Bộ Tư Pháp Mỹ: Nam giới người Mỹ gốc Phi bị đối xử bất công là “hiện tượng phổ biến”
Bộ trưởng tư pháp William Barr cho biết, ông tin rằng Mỹ đang tồn tại một “hiện tượng phổ biến”, đó chính là nam giới người Mỹ gốc Phi thường bị các cơ quan thực thi pháp luật đối xử khác biệt với các công dân bình thường, Epoch Times đưa tin.
“Tôi nghĩ rằng đó là một hiện tượng phổ biến, nam giới người Mỹ gốc Phi bị đối xử với thái độ nghi ngờ nhiều hơn, và sự hoài nghi này chẳng mang lại lợi ích gì”, Barr nói trong một cuộc phỏng vấn ABC News phát sóng vào ngày 8/7. Ông cho rằng, “thật sai trái nếu người dân không được tôn trọng một cách thích hợp và đúng đắn”.
Ý kiến trên cho thấy, ông hiểu biết sâu sắc hơn về sự thiên vị có hệ thống, trong việc kiểm soát cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Trong một cuộc phỏng vấn khác hồi tháng 6/2020, Barr cho biết,ông không nghĩ rằng hệ thống thực thi pháp luật của Mỹ là phân biệt chủng tộc. Ông tuyên bố rõ quan điểm của mình rằng, ông không chắc mọi người có ý gì khi hỏi về phân biệt chủng tộc “có hệ thống”.
“Chà, với từ ‘có hệ thống’, tôi không chắc là mọi người có ý là nó được xây dựng trong hệ thống pháp luật hay không, hệ thống vốn có điều này, hoặc họ có ý rằng đó có phải là [một] vấn đề phổ biến hay không”, ông nói.
Các cuộc biểu tình kêu gọi thay đổi chính sách và trách nhiệm của cảnh sát nổ ra trên toàn quốc, sau cái chết của George Floyd ở thành phố Minneapolis – người đã tử vong sau khi bị một sĩ quan cảnh sát dùng gối ghì lên cổ nhiều phút trong lúc bị bắt.
Barr nói vụ việc đã chứng minh rằng đất nước này vẫn còn việc phải làm, liên quan đến việc cải chính lại những năm mất lòng tin giữa cộng đồng người Mỹ gốc Phi, và cơ quan thực thi pháp luật.
“Trước khi xảy ra sự cố George Floyd, tôi nghĩ chúng tôi đang có một vị thế tốt. Tôi đã nghĩ rằng các cơ hội kinh tế đang mở rộng, và cộng đồng người Mỹ gốc Phi có thể tham gia nhiều hơn bao giờ hết trong những cơ hội đó”, Barr nói.
“Tôi cho rằng sự kiện ở Minneapolis cho thấy, chúng ta vẫn còn một số việc phải làm để giải quyết thái độ ngờ vực tồn tại trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi đối với cơ quan thực thi pháp luật”,
Trước đây, Barr cho biết Mỹ vẫn đang trong quá trình cải cách nhằm đảm bảo các cơ quan, tổ chức của chính phủ Hoa Kỳ, vốn từng có chính sách phân biệt chủng tộc trước những năm 1960, có thể đáp ứng các giá trị và luật pháp của xã hội hiện hành.
“Cải cách là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng tôi nghĩ nó đang hoạt động và đã tạo ra nhiều tiến bộ,” Barr nói với chương trình Face the Nation của đài CBS vào ngày 7/6.
Trong cuộc phỏng vấn ABC, ông lưu ý rằng đã có một số thành công trong việc cải cách các hoạt động của cảnh sát, để giảm thiểu số người Mỹ gốc Phi thiệt mạng do các cơ quan thực thi pháp luật lạm dụng vũ lực trong những năm gần đây. Ông nói thêm rằng, mặc dù đó là điều rất quan trọng, nhưng đáng lẽ khái niệm “Black Lives Matter” nên được hiểu rộng hơn, chứ không chỉ dừng lại ở việc ám chỉ những mạng sống bị mất đi do cảnh sát lạm quyền, một điều thường được chú ý trong các cuộc đối thoại cấp quốc gia.
