Bình luận: “Thất bại dị thường” của Pháp trong cuộc chiến chống đại dịch
Sức tàn phá của dịch bệnh trên quy mô rộng tại Pháp là do sự đột biến của chủng virus SARS-CoV-2 ở phía Bắc của quốc gia, trong giai đoạn nửa sau của tháng 1, nó âm thầm lây lan cho người dân nhưng hầu hết lại không xuất hiện triệu chứng nhiễm bệnh nào, khiến khoảng 25 nghìn người tử vong sau đó.
Các nghiên cứu từ Viện Pasteur chỉ ra, chính phủ đã ngăn chặn và phòng chống một “kẻ địch nằm vùng” sớm hơn từ rất lâu so với dự đoán, khiến công tác kiểm soát dịch bệnh ngay từ những bước đầu đã rất chặt chẽ. Tuy nhiên, những sự việc như thế này lại không được cánh truyền thông đưa tin, thay vào đó là những tin tức liên quan đến việc chỉ trích nỗ lực của chính phủ, chê trách cách ứng phó với dịch bệnh của họ.
Theo Viện Pasteur, Pháp đã phải đối mặt với một chủng đột biến của virus Vũ Hán, nguyên nhân gây dịch bệnh cướp đi mạng sống của hơn 250 nghìn người trên toàn thế giới. Nghiên cứu cho biết trên thực tế, chính phủ Pháp đã thành công trong việc khoanh vùng và ngăn chặn sự lây lan của chủng virus vốn đang hoành hành tại Trung Quốc và Ý.
Tuy nhiên, tín nhiệm của công chúng đối với chính quyền Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron đã giảm sút kể từ khi đại dịch Vũ Hán bùng phát, trong đó một báo cáo khảo sát cho biết 62% người nghĩ rằng, quốc gia này sẽ không thể kiểm soát được dịch bệnh.
Người Pháp hiếm khi hài lòng với những gì chính phủ làm được. Tình trạng mất đi sự tín nhiệm này xảy ra vào giữa giai đoạn khủng hoảng đối với chính phủ Pháp, trong khi họ đang phải thực hiện một động thái liều lĩnh và rủi ro là chấm dứt toàn bộ lệnh phong tỏa vào hôm nay (11/5).
Tại sao tình hình lại trở nên như vậy? Tại Mỹ và Anh, các sai lầm của quan chức chính phủ còn nghiêm trọng và xảy ra thường xuyên hơn thế, nhưng họ vẫn nhận được sự ủng hộ và đồng tình từ phần lớn công chúng. Điều này lại không xảy ra với Pháp.
Chính phủ Pháp không hẳn là không đáng nhận chỉ trích từ công chúng, vì Tổng thống Macron đã ban hành lệnh phong tỏa quá chậm trễ, ít nhất là một tuần. Chính quyền Pháp cũng khá chậm chạp trong việc sản xuất công cụ xét nghiệm chẩn đoán, cũng như xử lý tình trạng thiếu hụt khẩu trang y tế và các trang bị bảo hộ cá nhân khác.
Tuy vậy, thực tế chính quyền đã thực hiện khá tốt việc ứng phó với một dịch bệnh chưa từng xuất hiện cùng các triệu chứng cũng chưa được tìm hiểu rõ và không ngừng thay đổi liên tục.
Các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh được thực hiện tích cực đã giúp Pháp vượt trên các nước láng giềng trong khâu giảm thiệt thiệt hại. Ví như, Pháp là quốc gia đầu tiên ban hành gói hỗ trợ kinh tế cho cả doanh nghiệp lẫn cá nhân. Khoảng 11 triệu dân hiện vẫn đang được nhận ít nhất 80% mức lương thông thường từ nhà nước.
Pháp đã khéo léo sử dụng các tàu cao tốc được tái trang bị, để chuyển các ca nhiễm bệnh nặng đến các bệnh viện ở những khu vực cách ly. Họ đã thành công trong việc hạn chế sự lây lan của virus ở phía Bắc và Đông đất nước; hệ thống bệnh viện của quốc gia này cũng chưa bao giờ quá tải.
Ngoài một số rắc rối gặp phải gần đây thì chính phủ vẫn báo cáo tình hình một cách rõ ràng và trung thực, đặc biệt khi so sánh với tình hình bùng phát dịch bệnh toàn quốc ở Anh và Mỹ hay việc che giấu số ca tử vong tại Hà Lan và một số quốc gia khác, thì Pháp vẫn có phần tích cực hơn.
Trong bối cảnh này, nhiều thuyết âm mưu đã bắt đầu xuất hiện, chỉ cần một sai lầm nhỏ hoặc sự thay đổi nào đó cũng sẽ nhanh chóng hình thành những lời buộc tội từ các chính trị gia đối lập, cho rằng chính phủ đang “lừa dối”.
