Vì sao Ấn Độ có hàng ngàn nhóm thiểu số nhưng vẫn chung sống hòa bình?
Ấn Độ luôn khiến nhiều người phải túng túng tự hỏi làm thế nào một quốc gia với hàng trăm sắc tộc và nền văn hóa khác nhau lại có thể duy trì được sự gắn kết như vậy. Có hai lý do chính sau đây.
Hệ thống đẳng cấp
Hệ thống đẳng cấp ở Ấn Độ thường được hầu hết các học giả mô tả như thứ gì đó rất xấu xa. Hệ thống này vẫn tồn tại nhiều vấn đề nghiêm trọng, như sự phân biệt đẳng cấp “tiện dân” – tầng lớp thấp nhất ở Ấn Độ, tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng hệ thống đẳng cấp thực sự đã giúp Ấn Độ duy trì bình yên và hòa thuận giữa các sắc tộc khác nhau trong hàng nghìn năm.
Cấu trúc xã hội của Ấn Độ từ xưa đến nay đều bị chi phối bởi một hệ thống đẳng cấp cứng nhắc. Tất cả các công việc được phân công trên cơ sở đẳng cấp. Có đẳng cấp sẽ quản lý công việc kế toán, đẳng cấp khác tham gia vào các công việc giao thương, có đẳng cấp lại kiếm sống nhờ nghề làm gốm; và còn có đẳng cấp đảm nhiệm những công việc người hầu, vũ công, v.v…
Các thành viên trong từng đẳng cấp được đào tạo theo kiểu cha truyền con nối để lập nghiệp với những công việc trong phạm vi đẳng cấp của mình. Mặc dù nghe có vẻ như đây là một hệ thống hạn chế, nhưng thực chất điều này lại có tác động vô cùng tích cực trên một phương diện khác – đó là giúp duy trì sự hài hòa giữa các sắc tộc.
Bất kì một hành động nào đi ngược với chuẩn mực xã hội cũng sẽ khiến người đó bị trừng phạt, không chỉ bởi cả xã hội, mà còn bởi những người cùng tầng lớp với họ. Hệ thống này gắn liền với các nghề nghiệp được định sẵn và mọi người cũng không hề có ý định tiến xa hơn, cho thấy trong công việc không tồn tại tiềm năng bạo lực sắc tộc nào.
Hệ thống đẳng cấp còn có thêm một lợi thế khác – đó là hạn chế vấn nạn một số ít dân tộc sẽ độc chiếm tất cả kế sinh nhai trong lãnh thổ. Ví dụ, một đẳng cấp chuyên kinh doanh dệt may, nếu thành công họ có thể đủ điều kiện đầu tư vào các ngành kinh doanh khác như đồ gốm, thủ công mỹ nghệ… Nhưng vì bị cấm làm như vậy, nên họ không bao giờ có thể độc chiếm các lĩnh vực khác.
Những người đảm đương kinh doanh đồ gốm và thủ công mỹ nghệ vẫn tiếp tục ngành nghề của mình, mặc dù họ yếu tài chính hơn các thương nhân dệt may.
Mặt trái của đẳng cấp xã hội
Nhiều người sinh ra trong một đẳng cấp nhất định bị hạn chế cơ hội việc làm, cũng như quyền sống. Họ không thể kết hôn, ăn mặc giống những đẳng cấp khác, hay đặt tên con cái theo ý mình. Cùng với các cuộc xung đột sắc tộc quy mô lớn vẫn tồn tại trong xã hội Ấn Độ, quyền bình đẳng giữa các đẳng cấp cũng là một thứ vô hình.
Ở Ấn Độ, người thuộc đẳng cấp thấp kém không thể ngồi chung mâm với các đẳng cấp cao hơn, hoặc vẫn còn xảy ra các cuộc giết chóc thị uy chỉ vì vi phạm quy tắc đẳng cấp. Điều đó khiến chúng ta tự hỏi đó có phải là truyền thống tốt đẹp? Một xã hội thiếu tự do và phân chia đẳng cấp như vậy là một trong những lý do khiến nhiều người Ấn Độ vẫn sống dưới mức nghèo khổ, khiến quốc gia này bị kìm hãm sự phát triển.
Chủ nghĩa thế tục Ấn Độ
Ấn Độ giáo chiếm đa số ở Ấn Độ, ba tôn giáo lớn khác của thế giới là Phật giáo, Kitô giáo và Hồi giáo cũng có mặt ở đây. Ngoài ra còn có một số tôn giáo khác…
Một khía cạnh to lớn giúp duy trì hòa bình giữa các dân tộc chính là truyền thống thế tục cố hữu của Ấn Độ. Ấn Độ luôn đảm bảo tất cả các nhóm tôn giáo có quyền tự do thể hiện đức tin mà nhà nước không thể can thiệp hay cưỡng chế. Điều này đảm bảo rằng các dân tộc có thể duy trì truyền thống tín ngưỡng riêng, và các tôn giáo lớn ít có khả năng áp đặt tín ngưỡng để đồng hóa các tôn giáo nhỏ.
Như vậy, hệ thống đẳng cấp và truyền thống tâm linh sâu sắc của Ấn Độ đã dạy mọi người rằng người nào cũng có thể có đức tin và thần linh hiện diện dưới những tên gọi và hình thức thờ phụng khác nhau. Điều đó còn ngăn chặn phát sinh các cuộc xung đột sắc tộc quy mô lớn ở Ấn Độ. Ngày nay, Ấn Độ đang chú trọng bài trừ những yếu tố tiêu cực do phân biệt đẳng cấp mang đến. Họ liên tục tôn vinh truyền thống của tất cả các đẳng cấp, một động thái chắc chắn sẽ cải thiện sự hòa hợp nội bộ giữa nhiều sắc tộc.
Xuân Nhạn, theo VT