“Rõ ràng là mạng sống của người da đen là vô cùng quan trọng. Tôi cho rằng tất cả mạng sống, tất cả những gì thuộc về cuộc sống của con người đều rất thiêng liêng. Tôi cũng nghĩ rằng nó hiện đang bị lợi dụng, bị bóp méo ở một mức độ nào đó. Bởi vì thực sự nó đang bị lợi dụng để ám chỉ, mạng sống người da đen bị mất đi do hành vi sai trái của cảnh sát, nhưng theo thống kê, những vụ như thế đã giảm xuống rõ rệt. Cách đây 5 năm, có đến 40 vụ như vậy, nhưng vào năm 2019 chỉ có 10 vụ. Vì vậy, ít nhất nó cũng đang có một quỹ đạo tích cực, nhưng nếu bạn so sánh nó với 8.000 vụ giết người trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi với nhau. Vậy thì mạng sống của những người da đen đó cũng rất quý giá”, ông nói thêm rằng, việc đảm bảo cộng đồng người Mỹ gốc Phi có thể tham gia đầy đủ vào lợi ích của xã hội là một khía cạnh quan trọng khác.
Trong những tuần gần đây, Barr đã đến thăm các cộng đồng và các quan chức thực thi pháp luật trên toàn quốc để tìm kiếm đầu vào về một loạt các vấn đề, bao gồm quan hệ cộng đồng, đào tạo và cách hành xử của cảnh sát.
Trong cuộc họp báo vào ngày 8/7, Barr kêu gọi các nhà lập pháp và quan chức nên tìm hiểu cải cách cảnh sát một cách thận trọng, và cân bằng để tránh sa vào cực đoan, đảm bảo sự bình yên và an ninh trong xã hội.
“Đó là một câu hỏi khó về sự cân bằng quyền hạn. Chúng ta cần hỗ trợ cảnh sát để họ bảo vệ cộng đồng. Nhưng đồng thời, chúng ta phải chắc chắn rằng, sẽ không xảy ra những hành vi lạm quyền”.
“Không phải là bãi bỏ cảnh sát hoặc loại trừ cảnh sát hay phỉ báng cảnh sát. cũng không phải chỉ là thể hiện cho có lệ đối với những mối quan tâm chính đáng về sự lạm dụng, và xâm phạm của cảnh sát ngoài kia. Do đó tôi cho rằng, chúng ta phải đạt được một sự cân bằng ở đây”.
Quốc hội cũng đang nỗ lực xây dựng dự luật cải cách cảnh sát, để đáp lại lời kêu gọi thay đổi.
Tháng 6/2020, Thượng nghị sĩ Tim Scott của tiểu bang South Carolina đã giới thiệu một phiên bản của dự luật như vậy, Đạo luật công bằng và hợp nhất để tiếp thêm sinh lực cho mọi cộng đồng, được gọi là Đạo luật JUSTICE.
Đề xuất của dự luật là sẽ cấm cảnh sát sử dụng các đòn khóa cổ, tăng cường sử dụng body camera (camera cài trên áo), cung cấp nhiều khóa đào tạo cho cảnh sát và minh bạch hơn trong thực thi giữ gìn trật tự trị an ví như, phải bắt buộc báo cáo cho FBI mỗi khi có một sĩ quan cảnh sát xả súng vào một thường dân. Tuy nhiên, Dự luật đã thất bại trong một cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện.
Vào tháng 6, Hạ viện đã thông qua một phiên bản cạnh tranh của dự luật với tên gọi: Công lý trong Luật trị an (The Justice in Policing Act), nhưng nó đã không được Thượng viện thông qua.
Thiện Thành (Theo Epoch Times)