Đề nghị tạm giữ biển số xe thay vì giam xe như hiện nay
Vào ngày 11/1 vừa qua, UBND tỉnh An Giang đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành quy định cho phép các lực lượng chức năng tạm giữ biển số xe hoặc giấy chứng nhận đăng ký xe thay vì giữ xe/phương tiện như hiện nay.
“Tôi đã ký văn bản và giao văn phòng gửi trình Chính phủ nghiên cứu. Bởi thực tế nhiều nơi tạm giữ xe ở An Giang quá tải trong thời gian dài gây ra hư hao tài sản xã hội rất lớn. Cần nghiên cứu giải pháp khác mà xử phạt hiệu quả, tránh lãng phí”, ông Lê Văn Nưng, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết.
“UBND tỉnh An Giang đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành quy định cho phép các lực lượng chức năng tạm giữ biển số xe hoặc giấy chứng nhận đăng ký xe thay vì giữ xe/phương tiện như hiện nay”, văn bản nêu.
Theo văn bản của UBND tỉnh An Giang gửi trình Chính phủ, tính đến tháng 9/2019 toàn tỉnh đang tạm giữ 8.193 phương tiện gồm ôtô, môtô và xe gắn máy các loại.
Theo số liệu của Bộ công an, chỉ trong 6 năm, từ năm 2013 đến tháng 9/2019, tổng số phương tiện đã tạm giữ trên cả nước là gần 4,3 triệu phương tiện (gần 249.000 ôtô, hơn 3,9 triệu môtô).
Tính đến tháng 9/2019, cả nước đang tồn đọng khoảng gần 137.000 phương tiện vi phạm hành chính quá thời hạn bị tạm giữ chưa xử lý, số phương tiện này thực tế đã trở thành “sắt vụn”.
Điều đáng nói là, tại các bãi giữ xe vi phạm, bên cạnh những chiếc xe máy số, xe ba gác giá trị thấp, có cả những xe tay ga đắt tiền như SH, Spacy, Liberty,.. đang nằm “chờ chết”. Ngoài ra, nhiều chiếc ôtô từ hạng bình dân cho tới những chiếc ô tô hạng sang, xe đua trái phép có giá lên tới cả chục tỉ đồng như Huyndai, Kia, Camry, Mercedes, Lexus,… cũng nằm phủ bụi.
Theo thông tin từ Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08) Công an TP.HCM, từ tháng 7/2013 đến tháng 9/2019, có hơn 169.000 xe vi phạm hành chính bị tạm giữ.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại kho bãi tạm giữ xe vi phạm của Công an Q.Bình Thạnh ở số 219 đường D2 nối dài thuộc P.25 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Bãi xe này có hàng ngàn xe máy, xe ba bánh, ôtô và cả xe buýt vi phạm đang để nằm “lộ thiên”, phơi mưa phơi nắng, chiếm một góc của khu đất trống trong bãi xe, tình trạng này cũng xảy ra ở tất cả các bãi xe giam giữ của TP.HCM.
Tại Hà Nội, hầu hết các bãi giữ xe vi phạm cũng chật như nêm, ghi nhận tại bãi tạm giữ xe vi phạm Hà Cầu (Q.Hà Đông, Hà Nội) hàng trăm chiếc xe, chủ yếu là xe máy, để chật kín diện tích mặt bằng. Một nhân viên trông giữ xe tại đây cho biết bãi tạm giữ xe Hà Cầu có 4 kho với diện tích khoảng 3.000m2 và hiện tất cả đều quá tải do lượng xe bị “bỏ rơi” quá lớn.
Nguyên nhân số lượng xe vi phạm bị tạm giữ còn tồn đọng nhiều là do quá trình xử lý các phương tiện vi phạm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như hồ sơ tịch thu phương tiện vi phạm theo Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành phải mất khá nhiều thời gian, 3 – 4 tháng.
Cụ thể, phải mời người vi phạm đến giải quyết; thông báo cho chủ phương tiện hoặc người sở hữu hợp pháp; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người đứng tên chủ sở hữu phương tiện; tiến hành giám định số khung, số máy; lập hội đồng định giá tài sản; ra quyết định tịch thu.
Ngoài ra, để bán đấu giá các phương tiện vi phạm, theo Luật xử lý vi phạm hành chính và quy định hiện hành thì thời hiệu xử lý đã mất 1 năm. Trong khi thủ tục tịch thu, bán đấu giá xe mất rất nhiều thời gian, trải qua nhiều khâu tra cứu hồ sơ, xác minh, giám định, định giá, thông báo niêm yết, lập phương án xử lý đến ra quyết định tịch thu.
Bên cạnh đó, nguyên nhân xe tạm giữ còn tồn đọng nhiều do một số hành vi vi phạm lĩnh vực giao thông đường bộ có mức phạt tiền cao hơn giá trị thực tế phương tiện bị tạm giữ nên người vi phạm không đến xử lý hoặc không đến nhận quyết định xử phạt, bỏ xe.
Trước đó, vào tháng 1/2003, thông tư 02 của Bộ Công an quy định mỗi người chỉ được đăng ký 1 xe máy, thông tư này không những đã hạn chế quyền sở hữu tài sản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp mà còn gây ra hậu quả là nhiều người mua xe nhờ đứng tên hộ, xảy ra tình trạng xe không chính chủ tràn lan.
Cho đến nay, thông tư này đã được bãi bỏ, tuy nhiên, theo quy định mới: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô vi phạm các lỗi xe không chính chủ.
Trên thực tế, trong một thời gian dài, nếu 4,3 triệu ôtô, xe máy không bị tạm giữ sẽ được khai thác công năng, mang lại nhiều lợi ích kinh tế, giải quyết được nhiều công ăn việc làm lại không tạo ra gánh nặng cho xã hội hay trở thành sắt vụn.
Và xét cho cùng, việc xử lý 4,3 triệu xe bị tạm giữ không chỉ đơn thuần là việc đề xuất sửa đổi quy định pháp luật hay đơn giản hóa thủ tục xử lý vi phạm hành chính mà nó đang cần một sự thay đổi trong “tư duy cầm tù xe”. Bởi vì, chính người điều khiển xe vi phạm cần xử lý chứ không phải xử lý chiếc xe vi phạm của họ bằng cách “cho xe ngồi tù”.
Từ Nguyên (t/h)