Chân dung thần tiễn từng suýt lấy mạng Thành Cát Tư Hãn bằng một mũi tên
Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Thành Cát Tư Hãn đã chỉ huy 32 chiến dịch lớn với 65 trận đánh, chinh phục được 31 triệu km2 đất đai, nhiều hơn bất cứ nhân vật nào trong lịch sử. Tuy nhiên, trong cuộc chinh phục bộ tộc Tần Diệc Xích Ngột vào năm 1201, Thành Cát Tư Hãn bất ngờ bị trúng một mũi tên hiểm, khiến ông suýt mất mạng.
Can đảm nhận là người bắn bị thương Thành Cát Tư Hãn
Nhờ quân số đông và mạnh hơn đối thủ, dù bị tên bắn khiến mình ngã ngựa suýt mất mạng, Thành Cát Tư Hãn cũng dành được chiến thắng và bắt sống được nhiều tù binh của bộ tộc Tần Diệc Xích Ngột (Taijut). Với mong muốn thống nhất các bộ tộc Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn đã trò chuyện với các tù binh nhằm thu phục họ.
Trong cuộc nói chuyện, bất ngờ Thành Cát Tư Hãn hỏi ai là người bắn mũi tên khiến ông suýt chết. Tất cả tù binh đều giật mình im lặng, họ sợ rằng kẻ bắn mũi tên ấy chắc phải chết. Bấy giờ một tù binh bất ngờ đứng dậy và nhận rằng chính mình đã bắn mũi tên này.
Người tù binh ấy tên là Chích Nhi Khoát A Ngạt (Hán Tự: 只儿豁阿歹). Anh cũng nói rằng chẳng có gì phải ân hận khi bắn mũi tên ấy và anh cũng không sợ chết. Anh phó thác sự sống chết cho số mệnh.
Nhận thấy sự can đảm và dũng khí của người tù binh này, Thành Cát Tư Hãn không những không giết anh, mà còn cho anh giữ chức chỉ huy một đội quân hộ vệ cho mình. Từ “cựu thù”, vị Khả Hãn có nhãn quan hơn người đã nhanh chóng chỉ định Chích Nhi Khoát A Ngạt vào hàng ngũ thủ lĩnh quân sự trong đại quân của ông.
Cuộc thi tiễn thuật kỳ lạ
Chẳng bao lâu, danh tiếng của viên chỉ huy Chích Nhi Khoát A Ngạt đã nổi như cồn. Quân Mông Cổ khâm phục anh vì tài thiện xạ, và gọi anh là Thần Tiễn. Tin tức chẳng mấy chốc đến tai Thành Cát Tư Hãn khiến ông rất thích thú.
Đội quân Mông Cổ vốn rất giỏi cưỡi ngựa và bắn tên, nhiều người đều có khả năng vừa cưỡi ngựa vừa bắn tên rất chuẩn xác. Ấy vậy mà họ lại khuất phục đặt cho viên chỉ huy đó danh hiệu Thần Tiễn. Điều này chứng tỏ anh ta không hề tầm thường.
Người có sức mạnh, giỏi võ nghệ và cung tiễn nhất trong hàng ngũ quân Mông Cổ lúc bấy giờ là Đại tướng quân Bác Nhĩ Truật. Danh tiếng Bác Nhĩ Truật đã nổi khắp đại mạc rồi. Thế là Thành Cát Tư Hãn nảy ra ý định muốn để viên chỉ huy Chích Nhi Khoát A Ngạt thi tài bắn cung với Bác Nhĩ Truật.
Cuộc thi bắt đầu. Hai người cưỡi trên hai con ngựa cầm cung tên. Thế nhưng Chích Nhi Khoát A Ngạt chỉ cần cung mà không cần tên. Điều này khiến nhiều người rất bất ngờ. Tất cả đều tự hỏi: Anh ta làm thế nào bắn đối thủ?
Bác Nhĩ Truật từng nghe nói đến bản lĩnh của đối thủ, nên dù danh tiếng nổi khắp đại mạc nhưng ông dám xem thường. Vị Đại tướng quân đoán định rằng đối thủ sẽ bắt lấy tên của mình để bắn trả.
