Công nhân Việt biểu tình ở Ðài Loan đòi bỏ môi giới tuyển dụng
Công nhân nhập cư Việt Nam biểu tình trước văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam (VECO) ở Đài Bắc hôm 5/5, kêu gọi tuyển dụng trực tiếp và loại bỏ hệ thống môi giới tuyển dụng hiện tại.
“Tuyển dụng trực tiếp – Hủy bỏ môi giới”, tờ băng rôn lớn ba người cầm ghi.
“Hủy bỏ môi giới,” “Cấm bóc lột sức lao động”, những biểu ngữ khác viết – một thông điệp chung của phần lớn cộng đồng lao động xuất khẩu ở Đài Loan, những người cảm thấy họ đã bị công ty môi giới lừa dối, theo Nguyễn Viết Ca, Phó hội trưởng Công hội Di công Đài Loan.
“Chúng tôi yêu cầu chính phủ Việt Nam hủy bỏ môi giới tuyển dụng lao động tư nhân, mà tuyển dụng trực tiếp giữa chính quyền [Việt Nam] với chính quyền [Đài Loan]”, anh Ca nói với phóng viên BBC hôm 7/5.
“Chính phủ cho phép môi giới hoạt động nhưng không có biện pháp quản lý, cho nên dẫn đến sự bất công quá lớn bằng cách [các công ty môi giới] thu tiền của người lao động quá cao. Cho nên khi đến Đài Loan, nhiều người phải trốn đi làm việc để trả nợ, làm xấu đi hình ảnh của người Việt Nam, quá nhiều người lao động ra ngoài đi kiếm tiền gửi về, phải đóng cho môi giới Việt Nam”.
Phí môi giới cao
Qua Đài Loan 6 năm trước, anh Ca cũng là một lao động xuất khẩu. Anh nói khi đó lương cơ bản ở Việt Nam với mức 2-3 triệu/tháng quá thấp để trang trải và lo cho tương lai, nên anh quyết định sang Đài Loan lao động.
“Tôi phải đóng cho môi giới 6.300 USD [khoảng 147 triệu VND] để mua một hợp đồng ba năm làm việc tại Đài Loan. Lương tháng trừ hết rồi là tầm 10 triệu. Làm cực lực vất vả, hơn một năm thì mới đủ số tiền đóng trả tiền nợ”.
Cũng như anh Ca, hầu hết người Việt sang Đài Loan đều phải đóng một khoản phí từ 5000-7000 USD chi phí cho công ty môi giới, với lời hứa hẹn công việc nhẹ nhàng và công ty sẽ tăng ca.
“Nhưng sang đây, phần nhiều như tôi, làm một công việc không giống lúc giới thiệu ban đầu và không tăng ca mà chỉ lãnh lương cơ bản, khoảng 23.100 Tân Đài tệ/tháng, khấu trừ 6000-7000 Tân Đài tệ, thì còn khoảng 17.000 Đài tệ [khoảng 11-12 triệu VND]”.
Khoản khấu trừ này được biết là bao gồm 5000 tân Đài tệ cho chi phí nhà ở và tiền ăn ở công ty cộng với thuế, bảo hiểm sức khỏe…
Anh Ca cho biết, một số công nhân bị ép đi làm từ 6 giờ sáng nhưng không được phép cà thẻ chấm công cho tới lúc 8 giờ. Nếu khiếu nại thì bị chủ đe dọa báo công ty môi giới trục xuất về Việt Nam.
Anh Ca cũng cho biết phần lớn người đi xuất khẩu lao động đều vay nợ để trả khoản tiền cho môi giới. Sang tới Đài Loan, họ thường làm việc tầm một năm rưỡi, có người đến hai năm mới trả hết nợ.
Một thanh niên khác 21 tuổi tên D. thì cho biết anh mới sang Đài Loan từ tháng 7/2017, và trước đó vay trong gia đình để đóng 5,800 USD [130 triệu VND] cho công ty môi giới để qua làm lắp ráp, sơn sửa tại một xưởng sản xuất thùng chở dầu.
Nhưng anh nói anh còn phải “quét sân, trồng rau, dọn rác nhà chủ ăn uống” và thường bị chửi mắng, đánh đập.
D. mất hơn một năm để có thể trả khoản nợ với gia đình nhưng đến tầm cuối tháng 10/2018, sau khi bị đánh đập nhiều ngày liên tiếp, anh bỏ việc, đâm đơn kiện chủ.
Một phụ nữ tên A. thì nói chị mất 6,000USD để thu xếp sang Đài Loan làm. Nhưng được 10 ngày thì chủ dọa đuổi vì chị về muộn giờ ký túc xá.
“Lúc đầu công ty môi giới không cho em chuyển chủ, còn gây khó dễ cho em. Họ bảo nếu công ty có cho em chuyển chủ thì người ta cũng tìm mọi cách để làm em không bao giờ chuyển được. Nhưng nhờ sự trợ giúp của Văn phòng Trợ giúp lao động Việt Nam tại Đài Loan thì em đã được ký giấy chuyển chủ”.
Công ty môi giới lại hứa hẹn tìm công việc cho chị vài lần nhưng cuối cùng đẩy chị vào một xưởng lao động bất hợp pháp. Giờ dù đã sinh sống ở Đài Loan hơn một năm qua, chị A vẫn chưa có công việc ổn định, phải làm lao động chui.
A. cho biết cũng muốn về Việt Nam với gia đình nhưng chưa thể về được. “Có về thì cũng phải kiếm đủ số tiền em bỏ ra để đi rồi em mới về được”, A. nói.
Phí môi giới VN cao gấp đôi, gấp ba Thái, Indo
Chưa hết, lao động Việt còn “ngã ngửa” sau khi phát hiện số tiền môi giới mình trả cao hơn nhiều so với các lao động đến từ các nước khác.
Anh Ca tiết lộ, một cuộc gặp gần đây hôm 3/3, do Liên minh Gia tăng Sức mạnh tổ chức, có các lao động các nước và các tổ chức môi giới, cho thấy lao động Việt phải trả phí môi giới cao gấp đôi có khi gấp ba lần lao động các nước khác.
“Họ trình bày rõ ràng là như vậy, phí đưa người lao động người Philippines, người Thái Lan là 2,000 USD, người Indo là 3,000 mà người Việt Nam là 5000-7000 USD”, anh Ca nói.
“Số tiền này là phải đóng cho môi giới Việt Nam, môi giới bên này thì bảo không thu tiền ở Việt Nam. Tìm về môi giới Việt Nam thì bảo môi giới Đài Loan thu. Rốt cuộc không biết ai thu, nhưng phải đóng cho môi giới Việt Nam vậy. Nếu không đóng thì không đi được”.
Chuang Shu-ching, một nhân viên xã hội tại Văn phòng Trợ giúp Công dân, Di dân Việt Nam xác minh con số trên. Chị cho biết văn phòng chị tiếp nhận 500 trường hợp mỗi năm từ các nước khác nhau.
Khi được hỏi vì sao người Việt phải trả nhiều như vậy, bà Chuang nói: “Tôi không biết nguyên do chính xác. Một số người Việt nói rằng các công ty môi giới thu tiền cao như vậy vì họ phải trả thêm cho chính quyền, nhưng tôi không chắc điều đó đúng hay không”.
‘Vỡ mộng’ nên đi lao động chui
Anh Ca cho biết, nhiều người lao động bị ‘vỡ mộng’ sau khi qua đây, đã tìm cách bỏ trốn, bỏ hẳn hợp đồng lao động hợp pháp để trở thành lao động bất hợp pháp vì đồng lương cao hơn, khoảng 30.000 Đài tệ/tháng.
“Họ thường lên núi cao nơi người Đài không lên để trồng rau, trồng chè, chăn nuôi trên đồi trên núi. Họ còn làm xây dựng, làm gạch ốp tường… Họ kiếm được nhiều hơn người làm hợp đồng, người lại họ phải đánh đổi quá nhiều”, anh Ca nói.
