Chuyện về chữ tín: Vì một lời hứa mà sẵn sàng cho đi cả con của mình
Ngày nay chúng ta thật dễ dàng nói ra lời hứa, rồi cũng chỉ nhẹ nhàng mà thất hứa. Người xưa rất giữ chữ tín và coi trọng lời hứa, nên thường không tùy tiện hứa hẹn điều gì, nhưng đã hứa thì bằng giá nào cũng phải làm cho kì được.
Giữ lời hứa là bổn phận làm người
Những năm cuối triều đại nhà Thanh, ở Giang Nam có một thôn bạo phát ôn dịch, chết rất nhiều người. Chính giữa thôn này có một con đường cái, chia thôn làm hai, trước thôn và sau thôn, điều kỳ quái chính là, ôn dịch chỉ xảy ra ở sau thôn, còn trước thôn không phát hiện ra ai nhiễm bệnh cả.
Có một người trong thôn tên là Lý Sơn, mặc dù anh ta ở trước thôn, nhưng con của anh ta vừa mới sinh, vì để an toàn, anh ta vẫn quyết định dời cả nhà đến chỗ cha vợ cách đó cả ngàn dặm. Trước khi đi, Lý Sơn đi về phía sau thôn để từ biệt một người bạn tốt tên là Trần Hồng.
Bước vào trong nhà, chỉ thấy Trần Hồng cùng vợ của anh ta nằm mê man ở trên giường. Thấy Lý Sơn đến, Trần Hồng mới cố hết sức mà mở miệng ra nói: “Anh đừng đến đây, hai chúng tôi đều nhiễm bệnh rồi, khả năng rồi cũng chết sớm thôi”.
Lý Sơn trong tâm sợ hãi, nói muốn tìm thầy lang cho bọn họ. Trần Hồng cười khổ nói: “Nào có thầy lang nào dám đến đây? Anh đừng mất công làm gì”. Anh ta chỉ tay vào cái nôi ở góc tường nói: “Anh nếu có tâm, xin hãy đem con của chúng tôi nuôi nấng cho thành người”. Nói xong thì anh ta cũng hôn mê đi mất. Lý Sơn cố nén đau thương, ôm lấy đứa con trong chiếc nôi rồi rời đi.
Cùng ngày, Lý Sơn liền thu dọn đồ đạc, chuyển cả nhà đi đến nhà cha vợ. Ai ngờ đi được nửa đường thì gặp phải sơn tặc, toàn bộ lộ phí đi đường đều bị cướp hết, rồi vợ của anh ta lại vô tình bị ngã xuống dốc đứng. Lúc Lý Sơn cõng được vợ lên trên đường thì đã bị bất tỉnh rồi.
Lý Sơn chỉ còn biết kêu trời kêu đất, không biết làm sao. Hai đứa nhỏ gào khóc đòi ăn, lại còn thêm người vợ bị hôn mê, biết làm sao bây giờ? Đúng lúc này, cách đó không xa có truyền đến vài tiếng chuông, Lý Sơn tập trung nhìn thử, thì chính là một ông thầy lang đang đi tới.
Lý Sơn nhanh chóng tiến đến chỗ thầy lang xin giúp đỡ, thầy lang liền xắn ống quần của Lý thị lên để xem xét, kết luận là bị gãy xương chân, liền quay lại nói với Lý Sơn: “Tình huống rất nghiêm trọng, anh bây giờ phải cõng cô ấy thật nhanh đến y quán của tôi, phải nhanh lên!”
Lý Sơn thở dài nói: “Thật không dám giấu diếm, tiền của tôi bị sơn tặc cướp hết rồi, hiện tại trong người không có đồng nào…”
Thầy lang nói: “Cứu người quan trọng hơn, những cái khác để sau hãy nói”. Vị thầy lang này họ Triệu, vốn là danh y trong vùng. Bởi vì Lý thị bị thương nghiêm trọng, nên tạm thời phải ở lại tại y quán của thầy lang.