Hai người cưỡi ngựa đứng ở hai đầu, tỷ thí cung tiễn theo cách của người Mông Cổ. Bác Nhĩ Truật thúc ngựa tấn công và bắn trước. Chích Nhi Khoát A Ngạt không có tên để bắn nên thúc ngựa chạy.
Bác Nhĩ Truật bắn hai mũi tên, nhưng cả hai lần đối thủ đều tránh được. Đến khi Bác Nhĩ Truật bắn mũi tên thứ ba thì Chích Nhi Khoát A Ngạt tránh được và bắt được tên. Ngay lập tức, anh dùng tên này bắn hạ Bác Nhĩ Truật. Tuy nhiên do anh cố tình bẻ gãy mũi tên nên nó chỉ làm Bác Nhĩ Truật bị thương nhẹ.
Sau cuộc tỉ thí, tất cả đều khâm phục viên chỉ huy. Thành Cát Tư Hãn liền đặt tên cho Chích Nhi Khoát A Ngạt là Triết Biệt (哲別; phiên âm trong tiếng Mông Cổ nghĩa là Thần Tiễn) nhằm kỷ niệm cuộc gặp gỡ ấn tượng với anh cũng như cuộc thi bắn tên lý thú này.
Vị tướng tài lừng danh thế giới
Thành Cát Tư Hãn đã không nhìn nhầm người. Triết Biệt với tài năng bắn tên bách phát bách trúng đã cầm quân và lập được nhiều chiến công lớn. Ông cũng trung thành tuyệt đối với Thành Cát Tư Hãn. Cùng với Tốc Bất Đài, Triết Biệt trở thành danh tướng kiệt xuất đánh đâu thắng đó, giúp Đế Chế Mông Cổ chinh phạt khắp châu Á đến châu Âu.
Trận đánh nổi tiếng của Triết Biệt là trận đánh bên bờ sông Kalka vào năm 1223. Lúc đó, Triết Biệt và Tốc Bất Đài được giao nhiệm vụ mở rộng lãnh thổ Mông Cổ về phương bắc, hướng đến vương quốc Kievan Rus (nước Nga, Ukraine và Belarus ngày nay).
Quân Mông Cổ ban đầu đánh chiếm các vùng đất dọc theo biển Caspian, tiến vào lãnh thổ vương quốc Kievan Rus. Người Nga và các đồng minh chặn đánh quân Mông Cổ ở khu vực sông Dnieper. Triết Biệt giả vờ tháo lui, khiến kẻ thù truy đuổi theo suốt 9 ngày.
Đến sông Kalka, Triết Biệt bất ngờ đưa quân quay lại đánh thẳng vào quân Nga. Trong trận chiến quyết định bên bờ sông Kalka, dưới sự chỉ huy của ông, 2 vạn quân Mông Cổ đã đánh tan 8 vạn liên quân Nga. Chiến thắng này mở đường để quân Mông Cổ sau này đánh vào Moscow, chiếm trọn nước Nga và vươn tầm ảnh hưởng khắp Đông Âu.
Dù là tướng tài, nhưng Triết Biệt lại mất sớm. Sau quãng thời gian dài chinh phạt vùng đông bắc. Triết Biệt lên đường trở về Mông Cổ và qua đời trên đường đi vào năm 1225. Sử sách chép rằng ông mất vì bị sốt cao không giảm, không rõ bệnh gì nhưng không kịp quay về quê hương.
Tài năng của Triết Biệt cho thấy tài dùng người của Thành Cát Tư Hãn, ông đã xây dựng quân đội dựa trên việc tuyển chọn nhân tài chứ không dựa trên vị trí xã hội hay mối quan hệ quen biết. Thậm chí ông cũng học hỏi ngay từ chính tù binh hay những người bị mình đánh bại.
Nếu như Triết Biệt xuất phát từ hàng quân thì một danh tướng khác của Mông Cổ là Tốc Bất Đài vốn xuất thân từ gia đình thợ rèn. Ông khởi đầu từ lính mới nhập ngũ với cấp bậc thấp nhất, nhưng nhanh chóng trở thành cánh tay phải của Thành Cát Tư Hãn nhờ những chiến tích của mình.
Thiện Thành (t/h)