Chiếc iPhone tiếp theo có thể sẽ do “Đội quân” phụ nữ lương 4 đô/ngày này làm ra
Câu chuyện về các nhân viên làm việc tại Foxconn, một công ty đang ‘tìm đường’ đến Ấn Độ để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Vào một buổi sáng nóng ẩm ngày Chủ Nhật, hàng tá những chiếc xe bus đỗ bên ngoài một khu nhà xuống cấp màu xanh tại Andhra Pradesh vùng Nam Ấn Độ. Những người phụ nữ trong bộ quần áo salwar kameezes sặc sỡ, khăn choàng cuốn quanh thân hình nhỏ nhắn bước qua những bụi cỏ để lên xe, đi qua tấm poster với khẩu hiệu “Mục đích của chúng tôi: không xảy ra tai nạn”.
Ca làm tối của cơ sở lắp ráp smartphone Foxconn của thành phố Sri sắp kết thúc, hàng ngàn người phụ nữ đổ ra từ đây, và hàng ngàn người khác lại đi vào để thay thế họ. Một trong số đó là Jennifer Jayadas, một người phụ nữ 21 tuổi, cao và gầy, hiện đang sống tại một căn hộ xuống cấp cách đó 2 dặm, thậm chí còn không có nước sạch chạy qua.
Sau khi ăn xong bữa sáng được phát miễn phí tại cơ sở, bao gồm một miếng bánh mì, cà ri đậu và khoai tây, cô mặc chiếc áo lao động trắng, đôi giày chống tĩnh điện và găng tay. Sau đó cô đi tới khu làm việc của mình, nơi cô sẽ dành 8 tiếng tiếp theo để kiểm tra chất lượng của các phím chỉnh âm lượng, bộ rung và nhiều tính năng khác của các smartphone. Cô chia sẻ: “Smartphone trước đây đều được làm ở Trung Quốc, nhưng giờ chúng được làm tại đây!”
Foxconn, hay còn có tên khác là Hon Hai Precision Industry Co. mở cơ sở đầu tiên của mình tại Ấn Độ vào 4 năm trước. Hiện hãng có 2 cơ sở lắp ráp, cùng với kế hoạch để mở rộng thêm 2 cơ sở nữa. Ấn Độ hiện là một trong những thị trường quan trọng trong việc lắp ráp sản phẩm của hãng có trụ sở tại Đài Loan này, khi mà họ muốn giảm sự phụ thuộc của mình vào Trung Quốc.
Việc thành công tại thị trường Ấn Độ đang càng trở nên cấp thiết với Foxconn, trong tình hình chính phủ Mỹ của tổng thống Donald Trump đang tổ chức một cuộc chiến tranh kinh tế với Trung Quốc, đánh thuế hàng ngàn sản xuất công nghệ khác nhau – trong đó có sản phẩm của những đối tác lớn của Foxconn là Apple và Amazon.
Vào tháng 8, ông Trump cũng đã ra lệnh cho các công ty của Mỹ phải chuyển dây chuyền sản xuất của mình từ Trung Quốc về nước mình, lấy lý do về an ninh quốc gia. 2 ngày sau đó lệnh này đã bị bỏ, nhưng cũng làm nhiều công ty có một phen ‘hú vía’, vì công tác này sẽ làm họ tốn rất nhiều tiền, cả về ngắn hạn lẫn dài hạn.
Josh Foulger, quản lý của Foxconn Ấn Độ chia sẻ: “Trong kinh doanh, nước đi khôn ngoan đó là không để tất cả những quả trứng của mình trong một giỏ. Chúng tôi phải đi tìm những thị trường thay thế, và phải là những thị trường có tiềm năng. Foxconn cũng có thể mở cơ sở tại Mexico, nhưng thị trường này đã không còn lý tưởng như 10 năm về trước nữa rồi.”
Ông Foulger, 48 tuổi, lớn lên tại vùng Chennai và học tại trường Đại học Texas Arlington, sau đó trở lại Ấn Độ để xây dựng nhà máy sản xuất cho Nokia tại quê nhà. Ông cũng đã vào làm việc cho Foxconn 4 năm trước để giúp đỡ Terry Gou xây dựng nhà máy tại Ấn Độ, hiện đang là thị trường smartphone phát triển nhanh nhất Thế giới.
Nhà máy đầu tiên của Foxconn được thành lập vào 2015 tại thành phố Sri, một vùng kinh tế của Ấn Độ với chính sách mở cửa để giao thương với nước ngoài. Hiện cơ sở này đã có tới 15.000 nhân công, trong số đó có tới 90% là phụ nữ, làm công việc lắp ráp các sản phẩm công nghệ – trong đó cũng có cả những sản phẩm được người dân Ấn Độ rất ưa dùng của Xiaomi. Trong những tháng gần đây, cơ sở này cũng được giao trọng trách lắp ráp và kiểm tra chất lượng iPhone X, sau đó được bán ra tại Ấn Độ và xuất khẩu cho các nước khác nữa.