Nhưng không ngờ là phải ở lại tận hai tháng, ăn uống thuốc men đều phải nhờ vào thầy lang họ Triệu tiếp tế. Lý Sơn vô cùng áy náy, liền nói với thầy lang: “Vợ tôi đã có thể bước xuống giường, chúng tôi định sẽ tiếp tục lên đường. Nhưng đại ân đại đức của ngài, chúng tôi biết báo đáp như thế nào đây?”
Thầy lang liền khoát tay, động viên Lý Sơn không cần phải để ở trong lòng, tranh thủ đi cho sớm là được rồi. Lý Sơn đương nhiên không đồng ý, cứ muốn thầy lang Triệu phải đưa ra điều kiện để báo đáp. Thầy lang thấy được tâm chân thành của Lý Sơn, trầm ngâm mất nửa ngày rồi mới nói cho Lý Sơn suy nghĩ của mình.
Vốn là vợ của thầy lang không thể sinh con được, mà vợ chồng Lý Sơn thì đang rất khốn khổ, chân của Lý thị thì bị thương vẫn chưa lành, hai vợ chồng này mang theo hai đứa nhỏ mà đi như vậy thật sự là không tiện, thầy lang họ Triệu muốn giữ lại một đứa nhỏ để nuôi, cũng cho thêm Lý Sơn một trăm lượng bạc, coi như là để tạ ơn.
Lý thị đứng bên cạnh vừa nghe thấy “một trăm lượng bạc” thì hai con mắt sáng lên. Nàng kéo Lý Sơn qua một bên nói: “Chàng còn do dự gì nữa? Thầy lang nói có lý như vậy, điều kiện của thầy lang lại tốt hơn chúng ta rất nhiều, con nhỏ ở lại đây, chắc chắn sẽ không bị thiệt thòi”.
Lý Sơn thở dài nói: “Vậy nàng nói xem, nên để đứa nào ở lại đây?”. Lý thị nói: “Cái này còn phải hỏi sao, đương nhiên là con của Trần Hồng rồi. Chúng ta lại còn được một trăm lượng bạc nữa, tại sao còn không chấp thuận đi?”
Lý Sơn lắc đầu nói: “Đứa nhỏ này là do Trần Hồng trước khi chết phó thác lại cho ta, ta sao có thể làm như vậy được? Nàng chẳng phải đang hãm ta vào chỗ bất nghĩa đó sao?”. Lý thị nói: “Chẳng lẽ chàng lại muốn bán con của mình ư?”.
Lý Sơn cau mày suy nghĩ. Nghĩ mất nửa ngày, cuối cùng quyết định phó mặc cho số phận, liền nói với thầy lang rằng: “Hai đứa nhỏ này, ngài ưa thích đứa nào thì cứ chọn lấy đứa đó”.
Thầy lang suy nghĩ một lúc, liền ôm lấy con của Trần Hồng vào lòng. Lý Sơn ngửa đầu thở dài: “Đây là thiên ý rồi!”. Nói xong, anh ta liền nhận một trăm lượng bạc từ tay thầy lang, rồi mang theo vợ con rời đi. Đã có bạc, Lý Sơn liền thuê cỗ xe ngựa để đi, rất nhanh đã tới nhà cha vợ và ở lại đó.
Thà giữ lấy chữ tín chứ nhất định không vì lợi riêng cho mình
Thoáng cái đã hơn nửa năm. Hôm đó, Lý Sơn đang muốn đi ra ngoài, thì thấy ngoài sân có một người đang đi tới, nhìn kỹ thì đúng là Trần Hồng. Theo như Trần Hồng kể, lúc vợ chồng Lý Sơn vừa rời khỏi thôn, triều đình liền mời danh y họ Triệu đến thôn để khám và chữa bệnh ôn dịch.
