Chương Thiên Lượng: Thúc đẩy công nghệ Blockchain, Tập Cận Bình phạm điều tối kỵ
Vào thời điểm diễn ra Hội nghị Trung Ương 4 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Blockchain trở thành từ khóa thu hút nhiều sự quan tâm, hàng loạt cổ phiếu liên quan đến công nghệ Blockchain lập tức tăng giá, tuy nhiên sau đó lại rớt xuống và chững lại. Tại sao mọi thứ chỉ như bong bóng xà phòng? Dưới đây là nhận định của Giáo sư Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang), một chuyên gia về các vấn đề xã hội và chính trị Trung Quốc.
Hội nghị Trung Ương 4 đã bế mạc, trước thời diễn ra hội nghị đã có nhiều đồn đoán liên quan đến việc 7 Thường ủy Bộ Chính trị sẽ tăng lên thành 9 người, hoặc Triệu Lạc Tế có thể gặp chuyện không may. Tuy nhiên hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy những điều tiên đoán đã xảy ra.
Thông cáo sau hội nghị có phần yên ắng, ngoài những ngôn từ hình thức thông dụng thì cũng không có điểm đáng chú ý. Điều này cho thấy đối với các vấn đề ngoại giao và tình hình kinh tế trước mắt, Tập Cận Bình đã có biểu hiện bế tắc. Về mặt chính trị, Tập Cận Bình cũng không chỉ định người nối nghiệp, tạm thời duy trì được địa vị, nhưng cũng không có nghĩa là vị trí đã được củng cố.
Tôi cho rằng tình hình chính trị hỗn loạn là điều tất nhiên, đặc biệt là vấn đề Hồng Kông, chiến tranh thương mại cùng nền kinh tế trượt dốc đã quăng vào Trung Quốc rất nhiều chuyện tồi tệ. Hậu quả của những điều tồi tệ này cũng chưa hoàn toàn lộ rõ. Đối thủ của Tập Cận Bình vẫn là đang chờ đợi cục diện ngày càng tồi tệ hơn. Vậy nên, để tình thế hỗn loạn thêm nữa thì cần có thời gian, nhưng thời gian sẽ không lâu.
Tiếp đây tôi sẽ nói một chút về Blockchain. Đây là một chủ đề nóng gần đây. Một điều rất thú vị là Tập Cận Bình trước Hội nghị Trung Ương 4 đã ra chỉ thị thúc đẩy tốc độ phát triển công nghệ Blockchain. Tôi không cho rằng Tập Cận Bình thật sự hiểu về công nghệ Blockchain, mà cảm thấy như ông ta đang bị người nội bộ lừa gạt. Bởi vì bất kỳ công nghệ nào cũng có mặt lợi và mặt hại.
Đơn cử như Internet, Internet đã giúp thông tin được lưu truyền dễ dàng nhưng đồng thời cũng thúc đẩy lưu truyền tin giả. Thêm vào đó, Internet cũng khiến rất nhiều cơ quan phải đối mặt với các vấn đề về an ninh mạng, ví như trang web chính phủ, công ty công nghệ, ngân hàng cùng hệ thống tài chính… Tôi đoán chừng, Tập Cận Bình chỉ nghe được ưu điểm của Blockchain mà không rõ những tác hại của nó.
Chúng ta hôm nay chỉ nói đơn giản một chút về những điều xảy ra liên quan đến Blockchain. Khi một công nghệ được truyền rộng ra thì điều quan trọng nhất không phải là bản thân công nghệ đó cao cấp đến mức nào mà là nó có tính ứng dụng hay không, và phí tổn cho công nghệ đó như thế nào.
Cũng lại lấy ví dụ về Internet, bản thân công nghệ này cũng không có gì quá phức tạp, mà nó được định nghĩa đơn giản là một giao thức trao đổi thông tin, thực hiện việc tiếp nhận và phân phối tin tức, từ đó các máy tính có thể kết nối với nhau. Tuy nhiên, điểm mấu chốt nhất trong công nghệ này là các lớp phần mềm ứng dụng, ví dụ như trình duyệt (Chrome, IE, Firefox, Safari,…), email, lưu trữ đám mây, còn có video, trình phát âm thanh,… Không có những phần mềm này thì việc kết nối các máy tính với nhau cũng không có ý nghĩa gì. Nói cách khác các phần mềm ứng dụng đã thúc đẩy sự phổ cập của Internet.
Vậy thì Blockchain là gì? Các bạn đã xem mấy bài viết đăng trên Tân Hoa Xã, đều là những bài viết với mở màn hoành tráng, ngôn từ khuôn sáo nghe rất cao thâm. Blockchain nói đơn giản là khối (block) và chuỗi (chain). Chúng là gì thì chúng ta sẽ nói rõ hơn một chút.
Blockchain không phải là công nghệ gì mới mẻ mà đã tồn tại được một thập kỷ, ngoại trừ ứng dụng trên các loại tiền điện tử như Bitcoin thì không có ứng dụng nào khác. Mọi người có thể hình dung nếu như công nghệ Blockchain vô cùng kỳ diệu như thế thì các quốc gia Âu Mỹ sớm đã phát triển và khai thác vô số ứng dụng từ Blockchain, tựa như việc phát triển trình duyệt, email, video dựa trên nền tảng Internet.