Cơ sở thứ hai tại Sriperumbudur được thành lập vào 2017, cách 2 giờ đi xe từ cơ sở đầu tiên. Tại đây có 12.000 nhân công và được thiết kế dạng bán tự động hóa. Theo ông Foulger thì đến 2023, hãng sẽ mở rộng cả 2 điểm này, và mở thêm 2 cơ sở mới nữa.
Foxconn hiện vẫn phải nhập linh kiện từ Trung Quốc, nhưng mong rằng sẽ sớm sản xuất được màn hình và bảng mạch tại Ấn Độ. Foulger đang hướng tới việc chiếm lĩnh được 1/3 thị trường smartphone trong nước và 10% trên toàn cầu (hiện đang ở mức 2.5%). Ông cũng muốn nước mình có thể sản xuất được sản phẩm khác nữa, như chiếc loa Amazon Echo chẳng hạn. “Hiện tại Ấn Độ đang sản xuất để ‘tự cung tự cầu’, nhưng sớm thôi Ấn Độ sẽ sản xuất cho cả Thế giới.”
Ngồi bên trong một căn phòng nhìn xuống cơ sở Sriperumbudur, vị quản lý chia sẻ những ‘bí quyết’ làm nên sự thành công của Ấn Độ: giá nhân công chỉ bằng một nửa Trung Quốc, nguồn kỹ sư dồi dào và một chính phủ rất muốn phát triển.
Những công ty như Foxconn có một mối quan hệ thân thiết với thủ tướng Narendra Modi, người đang phải chịu áp lực lớn của tình trạng thất nghiệp tại Ấn Độ, hiện đã vượt qua mức 6%. Chính sách ‘Làm tại Ấn Độ’ (Make in India) hiện đã tới năm thứ 4, với mục đích là thu hút những công ty nước ngoài mở cơ sở tại nước này. Pankaj Mahindroo, người đứng đầu ngành Viễn thông và điện tử Ấn Độ chia sẻ: “Kế hoạch của chúng tôi là đưa ngành sản xuất smartphone hiện có trị giá 25 tỷ USD lên 400 tỷ USD vào năm 2024, với một lượng lớn là dành cho xuất khẩu.”
Đây chắc chắn sẽ là một con đường gian nan: Hiện chiến dịch mới chỉ tạo được 700.000 việc làm, theo như số liệu từ nhóm phân tích của Mahindroo. Những nhân công tay nghề cao như nhà thiết kế công nghiệp hiện vẫn chiếm số ít trong đó, và cũng chưa có nhiều nhà cung ứng trong nước có thể sản xuất được pin, thiết bị bán dẫn hoặc vi xử lý. “Ấn Độ vẫn chưa đạt thành công, nhưng mọi thứ đang đúng theo kế hoạch. Hiện tại những gì Ấn Độ có thể làm là tăng tốc độ lắp ráp để giúp Thế giới giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.”
Foxconn đã đóng góp một phần quan trọng vào việc đưa Trung Quốc trở thành ‘công xưởng của Thế giới’, và theo như những nhà quản lý thì Foxconn cũng sẽ làm điều tương tự với Ấn Độ. Quá trình này cũng đã phải diễn ra trong suốt 30 năm với Trung Quốc. “Trung Quốc có lợi thế về nguồn nhân công vô cùng dồi dào, họ cũng đã đầu tư rất nhiều vào vấn đề giao thông vận tải” – Andrew Polk một đối tác của Trivium China, một công ty nghiên cứu tại Bắc Kinh chia sẻ. “Kể cả khi họ có nguồn nhân công nhỏ hơn, thì vẫn có lợi thế về năng suất.”
Để Ấn Độ có thể bắt kịp được với Trung Quốc đòi hỏi họ phải đầu tư rất nhiều vào đường xá, cơ sở vật chất để vận chuyển hàng hóa và nhiều thứ khác nữa. “Khi Trung Quốc bắt đầu phát triển, các thị trường khác đang rất phân mảnh và không có sự cạnh tranh với họ. Ấn Độ không những phải thành công, mà còn phải thành công hơn cả Trung Quốc để bắt kịp. Chiến tranh kinh tế Mỹ – Trung cũng là một lợi thế, nhưng cũng nhỏ mà thôi. Trung Quốc còn phát triển mà không quan tâm tới môi trường, hiện nay luật môi trường đã thắt chặt hơn rất nhiều.”
Với kinh nghiệm 20 năm với các chuỗi cung ứng khác nhau ở trong nước (Ấn Độ) và ngoài nước, ông Foulger biết rất rõ về những trở ngại này. “Tôi có thể ngồi đây vểnh râu và nói rằng Ấn Độ có thể bằng được Trung Quốc trong một sớm một chiều. Nhưng trên thực tế thì chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn”. Mặc dù chính phủ cung cấp địa điểm, nước và điện cho các cơ sở sản xuất của Foxconn, Dell hay Flextronics – các nhà máy này vẫn phải thu mua nước từ những vùng lân cận để đủ cho nhu cầu của hàng ngàn công nhân tại đây.
