Các nhà khoa học khám phá ra cây cũng có “nhịp tim”
Bạn có thể không bao giờ nhận thấy, nhưng cây vẫn rung động mặc dù không có gió. Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng cây cối chuyển động mỗi phút và theo vòng tuần hoàn như thể chúng có “nhịp tim” riêng của mình.
Các nhà nghiên cứu từ Đan Mạch và Hungary đã kiểm tra chuyển động qua đêm của 21 loài cây bằng cách sử dụng công nghệ quét laser trên mặt đất – một kỹ thuật khảo sát 3 chiều có độ chính xác cao.
Các nhà nghiên cứu phát hiện những thay đổi định kỳ thường xuyên trên toàn bộ cây và ngắn hơn một chu kỳ ngày đêm. Ở một số cây, các cành cây di chuyển lên xuống khoảng 1 centimét. Một số cành di chuyển đến 1,5 cm.
Andras Zlinszky tại Đại học Aarhu cho biết: “Chúng tôi đã phát hiện ra một dạng chuyển động chưa từng biết đến trước đây. Nó diễn ra trên từng centimét trong vòng hai đến sáu tiếng đồng hồ”.
Sau khi nghiên cứu hoạt động về đêm của cây, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một nguyên lý về ý nghĩa của những chuyển động này. Họ tin rằng đó là dấu hiệu cho thấy cây đang bơm nước từ rễ lên. Về bản chất, đó là một loại “nhịp tim”.
Zlinszky và Barfod đã giải thích nguyên lý này trong nghiên cứu mới nhất của họ trên tạp chí Plant Signaling and Behavior.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chưa biết rõ làm thế nào cây có thể bơm nước từ rễ lên các bộ phận còn lại. Họ cho rằng có thể thân cây đã nhẹ nhàng co bóp và đẩy nước lên trên thông qua các mạch gỗ – một hệ thống mô trong thân cây có nhiệm vụ chính là vận chuyển nước và chất dinh dưỡng từ rễ lên cành lá.
Chuyển động sinh học
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng các yếu tố khác cũng sẽ tác động đến chuyển động của cây. Giống như một số nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học cũng phát hiện ra cây cối thường hạ thấp cành vào ban đêm và bước vào một “chu kỳ giấc ngủ”.
Trong năm 2016, Zlinszky và nhóm của ông đã công bố một nghiên cứu cho thấy cây bạch dương thường “đi ngủ” vào ban đêm.
Các nhà nghiên cứu cho rằng các nhánh cây bạch dương thường hạ xuống thấp trong đêm do áp lực nước bên trong cây bị giảm. Ban đêm, cây không thể quang hợp để chuyển ánh sáng Mặt trời thành các loại đường đơn, nhưng cây có khả năng tiết kiệm năng lượng bằng cách cho các cành nghỉ ngơi.
Những chuyển động của cành bạch dương thuộc về quá trình sinh học theo chu kỳ ngày đêm. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng các chuyển động mới được phát hiện nói trên không giống vậy vì chúng chuyển động theo chu kỳ thời gian ngắn hơn nhiều.
Hồng Liên (t/h)