Blockchain là liên kết các khối, trong đó dữ liệu mỗi khối đã được mã hóa. Blockchain có một số đặc điểm như sau:
Thứ nhất là nó không có trung tâm, tiền chuyển khoản không cần một cơ cấu hay tổ chức thứ ba như ngân hàng, mà nó là giao dịch hoàn thành trực tiếp điểm – điểm (point to point);
Thứ hai là dữ liệu được phân phối và lưu trữ, điều này có nghĩa là một người chỉ có thể chỉnh sửa dữ liệu do chính mình tạo ra nhưng không có cách nào để sửa đổi vô số bản sao dữ liệu trên Internet, cho nên việc sửa đổi dữ liệu là điều bất khả thi;
Thứ ba là Blockchain chỉ dùng phương thức mã hóa để để đảm bảo an toàn dữ liệu;
Thứ tư là Blockchain chỉ có thể thêm chứ không thể xóa bỏ, bởi mỗi dữ liệu giao dịch được lưu trữ trong một khối và khối này liên kết với khối giao dịch trước và sau nó để tạo thành chuỗi khối, cho nên những người tham gia vào Blockchain có thể nắm bắt được các dữ liệu liên quan, đồng thời có thể chạy dọc theo chuỗi khối để truy vấn dữ liệu cho đến tận giao dịch ban đầu;
Thứ năm là cơ chế đồng thuận cũng chính là cơ chế giúp hoàn thành giao dịch, nghĩa là bắt buộc phải có sự đồng thuận từ tất cả những người tham gia vào Blockchain thì giao dịch mới có thể hoàn thành, điều này gia tăng sức mạnh cho Blockchain.
Căn cứ trên những đặc điểm nói trên của Blockchain, chúng ta hẳn biết ĐCSTQ không thể nào lại ưa chuộng loại công nghệ này, cho nên mới nói Tập Cận Bình nhất định là bị lừa dối rồi.
Bởi vì đầu tiên, ĐCSTQ là một thể chế quốc gia cực quyền, hận lòng không thể kiểm soát và khống chế đến tận chân tơ kẽ tóc, mọi ngóc ngách xã hội. Điều ĐCSTQ muốn không chỉ là nắm giữ mà còn phải không chế, vậy nếu như sử dụng Blockchain thì ĐCSTQ không thể khống chế giao dịch point-to-point này. ĐCSTQ chỉ có thể ngồi đó mà xem các giao dịch phát sinh cùng những dữ liệu không tài nào khống chế được. Đơn cử như Bitcoin, ĐCSTQ hiện nay không thể kiểm soát các giao dịch Bitcoin, do đó nếu người Trung Quốc mua Bitcoin thì việc chuyển khoản có thể không cần phải thông qua ngân hàng Trung Quốc.
Có người cho rằng ĐCSTQ muốn dùng công nghệ Blockchain vì không muốn đồng Đô-la của Mỹ thao khống thế giới, nên nếu tạo ra một loại tiền điện tử của chính mình thì quyết sách giao dịch chẳng phải do mình quyết định sao? Người nói ra những ngôn luận như thế quả thực là chỉ muốn tính kế với ĐCSTQ. Bởi vì thứ nhất, tiền tệ dựa trên sự tín nhiệm, mọi người sở dĩ ưa dùng đồng đô-la cho các giao dịch là vì họ tin tưởng vào đồng đô-la, hoặc chính là tin tưởng vào chính phủ Mỹ.
Giống như nhân dân tệ là dựa vào uy tín của ĐCSTQ mà ĐCSTQ thì có tín nhiệm hay không? ĐCSTQ thì thỏa thuận nào cũng có thể ký kết nhưng rồi sau không hề đếm xỉa đến, hứa hẹn rồi lại tìm cách chống chế, cam kết rồi lại không thực hiện, căn bản là không có tín nhiệm. Vậy nên, ĐCSTQ muốn in nhân dân tệ thì liền in, việc phát hành lượng lớn tiền tệ như vậy đã khiến đồng tiền bị giảm giá trị. Vậy nếu ĐCSTQ phát hành tiền điện tử thì sẽ có tín nhiệm hơn so với nhân dân tệ sao? Sự tín nhiệm của người phát hành và nắm giữ tiền này căn bản không có gì thay đổi.
Thứ hai, nếu như dựa vào tín nhiệm tự thân của tiền tệ, ví dụ như Bitcoin, nó là không thể được phát hành vô tội vạ, theo lý mà nói thì chính là có thể đối kháng lạm phát. Bitcoin có thể nói là một kiệt tác mật mã. Nguyên lý nghiệm chứng cơ chế hoạt động của Bitcoin tương đối phức tạp và đại đa số vẫn chưa lý giải hết được. Bitcoin được vận hành bởi hàng loạt chương trình, một điểm đặc thù khá thú vị là tổng sản lượng Bitcoin được căn cứ theo tốc độ gia tăng đã được lập trình cụ thể theo chu kỳ (tốc độ gia tăng lượng tiền đã được lập trình sẵn).