“Nhiều người khi cảnh sát truy đuổi phải nhảy từ trên lầu, gãy tay, gãy chân, chết. Gần đây, có một người Hà Tĩnh khi cảnh sát đuổi thì người ta bắn đạn lưới, trúng đầu, người đó rơi xuống hố, chết luôn… Sau đó anh em đến đồn cảnh sát không thấy, khi vào rừng thấy chết thối mới biết”.
Anh Ca cho biết thường những người lao động chui sẽ bị giam giữ, phạt tiền khoảng 20.000 Đài tệ, rồi bị trục xuất về Việt Nam và bị cấm quay trở lại Đài Loan.
Nên tìm hiểu trước khi đi lao động xuất khẩu
Khi được hỏi nếu khó khăn như vậy thì tại sao nhiều người vẫn tìm cách đi lao động, anh Ca nói:
“Tôi cũng hiểu họ cũng như tôi tại sao họ phải sang Đài Loan. Vì ở Việt Nam, đời sống như vậy, an ninh trật tự, lương tháng làm sao đủ”.
“Mình không thể ngăn cản nhưng cũng khuyên họ trước khi đi, xác định sang đi làm, có nghĩa là bỏ số tiền rồi, lương thực sự ở đây sau khấu trừ chỉ hơn khoảng 500USD, chưa trừ ăn uống hàng ngày sáng tối. Nếu mà đi nên xác định rõ, không khéo sang đây lại bất ngờ chuyện lương thấp, lo lắng khoản nợ lớn, lại bỏ ra ngoài bất chấp, bỏ mạng”.
Anh Ca cho biết, Công hội Di công dự tính sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình để cho chính quyền Việt Nam thấy được những khó khăn của người dân để thay đổi cách làm việc nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động một cách tốt nhất.
“Người lao động Việt Nam chúng tôi qua Đài Loan vì khó khăn bế tắc ở Việt Nam, để lo lắng cho cuộc sống tương lai nên mới sang đây. Khi hủy bỏ môi giới, mang lại lợi ích cho công nhân chúng tôi, thì chúng tôi có tiền gửi về cho gia đình thì kinh tế mới phát triển”, anh Ca nói.
Bà Chuang Shu-ching nói: “Rất khó để khiếu nại vì các công ty môi giới không cung cấp biên lai thu tiền cho những người xin việc”.
Bà Chuang nói với BBC rằng, bà mong muốn cả hai chính phủ Việt Nam và Đài Loan nên bỏ hình thức môi giới tư nhân và thực hiện mô hình môi giới trực tiếp như Hàn Quốc đang làm.
Theo Bộ Lao Động Đài Loan, có hơn 220.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan tính tới tháng 3/2019.
Mới đây nhất, theo Vietnamnet, Bộ Công an vừa khởi tố 5 đối tượng tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi Đài Loan” về vụ 152 khách du lịch Việt Nam mất tích tại Đài Loan hồi tháng 12/2018.
Theo báo Đại Đoàn Kết, đầu năm 2018, Bộ Lao động Thương Binh & Xã hội cho biết sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo đó sẽ xây dựng những quy định và điều kiện chặt chẽ về quy định cấp phép để chỉ những doanh nghiệp thực sự đáp ứng đủ và bảo đảm duy trì các điều kiện theo quy định của pháp luật mới được tham gia hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài.
“Trong thời gian tới, Bộ cũng sẽ xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm và cả các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả. Bộ sẽ kiên quyết xử lý các doanh nghiệp tuyển chọn lao động thông qua môi giới, cò mồi, thu phí vượt mức quy định hoặc thu tiền nhưng không đưa được lao động đi, không bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Trường hợp phát hiện các doanh nghiệp không duy trì việc đáp ứng các điều kiện hoạt động, sẽ thu hồi giấy phép theo quy định của pháp luật”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.
Trong năm 2017, có 46 doanh nghiệp xuất khẩu lao động bị thu hồi giấy phép hoạt động. Sai phạm chủ yếu là không trực tiếp tuyển dụng lao động, cho người khác sử dụng giấy phép, lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền trái phép; đưa lao động ra nước ngoài làm việc nhưng không đăng ký hợp đồng cung ứng lao động…
Theo BBC
Xem thêm: