Hà Nội: Điệp khúc ‘có sai sót, nhưng không thay đổi bản chất’ lại lặp lại
Vị chủ tọa khẳng định, trong vụ việc, CQĐT Công an huyện Sóc Sơn có một số thiếu sót, nhưng việc này không làm ảnh hưởng sự thật khách quan của vụ án.
Kết luận ‘có một số sai sót trong hoạt động điều tra, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án’ trong phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải đã vang lên như một điệp khúc trong phiên xử một vụ án ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội vừa qua.
Đó là vụ án diễn ra trong các ngày 10-11/6, do TAND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Minh Tâm (SN 1991, ở Sóc Sơn) về tội “Cố ý gây thương tích”.
Ngay từ phần khai mạc, thẩm phán Nguyễn Khắc Hải – chủ tọa phiên tòa đã yêu cầu phóng viên không được ghi âm ghi hình, chỉ được dự với tư cách người bình thường vì vụ án phức tạp, còn nhiều vấn đề chưa làm rõ.
Nội dung cụ thể bản cáo trạng, bà Nguyễn Kim Anh (SN 1984, ở Đống Đa) có mâu thuẫn làm ăn với ông Nguyễn Tiến Thịnh (SN 1956, bố bị cáo Tâm). Ngày 26/8/2019, Kim Anh đã cùng 3 người đàn ông đến nhà ông Thịnh để giải quyết việc góp vốn làm ăn. Khi đến thì ông Thịnh đi vắng, chỉ có Tâm cùng con trai (SN 2014) ở nhà. Kim Anh đi vào nhà nói chuyện với anh Tâm, còn 3 người đàn ông ở ngoài.
Hai bên đã lời qua tiếng lại. Tâm cầm cốc ném, rút 3 con dao chém người phụ nữ. Kim Anh bỏ chạy ra ngoài thì bị Tâm đuổi theo chém vào phía sau, gần tai phải… Hậu quả, Kim Anh bị tổn hại sức khỏe 3%.
Tuy nhiên lời khai của Tâm có bổ sung thêm nhiều chi tiết khác. Theo đó, sau khi chị Kim Anh đi vào nhà nói chuyện, chị mất bình tĩnh nên đã cầm cốc nước hất vào mặt Tâm. Tâm nói chị Kim Anh bình tĩnh, nhưng chị vẫn tiếp tục đe dọa Tâm và cầm cốc thủy tinh ném về phía bị cáo. Tâm né được nhưng mảnh vỡ của cốc trúng vào mặt con trai Tâm, làm cháu bé bị rách da đầu.
Kim Anh không thừa nhận hành vi trên, đồng thời cháu bé còn nhỏ tuổi nên lời khai không có giá trị. Ngược lại, Kim Anh cho biết đã bị Tâm đe dọa nhiều lần vào ngày xảy ra vụ án, chị bị Tâm xúc phạm, dùng 3 cốc nước ném sau đó Tâm tay trái cầm 2 dao, tay phải cầm 1 dao chém mình. Kim Anh cho rằng, hành vi này của Tâm là đuổi cùng giết tận, mong tòa xử Tâm tội Giết người.
Chủ tọa yêu cầu đưa ra 7 con dao để các bên nhận diện nhưng Tâm giữ lời khai không dùng dao chém; chị Kim Anh nói bị chém từ phía sau nên không biết con dao nào được dùng gây án.
Điều tra có sai sót? Tố tụng thiếu khách quan?
Luật sư của bị cáo Tâm nêu quan điểm: CQĐT đã không lấy dấu vân tay tại hiện trường để xác định những người tham gia vụ việc; kiểm sát viên không có mặt khi khám nghiệm hiện trường, nhưng lại có chữ ký trong biên bản…
Cáo trạng chỉ nêu một cách mơ hồ, chung chung rằng bị cáo Tâm “rút 3 con dao” mà không nói rõ 3 con dao này rút từ chỗ nào.
Đáng nói, tại hiện trường có 7 con dao, nhưng 5 con dao ở trong ngăn tủ bếp, 2 con dao ở trong hộp nhựa để trên mặt bàn. Vậy bị cáo rút dao ở đâu? Rõ ràng nhận định của bản cáo trạng không có tính thuyết phục.
Ngoài ra, theo luật sư, diễn biến cuộc nói chuyện dẫn đến mâu thuẫn cãi nhau không phù hợp với diễn biến tâm lý dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo. Rõ ràng ở đây có vấn đề gì đó không đúng sự thật như nó đã diễn ra…
“Vụ án này trong quá trình điều tra đã có nhiều sai sót về tố tụng, dẫn đến việc phản ánh không xác thực bản chất vụ án”, lời luật sư.
Một sai sót nữa của cơ quan điều tra là, sự việc diễn ra đã có 2 người bị thương gồm Kim Anh và con anh Tâm. Trong khi Kim Anh được công an đưa đi giám định ngay thì dù gia đình bị cáo xin nhiều lần được đưa con đi giám định, nhưng 3 tháng sau cháu bé mới được giám định vết thương với kết quả 1%.
Đại diện VKS đề nghị phạt bị cáo 6 – 9 tháng tù.
Với kết luận này, bị cáo cho rằng VKS thiếu khách quan, chỉ dựa vào lời khai, không ai chứng kiến. Nhưng VKS lại chấp nhận lời khai của chị Kim Anh mà không chấp nhận lời khai của bị cáo.
Được nói lời sau cùng, Nguyễn Minh Tâm đặt câu hỏi: “Công lý ở đâu khi chị Kim Anh cùng nhóm người lạ vào nhà tôi, đánh con tôi bị thương và tôi là bố cháu giờ phải đi tù?”
Chủ tọa Nguyễn Khắc Hải ngắt lời, khẳng định: “Bị cáo không có quyền hỏi. Công lý ở đâu, Hội đồng xét xử sẽ căn cứ các quy định của pháp luật để phán quyết”.
Vị chủ tọa khẳng định, trong vụ việc, CQĐT Công an huyện Sóc Sơn có một số thiếu sót, nhưng việc này không làm ảnh hưởng sự thật khách quan của vụ án; yêu cầu cơ quan điều tra nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Từ Thức (t/h)