Những người ủng hộ Bitcoin cho rằng nhờ đó mà đồng tiền này có thể bảo trì tính độc lập, không tạo ra cục diện lạm phát như giao dịch tiền tệ thông qua ngân hàng trung ương. Dựa theo chương trình cài đặt sẵn từ đầu này, số lượng Bitcoin đến năm 2140 sẽ là 21 triệu. Không có khả năng tạo ra lạm phát thì đương nhiên là sẽ đối kháng lại sự lạm phát, mà ĐCSTQ lại thông qua lạm phát để cướp đoạt tiền tài trong nhân dân. Vậy thì làm sao ĐCSTQ có thể tiếp nhận?
Tiếp nữa là Blockchain còn có vấn đề về kỹ thuật mã hóa. Kỹ thuật mã hóa không thể nào phá giải được do giới hạn khả năng tính toán của máy tính. Một khi máy tính lượng tử ra đời thì tốc độ tính toán sẽ được tăng lên đến vài tỉ lần, ví dụ như máy vi tính siêu cấp truyền thống có thể mất 10.000 năm để phá giải mật mã, thì thiết bị vi tính lượng tử chỉ cần 3 đến 4 phút. Những cái này là thực nghiệm đã chứng minh. Như vậy đợi đến khi trình độ phát triển của máy tính điện tử phát triển đến mức đó, thì tất cả các mật mã đều có thể bị công phá, dữ liệu mật mã bên trong Blockchain cũng sẽ bị công phá.
Nếu nói như vậy thì công nghệ Blockchain hiện tại có thể đủ khả năng để ngăn chặn việc giả mạo, trong khi đó gian lận và giả dối là tập tính của ĐCSTQ. Năm đó Chu Dung Cơ vốn không có thói quen “đề từ” (lưu bút tích), nhưng khi đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã “phá lệ” 3 lần vào dịp thành lập Học viện Kế toán Quốc gia, khi đó ông viết “Không làm giả sổ sách”, đây rõ ràng là một chỉ thị đủ để trở thành khẩu hiệu của viện. ĐCSTQ nếu không gian lận thì liệu có thể sống sót không?
Truyền thông Trung Quốc hôm 27/10 đưa tin ông Tập Cận Bình tại buổi học tập tập thể lần thứ 18 của Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ ngày 24/10 đã nhấn mạnh chú trọng vào xu thế phát triển công nghệ Blockchain. Ngay hôm sau (28/10), thị trường giao dịch chứng khoán vào thời điểm mở cửa, các cổ phiếu liên quan đến công nghệ blockchain lập tức tăng giá và được hâm ngày càng nóng bởi các bài viết từ các cơ quan truyền thông Trung Quốc. Giá Bitcoin cũng tăng vọt và chạm ngưỡng 9548,84 USD. Tuy nhiên, độ nóng nhóm cổ phiếu liên quan đến Blockchain vẻn vẹn chỉ duy trì được nửa ngày sau, phần đông lập tức bán tháo cổ phiếu mua được, giá các loại cổ phiếu này thậm chí rớt xuống và chững lại.
Điều này cho thấy, công nghệ Blockchain tạo biến động thị trường chứng khoán cũng thay đổi rất nhanh, điều này đã nói rõ Tập Cận Bình vì để đối phó với tình hình kinh tế tồi tệ hiện nay, đã hy vọng thông qua thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới để tăng điểm thị trường, nhưng rất nhanh đã bị thị trường nhìn thấu.
Điều này nói rõ hai vấn đề, Tập Cận Bình đã “to gan lớn mật” đề xuất một loại công nghệ mà chính bản thân ông cũng không hiểu rõ, vậy chẳng phải ông ta căn bản đã không nghe ý kiến trái chiều, đây là điều tối kỵ của người ra quyết định. Bởi người quyết định nhất thiết phải cân nhắc toàn diện các phân tích lợi hại rồi mới có thể đưa ra quyết sách.
Đối với một sự tình nhỏ như thế này, ông ta cũng không thể nghe thấu đáo ý kiến nhiều bên, điều này cho thấy cơ chế ra quyết sách đã có vấn đề. Thứ hai là động thái nhanh và mạnh bạo của Tập Cận Bình lần này đã cho thấy ông đang nóng lòng mong đột phá tình trạng khủng hoảng kinh tế. Như vậy rõ ràng tình hình kinh tế đang sa sút nghiêm trọng.
Tổng thống Donald Trump sắp tới có thể sẽ tiến hành ký kết hiệp định thương mại giai đoạn 1. Tôi từng nói đây không phải điều quan trọng bởi cho dù có ký kết cũng không cứu vãn được cục diện tồi tệ này bởi chuỗi ngành (industry chain) đã chuyển dời khỏi Trung Quốc. Hơn nữa hiện tại ông Trump cũng không dỡ bỏ hàng rào thuế quan. Do vậy khủng hoảng kinh tế sẽ không được khắc phục dẫu cho hiệp định thương mại có được ký kết.
Khải Hoàn (Theo SOH)
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của Tinhhoa.net