Quân tử giữ trọn chữ tín được trời cao ban hậu phúc
Cổ nhân cho rằng hứa hẹn là chuyện vô cùng nghiêm túc, người quân tử không được cẩu thả, làm không được thì không tùy tiện nói; nhưng đã đồng ý làm chuyện gì, thì dù khó khăn thế nào, cũng phải làm bằng được.
Những câu thành ngữ như “Lời hứa đáng giá nghìn vàng”, “Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy” và “Nhất ngôn cửu đỉnh”, v.v. đã phản ánh sự xem trọng của người xưa đối với lòng tin và danh dự. Trong mắt của cổ nhân, thành tín là vô giá, bất cứ chính nhân quân tử nào cũng đều phải giữ chữ tín, nói mà không đáng tin ắt là tiểu nhân.
Tư tưởng của các vị thánh hiền phương Đông về vấn đề thành tín là giống nhau. Khổng Tử từng nói: “Tự cổ giai hữu tử, dân vô tín bất lập”, nghĩa là con người phải chết đã là đạo lý vốn có ở đời, và cũng giống như vậy, dân mà mất niềm tin thì đương nhiên sẽ không thể thành tựu được gì cả.
Mạnh Tử nói: “Thành giả, thiên chi đạo dã; tư thành giả, nhân chi đạo dã”, nghĩa là thành tín là lẽ trời, biết thành tín là đạo làm người. Lý Bạch từng viết trong lời thơ rằng: “Tam bôi thổ nhiên nặc, ngũ nhạc đảo vi khinh”, nghĩa là uống ba chén rượu vào rồi hứa hẹn, Ngũ Nhạc (năm ngọn núi lớn của Trung Hoa) cũng xem nhẹ như không.
Từ xưa đến nay, kiên trì giữ chữ tín đều là đạo lí đối nhân xử thế, đạo làm kinh doanh chính trị. Lịch sử cũng ghi lại rất nhiều câu chuyện thể hiện được chữ tín của người xưa.
Chu Huy hết lòng giữ chữ tín
Chu Huy thời nhà Hán lúc đang học trường Thái học, có kết giao với Trương Kham là một vị quan hiển hách. Trương Kham kính phục phẩm hạnh của Chu Huy, rất coi trọng ông, nhưng Chu Huy cho là mình chỉ là một học sinh trường thái học, không dám giao du thân thiết với Trương Kham.
Một lần nọ, Trương Kham nói với Chu Huy: “Ông thực sự là một người đáng tin cậy và biết giữ mình, ta có thể giao phó vợ con mình cho ông”.
Đối với Chu Huy mà nói, Trương Kham là một vị tiền bối đức cao vọng trọng, Chu Huy đối với những lời nhờ cậy quan trọng như vậy không biết phản ứng ra sao, chỉ biết chắp tay cung kính đồng ý.
Trương Kham sau khi qua đời, bởi vì ông là quan thanh liêm nên không có tài sản gì để lại, Chu Huy nghe nói gia đình của ông nghèo khó, liền tự mình đi hỏi thăm, cũng thường xuyên lấy tiền lương của mình để tiếp tế.
Con trai của Chu Huy cảm thấy không hiểu nên hỏi ông: “Cha và Trương Kham đại nhân có quan hệ thâm giao lắm sao?”. Chu Huy nói: “Trương Kham từng có lời tin tưởng giao phó cho cha, trong lòng cha đã hứa thì phải giữ lời!”.
Chu Huy còn có một người bạn tên là Trần Ấp. Trần Ấp qua đời từ sớm, để lại con trai là Trần Hữu, Chu Huy thấy vậy cũng hết lòng giúp đỡ. Có một lần, Thái thú Nam Dương mời con trai Chu Huy ra đảm nhận chức quan, Chu Huy từ chối mà đề cử Trần Hữu. Có một năm nọ, Nam Dương xảy ra nạn đói lớn, Chu Huy đem hết tiền bạc trong nhà ra cứu trợ bách tính xung quanh.
Sau này, Chu Huy làm Thượng Thư Lệnh, con của ông là Chu Hàm là thừa tướng, cháu trai Chu Mục đảm nhiệm chức Thứ sử Ký Châu. Mọi người đều nói, đây là là đức hạnh tích lũy của Chu Huy suốt bao năm qua hết lòng giữ lời hứa, lấy việc giúp người làm niềm vui.
(Trích “Hậu Hán Thư”)
Dương Công không tham tài
Danh thần triều Minh là Dương Bác có cha là Dương Công, là một thương nhân, từng kinh doanh ở khu vực Hoài Dương. Lúc ấy có một vị thương nhân buôn muối đến từ Quan Trung, đem theo một nghìn tiền vàng gửi ở Dương gia, nhờ Dương Công tạm thời giữ dùm.
Không ngờ vị thương thương nhân buôn muối kia sau khi rời đi thì không thấy quay trở lại, Dương Công không biết làm sao mới tốt, bèn đem một nghìn tiền vàng chôn giấu trong chậu hoa, mặt trên phủ trồng hoa cỏ, đồng thời phái người đến Quan Trung tìm. Sau này đã tìm được gia đình của thương nhân buôn muối, không ngờ vị thương nhân đó đã qua đời, trong nhà chỉ có một con trai.
Sau khi Dương Công biết được tin tức, liền mời con trai của vị thương nhân đó đến Dương gia, chỉ vào chậu hoa hói: “Cái này là tiền tài mà phụ thân ngươi thuở sinh tiền đã ký thác, hiện tại giao lại cho ngươi mang về!”.
Con trai của thương nhân rất kinh ngạc không dám nhận, Dương Công nói: “Đây là tài sản của nhà ngươi, cớ gì lại từ chối?”. Sau khi kể lại câu chuyện, con trai của thương nhân kia vô cùng cảm động, khấu đầu tạ ơn rồi mang theo số vàng đó về.
Sau này Dương Bác, con trai Dương Công đậu tiến sĩ, làm quan tới chức Thượng thư Bộ lại; con trai của Dương Bác là Dương Tuấn Dân cũng đậu tiến sĩ, làm quan tới chức Hộ bộ Thượng thư.
Dương Công nhận lời nhờ vả của người khác, không vì tiền tài mà động lòng tham, là người có nhân cách đáng tin tưởng, bởi vậy mấy đời con cháu hiền đức được vinh hiển, đủ cho thấy thiên báo hậu đức quả thật chính xác.
Cổ nhân tuân thủ lời hứa, lời nói đi đôi với việc làm, đối với một câu giao phó, có thể làm đến trọn đời không quên, thực sự là người có lương tri, chính nghĩa. Giữ đúng lời hứa là điều cốt lõi của đạo làm người, là yêu cầu tiêu chuẩn của đạo đức đối nhân xử thế, là chịu trách nhiệm với người khác cũng như sự trung thành của lương tâm chính mình.
(Trích “Đức Dục Cổ Giám”)
Tuệ Tâm (Theo NTDTV)
Xem thêm: