Báo ứng đến thật nhanh: Giết người giá họa cho hổ, cuối cùng lại bị hổ ăn thịt
Trong cuốn sách “Tỉnh thế hằng ngôn” của Phùng Mộng Long có kể về một câu chuyện giết người cướp của đầy ly kỳ. Một người lái thuyền vì nổi lòng tham mà giết người rồi giá họa cho loài hổ, nhưng cuối cùng lại gặp một chuyện mà thật khó ai ngờ.
Xưa kia, có một người đàn ông họ Vi tên Đức, là người Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến. Từ khi còn nhỏ, anh đã theo cha mở một cửa hàng kinh doanh tiền bạc ở Thiệu Hưng. Vi lão gia là người công minh chính trực, xem nhẹ lợi ích cá nhân, cho nên có rất nhiều khách hàng quen, công việc làm ăn của nhà họ Vi cứ thế suôn sẻ, hết sức tốt đẹp.
Chỉ vài năm sau, lão Vi đã để dành được một chút cơ ngơi. Thấy Vi Đức tuổi đã lớn, cho nên lão Vi đã hỏi cưới con gái của một người thợ may họ Đan sống gần đó về làm dâu. Đan thị dung mạo tám chín phần xinh đẹp, lại là con nhà danh giá, lão Vi sẵn sàng trả một trăm mười xâu tiền để xin cưới nàng về làm vợ lẽ cho Vi Đức.
Tuy nhiên, thợ may họ Đan từ chối, ông nói rằng nếu Vi Đức có thể chỉ lấy một vợ thì ông mới chấp nhận hôn sự này. Cuối cùng gia đình họ Vi cũng đồng ý. Không lâu sau khi tổ chức hôn lễ cho con gái, thợ may họ Đan bị bệnh qua đời, 2 năm sau lão Vi cũng bị bệnh mà chết.
Vi Đức bàn luận cùng vợ, ở đây không có người thân thích, chi bằng đem linh cữu cha già về quê an táng. Đan thị lúc đầu không chịu, nhưng Vi Đức cứ khăng khăng đòi về, nên cũng đành thuận theo chồng.
Vi Đức bán một số vật dụng quý giá trong tiệm để lấy tiền, thuê một con thuyền, rồi chọn ngày lành tháng tốt để khởi hành, 2 vợ chồng mang theo linh cữu cha già, cứ thế lên xuyền mà đi.
Không ngờ, chủ thuyền tên là Trương Sảo, vốn là kiểu người không mấy thiện lương, hắn thường ở bờ sông làm chút mua bán nhỏ. Vì không muốn công việc mua bán của mình bị tiết lộ nên thuê một người câm làm giúp việc.
Hôm đó hắn biết được Vi Đức làm kinh doanh vàng bạc nhiều năm, ắt hẳn trong túi có rất nhiều tiền, lại thấy Đan thị xinh đẹp, bản thân lại không có vợ, 2 món lợi khiến lòng tham nổi lên. Khi thuyền vừa rời bến liền sinh lòng bất lương, trong bụng bày mưu kế hòng đoạt lợi.
Một ngày nọ, gió lớn khiến thuyền không thể đi tiếp được, Trương Sảo cho neo thuyền dưới núi Giang Lang. Xong, hắn ta nghĩ ra một kế, mượn cớ thuyền không có củi, nên muốn lên núi chặt củi về đốt. Lại mượn cớ trên núi có hổ dữ, thường xuyên hại người, nên nhất quyết đòi Vi Đức cùng đi theo.
Vi Đức vốn không biết đây là mưu kế, cho nên đồng ý theo Trương Sảo đi lên núi. Trương Sảo cố tình đi vòng quanh khúc khuỷu, dẫn Vi Đức đến chỗ núi sâu. Nhìn chung quanh không có bóng người, hắn liền bắt đầu hạ thủ.
Trương Sảo chặt một đống củi, rồi bảo Vi Đức gom củi lại mang về. Vi Đức không chút đề phòng, cúi người xuống cặm cụi lo nhặt củi, thì từ phía sau Trương Sảo dùng rìu chặt ngay giữa vai trái khiến Vi Đức phủ phục té ra đất. Trương Sảo lại giáng thêm một rìu nữa ngay đầu, máu tuôn ra xối xả, khiến Vi Đức mất mạng.
Trương Sảo nói: “Ngày này năm sau, nói vợ ngươi làm giỗ cho ngươi”. Dứt lời, liền cắm rìu xuống bên cạnh, củi cũng không cần, vội vàng chạy như bay xuống thuyền.
Đan thị thấy Trương Sảo một mình quay về, liền hỏi chồng mình ở đâu. Trương Sảo nói: “Không may rồi, chúng tôi gặp phải hổ dữ, chồng nàng không may đã bị hổ vồ ăn thịt mất rồi. Nhờ tôi chạy nhanh, mới thoát khỏi miệng hổ, thậm chí chặt củi xong cũng không dám mang về”.
Đan thị nghe vậy, đấm ngực mà khóc lớn. Trương Sảo khuyên giải, nói: “Đây là do số mệnh đã định trước rồi, có khóc cũng vô ích”.
Đan thị vừa khóc vừa thầm nghĩ: “Nghe nói hổ đêm đến mới rời núi, không tin giữa ban ngày lại ra ngoài hại người. Huống chi lại có hai người cùng đi với nhau, làm sao mà chỉ ăn thịt mỗi chồng ta? Anh ta lại không có chút tổn thương nào, thật không bình thường!”.
Đan thị liền nói với Trương Sảo: “Chồng tôi mặc dù bị hổ tha đi, nhưng vẫn có thể chưa chết”. Trương Sảo nói: “Mỡ đã vào miệng mèo còn không rớt ra được, huống nữa là miệng hổ!”.
Đan thị nói: “Tuy là như vậy, nhưng tôi không chứng kiến tận mắt. Nếu thật sự bị hổ ăn thịt, chắc chắn cũng còn sót lại vài mảnh xương. Phiền ông dẫn tôi đi, để tôi mang trở về, cũng coi như trọn tình phu thê vậy”.
Trương Sảo nói: “Tôi sợ hổ lắm, không dám đi nữa đâu”. Đan thị nghe vậy lại khóc rống lên đầy bi thương. Trương Sảo thầm nghĩ: “Không dẫn nàng ta đi một lần, chắc chắn không chịu bỏ cuộc”. Liền nói: “Thôi được, tôi dẫn nàng đi, đừng khóc nữa”. Đan thị liền lên bờ, cùng Trương Sảo đi vào núi.
Lúc đốn củi là đi con đường phía đông, nhưng Trương Sảo sợ Đan thị nhìn thấy thi hài chồng mình nên dẫn nàng đi về hướng Tây. Đan thị đi đã lâu vẫn không thấy tung tích con hổ đâu cả. Trương Sảo chỉ đằng này, lại nói đằng kia, mong sao cho Đan thị nguyện ý quay đầu trở về. Ai ngờ nàng nhất định phải tìm cho ra thi thể của chồng mới thôi.
Trương Sảo thấy Đan thị không chịu quay đầu trở về, liền nghĩ kế nói láo, hắn nhìn về phía trước nói rằng: “Tiểu nương tử, nàng cứ muốn đi tiếp, nhỡ đâu có hổ đi tới thì sao?”.
Đan thị ngẩng đầu lên hỏi: “Hổ ở đâu?“. Lời còn chưa dứt, trong rừng liền phát ra một âm thanh đáng sợ, thình lình một con hổ nhảy ra, không sai không lệch nhắm thẳng vào Trương Sảo mà vồ tới. Trương Sảo không tránh kịp, chỉ kịp kêu một tiếng “A” rồi bị hổ mang vào rừng sâu ăn thịt.
Đan thị kinh hãi ngã xuống đất ngất lịm, nửa ngày sau mới tỉnh lại. Trước mặt không thấy Trương Sảo đâu mới biết là hắn ta đã bị hổ tha đi, lúc đó nàng mới tin trong núi thật sự có hổ, nghĩ chuyện chồng bị hổ ăn quả đúng là sự thật. Trong lòng Đan thị sợ hãi không dám tiến tới trước nữa, đành vừa khóc vừa lần theo đường cũ mà về.
Đan thị chưa kịp ra khỏi núi, bỗng thấy thứ gì đó trông không giống người, lao ra từ hướng đông. Đan thị cho rằng đó là hổ, liền kêu lên: “Ta cũng phải chết sao!”, nói xong kinh hãi ngã xuống đất. Chợt nghe bên tai có tiếng người nói: “Nương tử, làm sao mà nàng cũng ở đây?”.
Người kia hai tay đỡ nàng dậy, Đan thị ngước mắt nhìn lên, thì ra là Vi Đức chồng mình, do mặt mày bết đầy máu, cho nên nàng mới không nhận ra. Vốn dĩ Vi Đức chưa đến số phải chết, mặc dù bị rìu đánh trọng thương, nhưng chỉ nhất thời lịm đi. Sau khi Trương Sảo rời đi, Vi Đức đã tỉnh lại, cố gắng gượng dậy, xé vải trên quần ra băng bó đầu lại, rồi chập chững đi ra khỏi núi, muốn tìm Trương Sảo hỏi cho ra chuyện, nhưng may thay lại gặp phải Đan Thị tại đây.
Đan Thị cứ tưởng chồng bị hổ cắn bị thương, sau khi nghe Vi Đức kể đầu đuôi sự tình mới vỡ lẽ thì ra Trương Sảo lòng sinh tà niệm, bày mưu tính kế để hãm hại chồng mình, sau rồi lại đổ thừa cho hổ, cuối cùng lại bị hổ ăn mất mạng. Đây đúng là Thần linh an bài, ra tay diệt trừ kẻ hung ác.
Hai vợ chồng cảm tạ trời đất, sau đó liền quay trở lại thuyền. Người câm kia mới làm động tác tay hỏi chủ thuyền đâu không thấy? Vi Đức mới kể rõ cho anh ta nghe. Người câm hai tay hợp thập, bày tỏ rằng quả là chuyện kỳ lạ.
Vi Đức phụ giúp người câm đi thuyền thẳng về đến nhà, sau đó đem thuyền đi bán lấy một số tiền, rồi lại xây một Phật đường cho người câm cùng vào ở, ngày đêm thắp hương lễ Phật, sống cuộc sống thanh nhàn.
Người đời sau nghe câu chuyện này cũng để lại 4 câu thơ:
Ngụy ngôn hữu hổ nguyên vô hổ;
Hổ tự Trương Sảo tâm thượng sinh;
Giả sử Trương Sảo tâm địa chính;
Sơn trung hữu hổ diệc tàng hình.
Tạm dịch:
Giả nói có hổ nhưng không có hổ;
Hổ do tâm Trương Sảo tự sinh ra;
Nếu như Trương Sảo tâm địa chính;
Trong núi có hổ cũng tàng hình.
Tuệ Tâm (Theo SOH)