Hán sơ tam đại danh tướng: Giúp vua giành thiên hạ, không cùng vua hưởng thái bình
Sau khi Hán Cao Tổ Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, lập ra vương triều Tây Hán, từng nói rằng mình có thể giành được thiên hạ là do có sự phò trợ của “tam kiệt” Trương Lương, Tiêu Hà, Hàn Tín. Ít ai biết, còn một bộ ba khác cũng có vai trò không nhỏ giúp Lưu Bang hoàn thành đại nghiệp.
Trong mắt của Lưu Bang, có thể vạch ra chiến lược, quyết định được thắng bại thì không ai bằng Trương Lương; trấn thủ ở hậu phương, xoa dịu tinh thần bá tính, không ngừng cung ứng quân lương thì không ai bằng Tiêu Hà; dẫn dắt hàng triệu người, luôn giành chiến thắng, luôn lập công lớn thì không ai bằng Hàn Tín; và bản thân ông biết cách dùng người, vì vậy đã giành được thiên hạ.
Trên cơ sở đó, 3 vị công thần Trương Lương, Tiêu Hà và Hàn Tín được gọi là “Hán sơ tam kiệt” (ba vị anh hùng tài ba trong triều đại nhà Hán thời kì đầu). Ngoài “Hán sơ tam kiệt” ra, thì thời Tây Hán còn có một bộ ba khác là “Hán sơ tam đại danh tướng” (3 vị đại tướng nổi tiếng trong triều đại nhà Hán thời kì đầu), nhưng bộ ba này thì tương đối ít được biết đến.
Tuy nhiên, 3 vị đại tướng nổi tiếng triều đại nhà Hán này cuối cùng đã bị Lã Hậu và Lưu Bang tiêu diệt vào năm 196 trước Công nguyên.
“Hán sơ tam đại danh tướng” hợp sức đánh bại Hạng Vũ
Ba vị đại tướng nổi tiếng thời Hán sơ được đề cập đến chính là Hàn Tín, Bành Việt và Anh Bố (tức Kình Bố). Trong đó, Hàn Tín vừa là người đứng đầu trong “Hán sơ tam đại danh tướng”, cũng vừa nằm trong “Hán sơ tam kiệt”.
Trong “Sử ký – Hạng Vũ bổn ký” có ghi: “Đoàn quân của Hạng vương ở Cai Hạ, binh lính tương đối ít, lương thực đã cạn kiệt, bị rất nhiều quân lính và chư hầu nhà Hán bao vây. Đêm nghe thấy quân Hán hát Sở Ca vang lên tứ phía, Hạng Vương vô cùng kinh ngạc, nói rằng: ‘Nhà Hán đã đoạt được đất Sở rồi sao? Sao người hát Sở Ca lại nhiều như thế’”.
Trong cuộc chiến ở Cai Hạ, thì Hàn Tín, Bành Việt, Anh Bố đều tham gia, cũng có nghĩa là ba vị này dẫn quân cùng Lưu Bang bao quanh Hạng Vũ, và cuối cùng đã đánh bại Hạng Vũ.
Hàn Tín có võ công cái thế nhưng lại bị Lã Hậu dụ dỗ
Sau khi đánh bại Hạng Vũ và phò trợ Lưu Bang lập nên triều đại Tây Hán, ba vị đại tướng Hàn Tín, Bành Việt, Anh Bố đều gặp kết cục bị giết vì tạo phản.
Nói về Hàn Tín, ban đầu là theo Hạng Vũ, sau đó đến giúp Lưu Bang. Trong lịch sử Trung Quốc cổ đại, Hàn Tín được người đời sau phong là “Binh Tiên”, ông có thể được sánh ngang với các vị tướng lĩnh nổi tiếng như Bạch Khởi và Ngô Khởi…
Thời kỳ Sở – Hán tranh hùng, Hàn Tín đã giúp Lưu Bang chinh chiến khắp nơi, quét sạch các chư hầu. Cuối cùng, Hàn Tín đã dẫn 300.000 quân cùng với Lưu Bang, Bành Việt tập hợp binh lính và đánh bại Hạng Vũ ở Cai Hạ. Có thể xem ông chính là một trong những công thần quan trọng nhất của triều đại Tây Hán.
Tuy nhiên, sau khi thành lập triều đại Tây Hán, Hàn Tín đã bị nghi ngờ và bị thu lại binh quyền. Năm 196 TCN, danh tướng một thời Hàn Tín lại bị Lã Hậu lừa khép vào tội mưu phản, sau đó bị mang đi chém ở cung Trường Lạc.
>>> Tiêu Hà – Bậc tôi trung chịu vết nhơ lịch sử khi hãm hại Hàn Tín
Bành Việt được phong làm Lương vương, sau đó bị Lã Hậu hãm hại
Tiếp theo là nói đến Bành Việt. Vào những năm cuối triều đại nhà Tần, Bành Việt khởi binh nổi dậy ở đất Ngụy, sau đó đưa quân đến phò trợ Lưu Bang, được trọng dụng làm Ngụy Tướng Quốc, cùng với Hàn Tín, Anh Bố được gọi là “Hán sơ tam đại danh tướng”.
Khi chiến tranh Hán – Sở sắp kết thúc, Bành Việt thống lĩnh toàn bộ người ngựa tập hợp với quân đội của Lưu Bang ở Cai Hạ để đánh bại quân Sở. Sau đó, Lưu Bang phong Bành Việt làm Lương vương, dựng đô ở Định Đào (nay là quận Định Đào, thành phố Hà Trạch, tỉnh Sơn Đông).
Năm 196 TCN, Bành Việt bị buộc tội mưu phản. Ban đầu, Lưu Bang đã miễn tội cho Bành Việt, phế ông thành dân thường. Tuy nhiên, Lã Hậu đã sai người gác cổng của Bành Việt tố cáo rằng ông âm mưu tạo phản. Cuối cùng, Lưu Bang đã không tha cho Bành Việt, mà ra lệnh tru di tam tộc, bêu đầu thị chúng.
Anh Bố được phong làm Hoài Nam vương, mang tội tạo phản nên bị giết chết
Cuối cùng là nói đến Anh Bố. Ông là người Lục Huyện (nay là Lục An ở An Huy), do vi phạm luật nhà Tần nên đã bị xăm chữ (kình chữ) vào mặt, nên ông còn được gọi là Kình Bố. Vào cuối triều đại nhà Tần, Anh Bố dưới trướng Hạng Lương, sau đó là một trong những vị tướng dưới trướng của Hạng Vũ, được phong làm Cửu Giang vương.
Tuy nhiên, trong chiến tranh Hán – Sở, Anh Bố đã phản Sở đi theo nhà Hán, và trở thành một trong những công thần giúp Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ. Như vậy, trong “Hán sơ tam đại danh tướng”, thì Hàn Tín và Anh Bố đều từng là thuộc hạ của Hạng Vũ, nhưng Hạng Vũ lại không biết dùng người, nên đã khiến Hàn Tín và Anh Bố bị Lưu Bang sử dụng.
Sau khi lập ra triều đại Tây Hán, Anh Bố được Hán Cao Tổ phong làm Hoài Nam Vương. Tuy nhiên, vào năm 196 TCN, Anh Bố khởi binh phản lại nhà Hán, nên đã bị giết vì tội danh mưu phản.
>>> Một câu chuyện trùng hợp tại triều Hán, là ngẫu nhiên hay thiên ý?
Tuệ Tâm, theo Secret China