Bình Dương: Vừa hút thuốc vừa chiết xăng, 3 người trong gia đình nguy kịch
Tiến sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), cho biết, gia đình 4 bệnh nhân ở Bến Cát, Bình Dương vào cấp cứu tối 22/12 vì bỏng lửa xăng rất nặng.
Sự việc xảy ra vào khoảng 18 giờ ngày 22/12. Theo đó, sau khi người nhà mua 200.000 đồng xăng về, lúc này con trai cả trong gia đình, Nguyễn Hoàng Kh. (sinh năm 2001) vừa chiết xăng từ can xăng 10 lít vào xe máy, vừa ngậm điếu thuốc lá thì bất ngờ một ngọn lửa lớn bùng lên bao trùm cả gian bếp.
Lúc này vợ chồng anh Nguyễn Văn T. và chị Đỗ Thị Kim Th. đều đang ở trong bếp nên cũng bị cuốn trong ngọn lửa. Ngay lúc đó, thấy bố mẹ và anh trai đang ở trong biển lửa, Nguyễn Hoàng K. (sinh năm 2003) cũng liều mình xông vào cứu.
Ngay sau đó, cả gia đình anh Nguyễn Văn T. đã được người dân trong vùng đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy để cấp cứu.
Tại khoa Phỏng- Phẫu thuật và tạo hình BV Chợ Rẫy, các bác sĩ cho biết 3 bệnh nhân: Nguyễn Văn T. (SN 1982), Đỗ Thị Kim Th. (SN 1981, vợ anh T) cùng con trai là Nguyễn Hoàng Kh. (SN 2001) bị bỏng nặng toàn thân, từ 97%-100% độ 2, độ 3. Cả 3 nạn nhân đều bỏng hô hấp, sốc bỏng nghiêm trọng, tình trạng nguy kịch tiên lượng dè dặt. Riêng em Nguyễn Hoàng K. xông vào cứu sau nên chỉ bỏng 2 chân với tỉ lệ 14%, tình trạng ổn.
Trao đổi với phóng viên, bà Bùi Thị Nương (mẹ anh T.) cho biết: “Cả nhà vẫn hay trữ xăng ở nhà đổ vào xe máy cho tiện đi làm vì cây xăng ở xa”.
Được biết, hai vợ chồng anh T. cùng làm công nhân, hai con trai làm thợ hồ nên cuộc sống gia đình rất khó khăn.
Theo Tiến sĩ – Bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng – Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện nay tại nhiều vùng nông thôn, do điều kiện đi lại khó khăn nên người dân thường mua xăng về dự trữ. Điều này là vô cùng nguy hiểm bởi nguy cơ cháy nổ trong quá trình vận chuyển và dự trữ rất cao. Bác sĩ Hiệp khuyến cáo, nếu bắt buộc phải dự trữ xăng thì cũng không nên để trong nhà, nhất là nơi gần bếp lửa, bếp ga. Tuyệt đối hút thuốc, sử dụng lửa khi chiết xăng.
Cách sơ cứu bỏng xăng
Bác sĩ Phạm Văn Gia, nguyên Phó giám đốc Viện Bỏng Quốc gia cho hay, những ca bỏng xăng sẽ có khả năng cứu chữa hiệu quả nếu việc sơ cứu được thực hiện đúng và kịp thời.
Dưới đây là các bước cần làm để sơ cứu nạn nhân:
– Dập tắt lửa: Khi dập tắt ngọn lửa từ xăng nên lưu ý, không dùng nước. Điều này khiến người bị nạn bỏng nặng hơn, vì xăng nổi lên trên nước sẽ tiếp tục bốc lửa, lan rộng. Bạn nên dùng chăn, ga trùm lên nạn nhân nhanh chóng.
– Sơ cứu tại chỗ bỏng: Ngay sau khi dập lửa, chúng ta cần giảm nhiệt tại chỗ bị bỏng cho nạn nhân. Người ứng cứu nên dội nước sạch từ 30-60 phút liên tục, phương pháp này giúp nạn nhân không bỏng sâu hơn. Lưu ý giữ cho vết bỏng sạch, tuyệt đối không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, không làm vỡ chỗ phỏng nước. Các phần quần áo, da dính vào vết bỏng không nên tự ý bóc ra.
– Dùng gạc vô khuẩn hoặc vải sạch phủ lên vết bỏng, nhanh chóng đưa nạn nhân đến viện điều trị, không tự điều trị tại nhà.
Từ Nguyên (t/h)