Bộ trưởng Ngoại giao Canada lên tiếng ủng hộ Pháp Luân Công trong ngày Tự do Tôn giáo Thế giới
Ngày 27/10, Bộ trưởng Ngoại giao Canada François-Philippe Champagne tuyên bố rằng, điều rất quan trọng đối với người dân là có quyền tự do tín ngưỡng. Canada sẽ tiếp tục chú ý đến tình hình nhân quyền của các nhóm tín ngưỡng bị đàn áp trên khắp thế giới, chú ý đến tình hình nhân quyền của các nhóm tín ngưỡng bị Trung Cộng bức hại, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công.
Tuyên bố nhấn mạnh rằng, Canada sẽ tiếp tục giám sát các cuộc đàn áp tôn giáo ở Trung Quốc, Triều Tiên, Iran và các nước khác, bao gồm chủ nghĩa bài Do Thái và đạo Hồi, bức hại người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, các Phật tử Tây Tạng, các học viên Pháp Luân Công và các đoàn thể tín ngưỡng khác ở Trung Quốc.
Tuyên bố nói rằng, họ sẽ tiếp tục kêu gọi chính phủ các nước cho phép Liên Hợp Quốc sử dụng các thủ tục đặc thù ngay lập tức mà không bị trói buộc.
François-Philippe Champagne nhắc lại trong tuyên bố rằng, với tư cách là một xã hội đa văn hóa, đa tôn giáo và đa sắc tộc, Canada sẽ tiếp tục ủng hộ nhân quyền, bao gồm thúc đẩy, bảo vệ tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng ở trong nước và trên toàn thế giới.
Trong những năm qua, chính phủ Canada tại Liên Hợp Quốc và các hội nghị quốc tế khác đã nhiều lần lên tiếng bảo vệ các nhóm tín ngưỡng bị đàn áp ở Trung Quốc, trong đó có Pháp Luân Công.
Ngay từ năm 2014, chính phủ Canada đã đệ trình vấn đề Trung Cộng mổ cướp nội tạng của các học viên Pháp Luân Công còn sống lên Liên Hợp Quốc.
Năm 2018 và 2019, tại Hội nghị Bộ trưởng Thăng tiến Tự do Tôn giáo (Hội nghị Bộ trưởng Thúc đẩy Tự do Tôn giáo), do Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tổ chức tại Geneva và Washington, Canada đã công khai đề xuất và ký một tuyên bố chung về các vấn đề nhân quyền, kêu gọi ĐCSTQ chấm dứt đàn áp, khởi tố và bức hại các học viên Pháp Luân Công cùng các đoàn thể tín ngưỡng tôn giáo khác.
Cùng ngày 27/10, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cũng đã đưa ra tuyên bố về “Ngày Tự do Tôn giáo Quốc tế” trên trang web của Bộ Ngoại giao, ông chỉ trích ĐCSTQ vì đã đàn áp người dân và cố gắng loại bỏ tất cả các tín ngưỡng và niềm tin không phù hợp với giáo lý của ĐCSTQ.
Trong tuyên bố, ông Pompeo cũng nhấn mạnh sự đóng góp của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ tự do tôn giáo toàn cầu. Ông nói rằng: Ngược lại, kể từ khi Liên minh Tín ngưỡng hoặc Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFBA) được thành lập vào tháng 2/2020 tới nay, đã có 31 quốc gia gia nhập tổ chức cùng chung một chí hướng này và cam kết nỗ lực giải quyết các thách thức ở mọi nơi trên thế giới.
“Kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19 đến nay, một số quốc gia/khu vực đã trả tự do cho các cá nhân bị cầm tù vì niềm tin của họ, để họ trở về đoàn tụ với gia đình. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia khác noi theo”.
Ông Pompeo còn nói, hiện nay một phong trào toàn cầu về tự do tôn giáo đã trở thành hiện thực. Nó đã trở thành một phong trào phổ biến ở nhiều khu vực, đa dạng về văn hóa và chính trị, từ đó chứng minh một chân lý phổ quát và rõ ràng rằng: Mỗi người ở mọi nơi trên thế giới đều có quyền tín ngưỡng hoặc không tín ngưỡng, (có quyền) thay đổi niềm tin của mình, nói ra tín ngưỡng của mình, tụ hội và truyền giáo.
“Vào Ngày Tự do Tôn giáo Quốc tế này, Hoa Kỳ cảm thấy tự hào vì được thúc đẩy và bảo vệ tự do tôn giáo”, phần cuối tuyên bố cho biết.
Thời điểm này của 22 năm về trước, Hoa Kỳ đã ban hành “Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế” vào năm 1998, và nhắc lại rằng Hoa Kỳ sẽ dốc sức thúc đẩy và bảo vệ quyền cơ bản về tự do tôn giáo cho tất cả mọi người trên thế giới. “Với tầm nhìn xa trông rộng của những người sáng lập Hoa Kỳ, chính phủ của chúng tôi hiểu rằng, với một cá nhân, bất kể tín ngưỡng tôn giáo của họ như thế nào thì đều nên được tự do sắp xếp cuộc sống dựa vào lương tâm của mình. Tự do tôn giáo và các phẩm giá khác của con người đang và sẽ vĩnh viễn là trọng tâm cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Mỹ, thế giới đã nhận thấy điều này”.
Trong tuyên bố của mình, ông Pompeo lên án 3 quốc gia trên thế giới đàn áp tự do tôn giáo, và quốc gia được nêu tên đầu tiên là ĐCSTQ. Ông nói: “Tuy nhiên, ngày nay, ba kẻ lạm dụng tự do tôn giáo nghiêm trọng nhất trên thế giới (đó là)- Trung Quốc (ĐCSTQ), Iran và Triều Tiên – thắt chặt các chính sách áp chế để đàn áp người dân của họ”.
“Điều tồi tệ hơn là Trung Quốc (ĐCSTQ) đang cố gắng loại bỏ tất cả các tín ngưỡng và niềm tin không phù hợp với những giáo lý của ĐCSTQ”. Ông nhấn mạnh.
Trước đó, để kỷ niệm Ngày Tự do Tôn giáo Quốc tế, tờ ShareAmerica đã phỏng vấn Sam Brownback, đại sứ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo quốc tế.
Khi được hỏi những quốc gia hoặc khu vực nào trên thế giới hiện đang đàn áp tự do tôn giáo, Brownback đã nói về việc ĐCSTQ tuyên chiến với đức tin.
“Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên chiến với đức tin. Chúng tôi thấy rằng chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tăng cường bức hại các tín đồ của hầu hết các tín ngưỡng ở tất cả các khu vực của Trung Quốc đại lục. Tại Tân Cương, Trung Quốc (ĐCSTQ) đã giam giữ hơn một triệu người thiểu số theo Hồi giáo. Mục đích là xóa bỏ văn hóa, danh tính và tín ngưỡng của họ”. Ông nói.
Brownback nói rằng: “Một số báo cáo mà chúng tôi đã công bố chỉ ra rằng, chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cưỡng bức mổ lấy nội tạng của các tù nhân lương tâm, bao gồm học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, các tăng nhân của Phật giáo Tây Tạng và những tín đồ Cơ Đốc. Điều này chắc hẳn sẽ khiến lương tri của mọi người chấn động”.
Việt Anh (t/h)