Giáo hoàng Francis loại bỏ Hồng y châu Phi phe bảo thủ ra khỏi bưu điện Vatican
Giáo hoàng Francis mới đây đã chấp nhận đơn từ chức của Hồng y Robert Sarah trong vai trò là người đứng đầu văn phòng phụng vụ của Vatican, từ đó loại bỏ một cá nhân thẳng thắn phe bảo thủ, có khả năng trở thành giáo hoàng trong tương lai ra khỏi hàng ngũ lãnh đạo của Vatican.
Thứ Bảy vừa qua, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh (The Holy See Press Office) thông báo Hồng Y Sarah đã chính thức từ chức. Hiện người kế nhiệm vị trí của ông vẫn chưa được thông báo.
Vị hồng y đã đệ đơn từ chức theo yêu cầu của luật nhà thờ khi ông bước sang tuổi 75 vào ngày 15/6 năm ngoái. Nhưng thường Giáo hoàng sẽ để các hồng y tiếp tục phục vụ thêm hai hoặc ba năm nữa, và sẽ không quá 80 tuổi. Tháng 6 năm ngoái, vị hồng y đã chia sẻ trên Twitter: “Về phần mình, tôi rất sẵn lòng nếu được tiếp tục công việc của mình” tại Vatican.
Việc chấp nhận đơn từ chức của Hồng y Sarah đồng nghĩa rằng Giáo hoàng Francis đã loại bỏ một cấp dưới của mình khi người này có quan điểm đối lập với ông trong các vấn đề về đồng tính luyến ái và các mối liên quan tới giới Hồi giáo. Hồng y Sarah là một anh hùng đối với nhiều người Công giáo bảo thủ. Một số người còn coi ngài như một vị giáo hoàng trong tương lai. Hiện vị hồng y vẫn sẽ có thể bỏ phiếu trong mật nghị bầu giáo hoàng cho đến khi ông 80 tuổi.
Năm ngoái, hồng y Sarah đã gây tranh cãi khi công bố một cuốn sách bị nhiều người cho rằng là một nỗ lực nhằm tác động đến quyết định của Giáo hoàng Francis về việc có nên phong chức linh mục cho những người đàn ông đã có gia đình hay không. Vụ tranh cãi sau đó đã khiến vị hồng y lâm vào thế bối rối, khi cựu Giáo hoàng Biển Đức XVI đã yêu cầu xóa tên ông khỏi cuốn sách với tư cách là đồng tác giả.
Việc nghỉ hưu của vị hồng y người Guinea đồng nghĩa rằng sẽ chỉ còn một người châu Phi là người đứng đầu trong ban lãnh đạo của Vatican: Hồng y người Ghana, Peter Turkson, Chủ tịch Thánh Bộ Phát triển Con người Toàn Diện, chuyên tập trung vào các vấn đề công bằng xã hội.
Đức Hồng y Sarah đã không đưa ra phản hồi vào thứ Bảy vừa qua. Ngay sau khi thông báo được đưa ra, ông chia sẻ trên Twitter: “Tôi đang ở trong vòng tay của Chúa. Vị Chúa duy nhất chính là Jesus Christ. Chúng tôi sẽ sớm gặp lại nhau tại Rome hoặc nơi nào đó khác”.
Vị hồng y này sinh ra tại ngôi làng nhỏ Ourous, Guinea, nằm ở Tây Phi. Tại đây, cha ông là một người làm nông và là một người cải đạo sang Công giáo. Năm 11 tuổi, ông được gửi đến một chủng viện ở Bờ Biển Ngà. Giáo hoàng John Paul II đã phong ông làm tổng giám mục thủ đô Conakry của Guinea ở tuổi 34, khiến ông trở thành tổng giám mục trẻ nhất thế giới vào thời điểm đó.
Năm 2010, Giáo hoàng Biển Đức đã phong ông làm hồng y và bổ nhiệm ông làm người đứng đầu văn phòng Vatican, nơi điều phối các hoạt động từ thiện toàn cầu của giáo hội. Giáo hoàng Francis đã bổ nhiệm ngài làm người đứng đầu văn phòng phụng vụ vào năm 2014.
Sau đó, vị giáo hoàng và hồng y dần lộ rõ ra những bất đồng và đối lập.
Giáo hoàng Francis đi theo một chủ trương cởi mở mới mẻ đối với người đồng tính, giảm nhẹ các giáo lý về đạo đức tình dục và đạo đức y tế, đồng thời đưa ra những tuyên bố gây nhiều chú ý về các nhà lãnh đạo Hồi giáo. Nhưng Hồng y Sarah đã phát biểu trong một cuộc họp của các giám mục Vatican về các vấn đề gia đình vào năm 2015 rằng, gia đình hiện đại phải đối mặt với “hai mối đe dọa bất ngờ, gần giống như hai quái thú tận thế, nằm ở hai cực đối lập: một bên là sự sùng bái tư tưởng tự do của phương Tây; một bên là chủ nghĩa chính thống Hồi giáo”.