Thầy lang Triệu nghe nói chỉ có sau thôn mới bị nhiễm bệnh, còn trước thôn lại không có gì, liền cảm thấy cái này không giống ôn dịch bình thường, mới đi xung quanh hỏi thăm thì biết được, dân ở trước thôn dùng nước đến từ một con sông nhỏ, dân ở sau thôn lại dùng nước đến từ một cái giếng cổ.
Vì vậy, thầy lang đi tới giếng cổ để xem xét, lúc này mới phát hiện ra huyền cơ. Bởi vì năm trước trong thôn có vài cụ già bị mất, trên núi lại có thêm vài ngôi mộ mới, thi thể hư thối, lại gặp phải mưa nhiều, nước đục từ trong núi theo mạch chảy xuống giếng ở dưới núi, dân ở sau thôn không biết uống phải nước này nên mới bị bệnh. Sau khi tìm được nguyên nhân, thầy lang dùng đúng thuốc để trị bệnh, dân trong thôn bị bệnh đều đã được trị khỏi.
Lý Sơn hỏi Trần Hồng, vị thầy lang họ Triệu kia tướng mạo ra sao, Trần Hồng tả lại đại khái, Lý Sơn lúc này mới nhận ra, đó chính là vị thầy lang mà mình gặp trên đường. Trần Hồng còn nói, lần này đến đây, là muốn đón con của anh ta về. Lý Sơn trong tâm lo lắng vội nói: “Đứa bé chị dâu ôm đi rồi, để tôi đi mang nó trở về, anh ở đây chờ tôi một lát”.
Lý Sơn tìm thấy vợ, ôm lấy đứa con rồi nói với vợ rằng Trần Hồng chưa chết, đến tìm bọn họ để đón con về. Vợ anh ta vội hỏi: “Có phải là chàng định mang con của mình đưa cho Trần Hồng không?”. Lý Sơn gật gật đầu.
Người vợ vội la lên: “Chàng sao không đem chuyện phát sinh trên đường nói cho Trần Hồng biết? Chàng đối xử với hai đứa nhỏ đều như nhau, lúc trước nếu thầy lang họ Triệu chọn lấy con của chúng ta, vậy chẳng phải chúng ta cũng phải chịu đó sao?”
Lý Sơn cười khổ nói: “Sự tình đúng là như thế. Vấn đề là, người ta sẽ tin sao? Chúng ta dù cho có giải thích thế nào đi nữa, người ta cũng sẽ cho rằng, chúng ta là vì một trăm lượng bạc mà bán đi con của anh ta” .
Người vợ khóc ròng nói: “Vậy chàng cũng không thể đem con của mình đưa cho anh ta được. Không được, chàng mau trả lại con cho thiếp!”. Nói xong, nàng muốn vươn tay ra để giằng lấy con từ Lý Sơn.
Lý Sơn một tay đẩy nàng ra rồi lớn tiếng nói: “Nàng hãy nghe ta nói, nếu Trần Hồng là người có nghĩa khí, anh ta hôm nay ôm con đi, qua mấy ngày rồi sẽ ôm trở lại thôi”.
Nhìn vợ có vẻ còn nghi ngờ, Lý Sơn nói tiếp: “Lúc Trần Hồng giao con nhỏ cho ta, đứa bé cũng vừa mới sinh ra. Hôm nay, ta đem con của ta cho anh ta, anh ta chưa hẳn đã phát hiện ra được. Nhưng vợ của anh ta là người cẩn thận, nhất định sẽ nhận ra đây không phải là con của mình, lúc đó Trần Hồng nhất định sẽ ôm con nhỏ quay trở lại tìm ta. Đến lúc đó, ta sẽ đem chuyện phát sinh trên đường kể lại hết cho anh ta nghe, khi đó anh ta mới tin được”.