Phản ứng choáng ngợp của người dân Pháp không chỉ trên mạng xã hội mà còn trên các phương tiện truyền thông đại chúng, là một động thái không những tiêu cực mà còn thể hiện sự thù địch một cách xấu xa. Điều này không chỉ bất công mà còn vô cùng nguy hiểm. Hiện Pháp đã có hơn 30 đơn khiếu nại pháp lý được đưa ra chống lại Thủ tướng, Bộ trưởng Y tế và các chính trị gia khác vì sự bất cẩn của họ trong việc phòng chống dịch bệnh. Ngày 4/5, Thượng viện đã bỏ phiếu phản đối quyết định nới lỏng phong tỏa bắt đầu từ hôm nay
Số phiếu bầu chỉ mang tính tượng trưng, nhưng nó cũng đã gây ra một tác động không hề nhỏ, khiến cho tín nhiệm vào chính phủ sụt giảm tệ hơn.
Vấn đề đặt ra cho Tổng thống Macron là, ông không có bất kỳ một đảng phái hay phe ủng hộ vô điều kiện nào giống như tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Anh Boris Johnson đang có. Ông không có một ai bên cạnh để nói rằng “dù đúng hay sai, đó cũng là người lãnh đạo của chúng ta”.
Khi nắm giữ quyền hành mà không có một phe thống trị trong mảng truyền thông hoặc chính trị ủng hộ, ông Macron không có ai “hậu thuẫn” đằng sau cả, vì thế nên hầu hết toàn dân sẽ nghĩ rằng ông không bao giờ đúng và luôn làm sai.
Còn có một yếu tố khác: đó là xu hướng chính trị vừa lý trí vừa trừu tượng của Pháp, người dân có xu hướng nhìn nhận mọi thứ là một hành vi âm mưu, phản bội, hoặc làm ô nhục quốc gia.
Các chính trị gia cánh hữu mô tả sự thiếu hụt giường bệnh là dấu hiệu của sự thối rữa sâu sắc trong ý chí và tinh thần của quốc gia. Trong khi đó, các chính trị gia cánh tả cho rằng đó là hậu quả từ sự hủy diệt chủ nghĩa tự do cực đoan của chính phủ Pháp (hiện đang dành hơn 8% GDP cho hệ thống y tế công cộng, nhiều hơn hầu hết các quốc gia trong khối Liên minh châu Âu).
Trên thực tế, sự thiếu hụt số lượng giường bệnh tại Pháp là kết quả của chính sách được cả chính phủ cánh tả và cánh hữu theo đuổi, để bắt kịp những thay đổi y tế hiện đại suốt nhiều thập kỷ qua. Chính sách nguy hiểm thực tế đã suýt gây ra một cuộc khủng hoảng trong khâu ứng phó với dịch bệnh COVID-19, nhưng bằng sự khéo léo và được giúp đỡ từ các quốc gia láng giềng, các khu vực điều trị tích cực tại Pháp đã kịp thời xử lý được hết những trường hợp nhiễm bệnh trong 6 tuần qua.
Viêm phổi Vũ Hán: Đài Loan chống dịch tốt hơn Trung Quốc như thế nào!
Có khá nhiều chính phủ các quốc gia mắc sai lầm trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19, một số còn phạm phải sai lầm nghiêm trọng hơn các nước khác. Nhưng chưa một quốc gia nào có sự đối lập giữa những gì chính phủ đã làm tốt với hàng tá những lời chỉ trích, từ giới chính trị cho đến các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội như ở Pháp.
Các bình luận viên, từ cả cánh tả và cánh hữu, đều so sánh phản ứng trước dịch bệnh COVID-19 của chính quyền Pháp với động thái “thất bại dị thường” trước Đức trong cuộc chiến năm 1940. “Thất bại dị thường” là cụm từ được tạo nên bởi nhà sử gia người Pháp Marc Bloch. Ông cho rằng chính sự lười nhác và thù hằn lẫn nhau giữa hai phe chính trị cánh tả và cánh hữu vào những năm 1930 đã tạo cơ hội cho quân Đức giành thắng lợi.
Thật ngớ ngẩn khi so sánh chiến dịch ứng phó COVID-19 đầy hỗn loạn nhưng đáng tôn trọng của chính quyền Pháp với thảm họa quân sự năm 1940. Những cảnh báo của ông Bloch về xu hướng tự hủy của Pháp do sự nghiêm trọng hóa quá mức trong các đảng phái, tính tự nhục và các khẩu hiệu chuyên chế vẫn còn để lại bài học đến ngày nay.
Huy Hoàng (Theo Politico)
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của tác giả.