Giấc mộng Nam Kha – Đời người tựa giấc chiêm bao
Người xưa vẫn thường nhắc đến “Giấc mộng Nam Kha”, chính là chỉ về những thứ vô thực, những thứ vượt xa tầm tay với của con người. Kỳ thực, điều nó muốn ám chỉ nhất chính là “nhân sinh như mộng ảo”, đời người như một giấc chiêm bao…
Vào thời nhà Đường có một người tên Thuần Vu Phần, tính tình nghĩa hiệp hào phóng, mỗi tội ham thích uống rượu, từng làm đến chức phó tướng, nhưng vì đắc tội với trưởng quan mà bị giáng chức, từ đó về sau phóng túng bản thân, uống rượu quá độ đến mức sinh bệnh.
Nhà của Thuần Vu Phần ở phía Đông quận Quảng Lăng, trong nhà có một cây hòe lâu năm, cành lá sum xuê tươi tốt. Một ngày, có hai người bạn dìu anh ta về nhà, nói: “Huynh hãy nghỉ ngơi một lát, chúng tôi đi cho ngựa ăn, rửa chân, chờ huynh khỏe lại rồi chúng ta đi tiếp”.
Thuần Vu Phần tựa đầu vào gốc hòe, trong lúc mơ mơ màng màng thì trông thấy hai sứ giả áo tím đi tới bái kiến, nói: “Quốc vương nước Hòe An phái chúng tôi tới đây mời ngài đi một chuyến”.
Thuần Vu Phần bất tri bất giác theo họ lên một cỗ xe màu xanh, hướng gốc cây hòe mà lao tới. Sau khi tiến vào bên trong, thấy 2 ven đường có sông có núi, con đường cũng giống như tại nhân gian, tuy nhiên, đó xác thực là một thế giới khác.
Lúc tiến vào trong thành, trên cổng thành có đề 4 chữ “Đại Hòe An Quốc”. Một số quan viên đã chờ sẵn, nghênh đón Thuần Vu Phần vào nội cung.
Ngồi phía trên đại điện là một vị Quốc vương cao lớn, uy vũ. Ông ta nói với Thuần Vu Phần: “Phụ thân của ngươi không chê đất nước chúng ta nhỏ bé, đã kết thông gia với ta, vậy giờ ta sẽ đem nhi nữ của ta gả cho ngươi”.
Cha của Thuần Vu Phần tham gia chiến đấu tại biên cảnh, đã bị quân địch bắt đi từ lâu mà không có tin tức gì, trong lòng anh ta cảm thấy kỳ lạ, nhưng cũng không dám hỏi thêm điều gì.
Tối hôm đó, Thuần Vu Phần cùng công chúa đẹp như tiên cử hành hôn lễ long trọng. Hết thảy lễ nghi ở không gian đó cũng không khác biệt gì mấy so với tại nhân gian. Cứ như vậy, Thuần Vu Phần sống một cuộc sống hạnh phúc cùng với công chúa của Hòe An quốc.
Một ngày, Thuần Vu Phần nói với Quốc vương: “Thần và cha đã 17, 18 năm không gặp nhau, nếu như đại vương biết ông ấy ở đâu, xin hãy cho thần được gặp ông ấy một lần”.
Quốc vương nói: “Ngươi có thể viết thư, ta sẽ gửi cho ông ấy, ngươi không cần tự mình đi”.
Thuần Vu Phần liền viết một lá thư gửi cho cha. Không lâu sau, anh đã nhận được hồi âm của cha, trong thư vẫn là những lời dặn dò ân cần, còn nói rằng bản thân đang ở một nơi xa xôi, không thể gặp mặt được. Cuối cùng cha anh nói một câu: “Đến năm Đinh Sửu, ta và con sẽ gặp lại nhau”.
Về sau, Thuần Vu Phần làm chức Thái thú quận Nam Kha, quyền uy càng ngày càng lớn, thế nhưng, công chúa đột nhiên mắc bệnh mà qua đời. Có vị Thượng thư đã tâu với Quốc vương, nói rằng những tai ương này đều là do quyền thế của Thuần Vu Phần quá lớn mới tạo thành như vậy.
Quốc vương trong tâm nảy sinh ngờ vực, liền nói với Thuần Vu Phần: “Ngươi rời quê hương đã lâu rồi, hãy trở về gặp thân tộc của ngươi đi”.
Thuần Vu Phần nói: “Đây chính là quê nhà của thần, còn phải đi về nơi nào nữa chứ?”
Quốc vương nói: “Ngươi vốn ở nhân gian, không phải ở chốn này”.
Thuần Vu Phần đột nhiên cảm giác được chính mình đang ở trong mộng cảnh, mơ mơ màng màng thật lâu, nhớ tới sự tình trước đây, liền rớt nước mắt mà thỉnh cầu được hồi hương.
Sau đó, anh ta cùng hai vị sứ giả lại đi dọc theo con đường ra khỏi gốc cây, thấy chính mình đang nằm tựa đầu vào cây, nghe thấy sứ giả hô lớn tên mình liền tỉnh dậy.
Sau khi tỉnh lại, anh ta trông thấy bằng hữu đang ngồi trên giường ngâm chân, mặt trời còn chưa xuống núi, ly rượu chưa uống cạn vẫn còn đang dang dở ở cửa sổ phía Đông. Hóa ra, ở không gian kia đã trôi qua một đời, nhưng tại nhân gian mới chỉ trong chốc lát.
Sau đó, Thuần Vu Phần nhìn thấy dưới gốc cây hòe có một hang động nhỏ, chặt đôi thân cây ra, phát hiện bên trong đó có hàng trăm con kiến, tập trung tại một nơi đang bảo vệ hai con kiến lớn. Hóa ra đây chính là Hòe An Quốc mà anh đã gặp trong giấc mộng.
Thuần Vu Phần nhớ lại những sự tình trước đây, hết thảy dấu vết trong mộng đều tương xứng, vì thế bừng tỉnh ngộ về nhân thế hư ảo, cảnh đời là ngắn ngủi, từ đó về sau dốc lòng tìm đạo tu hành, tránh xa tửu sắc. Ba năm sau thì đột ngột qua đời, năm đó chính là năm Đinh Sửu mà phụ thân anh ta đã từng nói.
Trong văn chương thường dùng điển tích này với các từ ngữ: Giấc Nam Kha, giấc hòe, để chỉ cuộc đời là phù du mộng ảo; công danh phú quý như giấc chiêm bao.
Tuệ Tâm