Ông phát biểu: “Chủ nghĩa quốc xã-phát xít và chủ nghĩa cộng sản là của thế kỷ 20, còn tư tưởng đồng tính luyến ái và phá thai của phương Tây cũng như chủ nghĩa cuồng tín Hồi giáo là của thời nay”.
Hồng y Sarah luôn là một người có những phát ngôn gây chú ý về những vấn đề như vậy đối với các giám mục của Châu Phi. Các giám mục này nổi lên như một khối bảo thủ lớn trong triều đại giáo hoàng hiện tại.
Trong nhiệm kỳ của mình tại văn phòng phụng vụ, hồng y đã tranh cãi công khai với giáo hoàng về các vấn đề thờ phượng, hai lần vấp phải chỉ trích dữ dội từ công chúng.
Năm 2016, Hồng Y Sarah đã có bài phát biểu khuyến khích các linh mục cử hành Thánh lễ đối diện với bàn thờ thay vì đối diện giáo đoàn dưới băng ghế. Việc cử hành Thánh lễ hướng về phía băng ghế là một hành vi tiêu chuẩn cho đến cuối những năm 1960, và vẫn được các tín đồ của Thánh lễ Latinh truyền thống ưa thích. Vatican sau đó đã ban hành một tuyên bố bác bỏ chỉ thị của vị hồng y.
Sau đó, Giáo hoàng Francis đã giảm bớt tầm ảnh hưởng của vị hồng y trong chính văn phòng riêng của ông khi bổ nhiệm phó hồng y, Tổng Giám mục người Anh Arthur Roche, lãnh đạo việc xem xét các phương án quản trị các bản dịch Thánh lễ.
Sau khi xem xét lại, năm 2017, Giáo hoàng đã quyết định trao quyền thẩm định các bản dịch Thánh lễ cho các hội đồng giám mục quốc gia, một động thái bị những các cá nhân phe bảo thủ phản đối. Động thái này cũng khiến leo thang xích mích với Hồng y Sarah, khi ông phát biểu công khai rằng văn phòng của ông vẫn là cơ quan cuối cùng xét duyệt các bản dịch. Tòa thánh Vatican sau đó đã công bố một lá thư từ Giáo hoàng, yêu cầu hồng y rút lại tuyên bố của mình.
Vào tháng 1 năm ngoái, Hồng y Sarah đã vướng vào tranh cãi liên quan đến quyền lực của Giáo hoàng khi ông phát hành một cuốn sách bênh vực đặc điểm truyền thống của linh mục là phải là người chưa từng kết hôn, trong khi Giáo hoàng Francis thì lại xem xét nới lỏng quy định được thực thi hàng thiên niên kỷ, nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu linh mục ở khu vực Amazon, Mỹ Latinh.
Đức hồng y viết: “Điều khẩn cấp, cần thiết, là tất cả mọi người, cả giám mục, linh mục và giáo dân, không được để bản thân bị ảnh hưởng bởi những lời cầu xin đặc biệt, những lời ca kịch, những lời dối trá quỷ quái, những sai lầm phổ biến có thể làm mất đi giá trị về đời sống độc thân của các linh mục”.
Cuốn sách ban đầu liệt kê Giáo hoàng Biển Đức là đồng tác giả, làm gia tăng tranh luận về tình huống có một không hai trong lịch sử khi có hai Giáo hoàng cùng sống tại Vatican. Một số nhà bình luận cáo buộc vị hồng y đã phóng đại vai trò của vị cựu giáo hoàng. Nhiều người phe bảo thủ coi giáo hoàng Biển Đức là người gìn giữ được những nét truyền thống của giáo hội khi so với người kế vị mang khuynh hướng cởi mở, tự do hơn. Ngay sau khi tin tức được đưa ra, Giáo hoàng Biển Đức đã yêu cầu cần loại bỏ tên ông dưới vai trò là đồng tác giả và chỉ được ghi nhận đóng góp cho một chương duy nhất của cuốn sách.
Giáo hoàng Francis cuối cùng đã quyết định bác bỏ việc nới lỏng quy tắc về đời sống độc thân của các linh mục, loại bỏ vấn đề này khỏi một tài liệu được mong đợi từ lâu trên Amazon vào tháng Hai năm ngoái.
Từ Thức
Theo wsj.com