Cứ 10 người Việt xuất khẩu lao động, có 5 – 6 người đi Đài Loan
Theo Cục quản lý lao động ngoài nước, trong 5 tháng đầu năm, trung bình mỗi tháng có gần 9.000 người Việt Nam xuất khẩu lao động. Trong đó 90% đi sang các nước Đông Bắc Á và có hơn nửa số người đi sang Đài Loan.
Hơn 8.700 lao động Việt Nam xuất khẩu mỗi tháng
Theo số liệu từ Cục quản lý lao động ngoài nước, tổng số lao động sang nước ngoài làm việc trong 5 tháng đầu năm là 43.858 người, trong đó hơn 60% là lao động nam và gần 40% là nữ.
Như vậy, tính trung bình một tháng, số người rời Việt Nam sang làm việc cho các ông chủ ở nước ngoài là hơn 8.700 lao động. So với cùng kỳ năm ngoái, số lao động rời Việt Nam không có nhiều biến động, chỉ giảm 1,2%.
Thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam đã trở nên khá sôi động trong 3 năm trở lại đây, kể từ sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2014. Năm 2014, số lượng lao động Việt Nam đã đạt kỷ lục khi lần đầu vượt mức 100.000 lao động/năm, tăng trưởng tới 21,2% so với năm trước là 2013.
Đến năm 2015, đà tăng trưởng này tiếp tục với 115.980 lao động. Năm 2016 này, kế hoạch về số lượng lao động nước ngoài được Cục quản lý lao động nước ngoài vào khoảng 100.000 lao động.
Xuất khẩu lao động sang Đông Bắc Á chiếm tới 90%, Đài Loan tiếp nhận hơn một nửa
Hiện nay, có 29 thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam, 6 thị trường có quy mô tiếp nhận lớn nhất là Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Ả Rập Saudi và Algeria.
Trong đó 3 thị trường ở khu vực Đông Bắc Á là Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm đến 90% tổng số lao động xuất khẩu 5 tháng qua, lên đến gần 40.000 người.
Đài Loan là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất. Có diện tích gần như nhỏ nhất trong các thị trường ở Đông Bắc Á, nhưng Đài Loan tiếp nhận đến hơn 23.000 lao động, chiếm tới 53% tổng số lao động xuất khẩu. Cùng kỳ, 5 tháng đầu năm 2015, số lao động sang Đài Loan thậm chí còn chiếm tới 66%.
Như vậy, cứ 10 công dân Việt Nam đi xuất khẩu lao động thì có 5-6 người sang Đài Loan.
Vì sao lao động Việt thích sang Đài Loan?
Thứ nhất, do những chính sách phát triển kinh tế và thúc đẩy việc làm được chính phủ nước này áp dụng từ cuối năm 2011 đến nay, dẫn đến tổng lượng tiếp nhận lao động nước ngoài tăng nhanh.
Năm 2014 và 2015, tổng số lao động xuất khẩu sang Đài Loan lên đến hơn 60.000, đây là con số tăng trưởng ngoạn mục nhất trong 14 năm qua. Trước năm 2014, bình quân trong vòng 5 năm trở về trước, con số này vào khoảng 40.000 lượt người/năm.
Thứ hai, để đảm bảo lao động trong nước, Thái Lan, Indonesia, Philippines… đã giảm dần việc đưa lao động sang Đài Loan. Đây là khoảng trống cho lao động Việt Nam gia tăng số lượng sang làm việc.
Thứ ba, chi phí của người lao động tại Đài Loan so với các thị trường khác trên thế giới được đánh giá là tương đối thấp. Chi phí này phải căn cứ theo loại ngành nghề, trình độ tay nghề, ngoại ngữ của từng người lao động đối với yêu cầu của từng thị trường.
Thứ tư, thị trường xuất khẩu lao động Đài Loan không chỉ gần gũi, thân thiện với người Việt Nam, mà còn khá dễ tính, tiếp nhận nhiều lao động phổ thông, nhưng mức lương cơ bản lại thuộc hàng khá trong các thị trường hiện có.
Thứ năm, Đài Loan cũng là thị trường gần về vị trí địa lý và đặc biệt dễ thích nghi, hòa nhập đối với lao động của Việt Nam.
Năm 2014 cũng là năm lương cơ bản ở thị trường Đài Loan tiếp tục tăng thêm theo lộ và tăng nhu cầu tuyển dụng. Cụ thể, từ 1/7/2014, Đài Loan cũng chính thức tăng lương cho lao động xuất khẩu. Theo đó, mức lương được điều chỉnh tăng từ 19,273 Đài tệ /tháng lên 20,008 Đài tệ/tháng (tương đương với 14 triệu đồng / tháng).
Vừa qua, Bộ Lao động Đài Loan (trước đây là Ủy ban Lao động Đài Loan) cũng đưa thêm ngành nghề nuôi cá lồng đại dương vào diện được tiếp nhận lao động nước ngoài.
Lao động Việt Nam chuyển lựa chọn từ Nhật Bản sang Đài Loan
Gần đây, một công ty tư vấn xuất khẩu lao động báo cáo rằng năm 2014, 90% khách hàng của công ty này có nhu cầu sang làm việc tại Nhật Bản. Đến đầu năm 2016, vẫn khảo sát này nhưng có tới 85% số lao động có nguyện vọng được sang Đài Loan làm việc.
Lý giải cho việc này, báo cáo công ty chỉ rõ rằng thị trường Nhật Bản tuy có mức thu nhập cao những cũng đi kèm chi phí sinh hoạt khá cao và điều kiện tuyển chọn rất ngặt nghèo (tiếng Nhật, thời gian lấy visa).
Trong khi đó, thị trường Đài Loan có chi phí sinh hoạt rẻ hơn và dễ tính hơn. Thị trường này yêu cầu ít khắt khe hơn khi mà ngay những lao động phổ thông chưa có tay nghề cũng có rất nhiều cơ hội được đi lao động. Thậm chí với những lao động có tay nghề, cơ hội được đi làm việc gần như là 100%.
Theo Cafebiz