Ông Foulger ngay từ ban đầu đã có ý định tuyển nhân công đa phần là phụ nữ. Việc tuyển phụ nữ ở Trung Quốc rất phổ biến, nhưng lại là điều lạ ở Ấn Độ – vì họ thường được phân công việc nhà hoặc nông nghiệp. Phụ nữ ở vùng xung quanh các cơ sở lắp ráp thậm chí còn không được phép làm việc các ca đêm, cho tới khi chính phủ vào cuộc và xóa bỏ những hủ tục này.
Người đưa ra ý tưởng này chính là mẹ của ông Foulger, người rất tâm huyết với việc cho những người phụ nữ cơ hội được đi làm. Bà là một giáo viên, thường xuyên nhìn thấy các học sinh nữ của mình bị đối xử bất công; bà cũng đã nói với ông rằng phụ nữ ở đất nước này có tiềm năng rất lớn, chăm chỉ và chịu khó, nhưng thường không thành công vì không được cho những cơ hội phù hợp. Nhiều người không được đi học, bị bắt đi làm sớm hoặc cưới chồng khi còn nhỏ tuổi.
Các nhà máy được ông Foulger phải được điều chỉnh lại để phù hợp với phụ nữ, như việc tăng nhiệt độ của điều hòa để họ không bị lạnh, hay đặt băng vệ sinh phụ nữ trong nhà vệ sinh. Foulger cũng phải chi trả thêm tiền cho công tác an ninh, xây dựng các khu nội trú cho những nhân công có nhà ở xa. Nhưng theo ông thì tất cả những điều này đều xứng đáng, vì “phụ nữ thường làm việc chăm chỉ và rất biết ơn khi được giúp đỡ.”
Trước đây Foxconn đã bị nhiều người chỉ trích vì tạo không gian làm việc nguy hiểm cho những nhân viên của mình tại Trung Quốc. Không thiếu những vụ nhân viên gặp stress, thậm chí dẫn đến tự tử làm chấn động dư luận. Hãng từ đó đã phải tăng lương, tạo đường dây hỗ trợ tâm lý và thậm chí chăng lưới để tránh những vụ tự tử trong tương lai. Tháng 8 vừa qua, hãng đã phải đuổi việc 2 người quản lý, sau khi nhiều nhân viên nói rằng họ bị 2 người này cho giảm lương để chống lại tình hình chiến tranh kinh tế với Mỹ.
Tình hình ở Ấn Độ thì khác biệt hoàn toàn, điều kiện làm việc ở đây rất tử tế. Nhân viên tại đây chỉ phàn nàn về sự lặp đi lặp lại trong công việc. Từ giây phút đầu tiên họ bước chân vào nhà máy cho tới khi bước ra 8 tiếng sau đó, tất cả công việc đều rất giống nhau. Sản lượng sản phẩm hàng ngày phải được đảm bảo. Hàng dài những người phụ nữ lắp ráp từng chiếc smartphone, sau đó kiểm tra kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Shivaparvati Kallivettu, 24 tuổi, chia sẻ rằng thời gian nghỉ ngơi thoải mái nhất của cô là bữa ăn đầu ngày, khi mà cô có thể tán gẫu với 4 người bạn thân nhất của mình.
Đa phần phụ nữ tại đây đi làm với một mục đích nhất định, như muốn cho con của mình đi học ở những trường tốt hơn hoặc trả nợ cho gia đình. Công việc này đưa họ ra khỏi sự nghèo đói. Jayadas được trả 9,000 rupees một tháng (130 USD, tức khoảng bằng 1/3 so với mức lương trung bình tại Trung Quốc), những chuyến xe bus được cung cấp miễn phí, cùng với 2 bữa ăn đầy đủ hàng ngày. Mỗi người được dạy 10 kỹ năng cơ bản, để họ có thể chuyển công việc trong cùng một dây chuyền sản xuất. Một số người thì coi đây là một công việc tạm thời. Có gần 400 người thường xuyên nghỉ việc.
Sau ca làm việc, cô Jayadas lên xe bus và về nhà với gia đình trước 4 giờ chiều. Cô giúp việc nhà, cũng như đi lấy 12 xô nước từ một trạm bơm ở gần đó. Cha cô kiếm tiền bằng công việc sửa chữa đầu DVD, nhưng cũng chả kiếm được bao nhiêu, nên số tiền mà cô kiếm được đều được sử dụng để phụ giúp gia đình. Cô chỉ lên mái nhà lụp xụp của mình: “Đầu tiên là phải sửa căn nhà này đã. Sau đó tôi muốn tiết kiệm để đi học một khóa làm đẹp (trang điểm).”
Theo Trí Thức Trẻ
Xem thêm:
Ấn Độ: Thương nhân kêu gọi tẩy chay, đánh thuế 500% hàng hóa Trung Quốc
Vì sao Ấn Độ có hàng ngàn nhóm thiểu số nhưng vẫn chung sống hòa bình?
Sự thật về quỹ từ thiện Bill Gates: Thử nghiệm vắc-xin trái phép trên 30.000 bé gái Ấn Độ