”.
Sau khi nền kinh tế vỉa hè được ông Lý Khắc Cường khởi xướng trong phiên họp toàn thể, toàn dân bắt đầu dâng lên một làn sóng bày bán hàng vỉa hè. Người dân cũng biên ra một đoạn vè “công việc không dễ tìm, làm hàng vỉa hè chút”.
Trong 360 ngành nghề, nghề nào cũng có thể bày sạp. Từ Nam chí Bắc ở Trung Quốc, hàng vỉa hè bày mở muôn hình muôn vẻ, hoa cả mắt. Lý Khắc Cường khen ngợi đó là “khói lửa nhân gian”, sức sống của Trung Quốc.
Tuy nhiên, thời gian tốt đẹp không kéo dài lâu, Ban Tuyên giáo Trung ương, đứng đầu là Thường ủy Vương Hỗ Ninh, người thuộc phe Giang, đột nhiên bắt đầu ngăn chặn “kinh tế vỉa hè”, nghe nói lý do là vì nó đã làm xấu hình ảnh của đất nước.
Đài Á Châu Tự Do bình luận, Lý Khắc Cường mở trói cho kinh tế vỉa hè, giải nguy cho dân sinh, điều này bị cho rằng là đang vạch lại vết sẹo của chính quyền.
Ông Lưu, một người làm truyền thông, nói thẳng rằng Lý Khắc Cường đề cập đến nền kinh tế vỉa hè là để tiếp thêm sinh khí, đây là đang phủ nhận tư duy của Tập Cận Bình về việc thúc đẩy mạnh mẽ nhằm loại bỏ “các ngành công nghiệp cấp thấp” ở Bắc Kinh trong những năm gần đây.
Trên mạng lan truyền một số video cho thấy, một số lực lượng trật tự đô thị bắt đầu cưỡng chế xua đuổi các sạp hàng quán nhỏ, khiến dân chúng giận dữ mắng chửi: “Lý Khắc Cường cho chúng tôi bày đó, vì sao các anh không cho bày!”. Còn có người nói: “Chúng tôi nghe theo lời của Thủ tướng Lý Khắc Cường”.
Một số nơi còn xuất hiện một số lượng lớn người dân kháng nghị, hô to “Chúng tôi muốn mở hàng!”.
Ngoại giới đã nhận thấy rằng mặc dù “kinh tế vỉa hè” bị chặn bởi các phương tiện truyền thông đảng và các thành phố hạng nhất, nhưng vẫn còn một số địa phương vẫn đang xếp đặt hàng vỉa hè.
Apple Daily đưa tin, vào lúc 11:00 trưa ngày 10/6, tại ngã tư đường Đồng Chí và đường Tây Khang ở thành phố Trường Xuân, Cát Lâm, dọc theo đường Đồng Chí đến giao lộ đường Quế Lâm, không ít tiểu thương đã chiếm giữ vị trí của họ vào sáng sớm, dùng những chiếc ghế đẩu nhỏ để chiếm “địa bàn”, còn có tiểu thương viết lên đường “có người” để chiếm giữ “địa bàn”.
Được biết, các gian hàng vỉa hè trên đường Quế Lâm, Trường Xuân không thu phí quầy hàng, cũng không có vị trí có định, ai đến sớm chỗ nào thì được bày hàng chỗ đó. Vừa đến chạng vạng tối, cả con đường náo nhiệt hẳn lên, các sản phẩm bán hàng rong bao la muôn vàn.
Một công dân Cát Lâm đã đăng một bài viết trên Weibo vào tối ngày 11 và nói: “Vừa đi qua đường Quế Lâm, như thể được trở lại thời điểm 10 năm trước, rất náo nhiệt. Nó làm tôi nhớ về những kỷ niệm của thời đại học”.
Tại sao thành phố Trường Xuân dám “kháng chỉ” bày bán hàng? Một số người nắm rõ nền kinh tế Đại lục nói rằng nền kinh tế Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Trung-Mỹ và tình hình dịch bệnh, GDP giảm 6,8% trong quý đầu tiên, tăng trưởng âm đầu tiên trong nhiều thập kỷ và triển vọng phục hồi là không chắc chắn.
Ba tỉnh phía đông bắc (Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang) vốn dĩ đã bị suy thoái, kinh tế vỉa hè có thể giúp giải quyết vấn đề việc làm và kích hoạt nền kinh tế địa phương, bởi vậy, chính quyền địa phương đã không cấm hoàn toàn kinh tế vỉa hè như các thành phố phát triển Bắc Kinh, Thâm Quyến, điều này đã được cân nhắc đến hoàn cảnh hiện tại, Trung ương cũng chỉ có thể “mắt nhắm mắt mở” với vấn đề này.
Đài Á Châu Tự Do đưa tin, Cục Quản lý Đô thị Thành Đô, từng được Lý Khắc Cường khen ngợi, nhấn mạnh rằng các quy định được ban hành trước đây về bày bán hàng vỉa hè tiếp tục có hiệu lực.
Nhà bình luận người Quảng Đông, Trần Bình cho rằng, dưới nhiều áp lực của dịch bệnh và vấn đề dân sinh, quan chức các địa phương đã im lặng và chờ đợi để cố gắng tránh sự bất đồng chính trị của Lý và Tập, trên thực tế cũng là hành động bất đắc dĩ. Vấn đề giữ hay bỏ hàng vỉa hè không phải là vấn đề quan trọng nữa.
Gia Hưng (Theo NTDTV)