Dịch Vũ Hán: Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp tại 7 tỉnh thành
Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Vũ Hán, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 1 tháng đối với một số tỉnh thành tại Nhật Bản.
Theo đài NHK, Thủ tướng Shinzo Abe đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại 7 tỉnh thành của Nhật Bản bao gồm Tokyo, Kanagawa, Saitama, Chiba, Osaka, Hyogo và Fukuoka từ ngày 7/4.
Trước đó hôm 6/4, ông Abe cho biết tình trạng khẩn cấp kéo dài khoảng 1 tháng nói trên cho phép chính quyền 7 tỉnh, thành này được quyền yêu cầu người dân ở nhà và đóng cửa các cơ sở kinh doanh, trường học.
Trong những trường hợp cần thiết, chính quyền sẽ trưng dụng một số khu đất và tòa nhà để phục vụ để làm các cơ sở y tế tạm thời.
Tuy nhiên, theo giải thích của Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, tình trạng khẩn cấp tại Nhật Bản hoàn toàn không giống với với các trường hợp phong tỏa thành phố mang tính cưỡng chế tại các nước châu Âu hay Mỹ. Do đó, các phương tiện giao thông công cộng và các siêu thị, ngân hàng cũng như bệnh viện vẫn mở cửa.
Bản thân ông Abe cũng thừa nhận việc phong tỏa cả một thành phố là chuyện không thể ở Nhật Bản.
Tuyên bố của ông Abe được đưa ra sau khi số ca nhiễm virus Vũ Hán chỉ riêng tại thủ đô Tokyo đã vượt 1.000 và chính phủ Nhật đang phải chịu nhiều áp lực do bị chỉ trích là hành động chậm chạp so với nhiều quốc gia trên thế giới, trong khi số người nhiễm virus Vũ Hán đang tăng vọt. Nước này hiện ghi nhận hơn 3.900 người nhiễm virus Vũ Hán, trong đó 92 người đã tử vong.
Cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura kêu gọi người dân tại các tỉnh sắp được ban bố tình trạng khẩn cấp không cần phải chuyển đến nơi khác, vốn có thể khiến dịch bệnh thêm lây lan.
Cũng trong tuần này, Thị trưởng Tokyo, bà Yuriko Koike tỏ ý ủng hộ việc ban bố tình trạng khẩn cấp để có thể thúc giục cư dân tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội mạnh mẽ hơn.
Trước mắt theo Reuters, chính quyền nhiều địa phương đã thúc giục người dân làm việc tại nhà, ở nhà vào những ngày cuối tuần, tránh đám đông và không ra ngoài ăn tối… Những biện pháp này ít nhiều có hiệu quả nhưng vẫn chưa đủ như nhận định của nhiều chuyên gia.
Trong một động thái liên quan, Chính phủ Nhật Bản cũng quyết định chi một gói cứu trợ kinh tế khẩn cấp quy mô lớn lên tới 108 nghìn tỷ yên (tương đương 1.000 tỷ USD), chiếm khoảng 20% tổng GDP Nhật Bản để thực hiện các biện pháp kinh tế tổng hợp nhằm đối phó với dịch bệnh cũng như hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Lương Phong (t/h)