Sự tình quả nhiên như Lý Sơn đã dự liệu, Trần Hồng sau khi ôm con trở về nhà, vợ anh ta ngay lập tức phát hiện ra đây không phải là con của bọn họ, nên nói Trần Hồng phải ôm đứa bé trở lại nhà Lý Sơn ngay. Lý Sơn lúc này mới đem những chuyện mình gặp trên đường, từ đầu chí cuối mà nói cho Trần Hồng, nói xong liền quỳ trên mặt đất, cầu xin Trần Hồng tha thứ.
Trần Hồng đỡ Lý Sơn dậy, cảm thán nói: “Anh có thể đưa con của mình cho tôi, tôi tự nhiên tin anh ngay. Chỉ là…”
Lý Sơn nhanh chóng lấy ra một trăm lượng bạc, nhét vào tay Trần Hồng và nói: “Anh cầm số bạc này đi đến y quán của thầy lang, đem hết câu chuyện kể lại cho thầy lang nghe, đồng thời trả lại số bạc này cho ông ấy. Thầy Lang Triệu là người tốt, ông ta nhất định sẽ đem con trả lại cho anh thôi”.
Trần Hồng do dự nói: “Tôi sợ thầy lang Triệu sẽ không tin tôi, anh cùng đi với tôi được không?”
Lý Sơn quay người lấy ở trong ngăn kéo ra mấy tờ giấy, đưa cho Trần Hồng rồi nói: “Mấy ngày gần đây tôi có việc không thể rời đi được. Đây là đơn thuốc mà thầy lang Triệu đã viết cho vợ tôi, anh cứ đưa cái đơn thuốc này cùng một trăm lạng bạc, nhất định ông ấy sẽ tin anh thôi. Hơn nữa, trong thôn cũng không còn bệnh dịch nữa, tôi cùng với vợ đã bàn bạc sẽ quay trở về, chúng ta sẽ gặp nhau ở trong thôn nhé”. Trần Hồng đồng ý, nhận lấy đơn thuốc và bạc rồi ra đi.
Mấy tháng sau, Lý Sơn cho cả nhà chuyển về lại trong thôn. Vào buổi tối, Trần Hồng ở nhà làm cơm mời Lý Sơn đến, Lý Sơn nhìn vào trong nhà không thấy bóng dáng đứa nhỏ đâu, sốt ruột hỏi: “Chuyện này là sao? Thầy lang Triệu không chịu trả lại con nhỏ cho anh hả?”
Trần Hồng lắc đầu nói: “Không phải là ông ta không chịu, mà tôi căn bản không làm sao mở miệng được. Ngày đó, tôi đã tìm được y quán của thầy lang Triệu, nhìn thấy thầy lang ôm đứa nhỏ, vừa âu yếm, vừa vui cười, nhớ tới ông ta không sợ ôn dịch, liều mạng đến thôn chúng ta chữa bệnh, cứu sống hơn mười người trong thôn, cũng đã cứu cả vợ chồng tôi, tôi thật sự không thể mở miệng ra được”.
Lý Sơn trầm ngâm nói: “Anh đã không đành lòng nói, hay là để tôi đi một chuyến?”
Trần Hồng gạt đi mà nói: “Hay là thôi đi, biết rõ con đã khỏe mạnh, lại có được một người cha tốt như thầy lang Triệu, tôi thấy như vậy là đủ rồi. Huống gì thầy lang Triệu là một người tốt đã cứu sống được bao nhiêu người, tôi cũng là người biết ơn ông ấy, không thể làm cho ông ấy đau lòng được”.
Lý Sơn chỉ vì lời hứa với Trần Hồng mà đã hai lần đặt con của mình lên bàn cân, nhưng anh ta thà giữ lấy chữ tín chứ nhất định không vì lợi riêng cho mình. Trần Hồng cũng vì ân nghĩa của thầy lang mà quyết định không lấy lại con. Lý Sơn và Trần Hồng quả là hai người đầy nghĩa khí, thật sự là người thời nay khó ai có thể sánh bằng được.
Chân Chân biên dịch