Bao Chửng lập gia huấn và ngăn chặn nạn hối lộ chốn quan trường
Bao Chửng sống vào thời Bắc Tống, là một vị quan thanh liêm nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Ông cả một đời liêm khiết, thực thi pháp luật công chính nghiêm minh, được người đời tôn là “Thiên hạ đệ nhất thanh quan”.
Bao Chửng (999–1062), tự Hy Nhân, nổi tiếng là một vị quan “thanh liêm, chấp pháp nghiêm minh, không khiếp sợ quyền uy hay vị nể tư tình” dưới thời hoàng đế Tống Nhân Tông (1022-1063).
Ông là người Hợp Phì, Lư Châu (nay là thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc). Cha ông là Bao Nghi, từng giữ chức đại phu trong triều. Sau khi qua đời, Bao Nghi được phong Hình bộ thị lang.
Lúc nhỏ, Bao Chửng đã nổi tiếng là đứa con hiếu thảo, đôn hậu, sống mực thước. Năm 1027, ông thi đậu tiến sĩ, được cử đến nhậm chức Tri huyện Kiến Xương (nay thuộc tỉnh Giang Tây), nhưng vì song thân già yếu, ông không thể làm quan xa nên xin khoan nhận việc, để ở nhà chăm sóc cho cha mẹ.
Sau khi cha mẹ qua đời, ông mới đi nhậm chức Tri huyện Thiên Trường (nay thuộc tỉnh An Huy), sau đó là Tri phủ Đoan Châu (nay thuộc TP. Triệu Khánh, tỉnh Quảng Đông). Sau này, Hoàng đế Tống Nhân Tông nghe tiếng Bao Chửng tận tụy và thanh liêm, liền triệu ông về kinh giao cho chức Trung thừa, rồi lần lượt thăng các chức Giám sát ngự sử, Trực học sĩ Long đồ các, Tam tư Hộ bộ Phó sử, đến Thiên Chương các Thị chế.
Cuộc sống của Bao Chửng vô cùng thanh bạch, tuy làm quan lớn, nhưng quần áo, đồ dùng, ăn uống đều chẳng khác gì nguời bình thường. Trong thiên “Gia huấn”, ông viết: “Đời sau con cháu làm quan, nếu có lấy đồ hối lộ của người khác thì không được trở về nhà, có chết cũng không được chôn cất chung với dòng tộc. Không theo chí nguyện của ta thì không phải con cháu của ta”.
Lời trên có ý rằng, con cháu đời sau nếu có làm quan, nhất định phải liêm chính thanh minh, quyết không được ăn hối lộ trái pháp luật, tàn nhẫn vô lương tâm, nếu không thì không phải là con cháu Bao gia, sau khi chết không được chôn cất chung với phần mộ tổ tiên.
Bao Chửng dạy bảo đời sau như vậy. Đối với bản thân thì lại càng nghiêm khắc tự tiết chế hơn nữa.
Vào năm Khánh Lịch thứ 9 thời Tống Nhân Tông, Bao Chửng được triều đình bổ nhiệm là tri phủ Đoan Châu. Một hôm, có bảy tám vị lão tiên sinh đến muốn bái kiến, Bao Chửng tiếp đãi bọn họ rất nhiệt tình.
Trong lúc chuyện phiếm, mọi người nói đến sản phẩm nổi tiếng nghiên mực Đoan Khê. Lúc này, một lão tú tài tên Từ Nhạc Thiên hổn hển nói: “Thật may là loại sản phẩm nổi tiếng này không còn nhiều lắm!”. Bao Chửng nghe Từ Nhạc Thiên nói, cảm thấy có ý trong lời, liền ghi nhớ trong lòng.
Qua vài ngày sau, Bao Chửng đi tới nhà Từ Nhạc Thiên để thăm hỏi ông ta. Bao Chửng hỏi: “Ngày đó nói đến nghiên mực Đoan Khê, lão tiên sinh thần thái khác thường, hẳn là có điều gì khó nói chăng?”.
Từ Nhạc Thiên bẩm báo thẳng thắn: “Vào những năm Khai Nguyên, Thiên Bảo thời Đường, hàng năm Đoan Châu chỉ tiến cống triều đình 8 nghiên mực Đoan Khê. Sau khi Đại Tống khai quốc cũng vẫn theo như quy củ cũ mà tiến cống. Vậy mà mấy năm nay, số lượng phải tiến cống đột nhiên tăng lên 4 lần, dân chúng không đủ sức, khổ không thể tả”.
Bao Chửng nghe đến đó sinh nghi, mấy ngày hôm trước vừa đọc qua văn kiện tiến cống, rõ ràng là viết 8 khối nghiên mực Đoan Khê, Từ Nhạc Thiên nói tăng lên 4 lần là như thế nào?
Từ Nhạc Thiên thấy Bao Chửng bán tin bán nghi liền giải thích: “Tiến cống nghiên mực vẫn là 8 khối, xác thực không có tăng thêm. Nhưng số nghiên mực Đoan Khê thừa ra kia đều bị đám quan lại lấy đi tặng lễ rồi”.
Bao Chửng như bừng tỉnh, khó trách hôm trước ông ta nói loại sản vật này không còn nhiều lắm, mà càng nhiều dân chúng lại càng khổ.
Bao Chửng trở về nha môn, lập tức đem sổ tiến cống nghiên mực của quan lại ra xem xét, thì phát hiện có nghi vấn, kết quả đúng như Từ Nhạc Thiên nói.
Bao Chửng lập tức ra cáo thị, quy định rằng: “Quan lại tham ô nghiên mực tiến cống, tất cả phải giao lại cho Châu phủ. Với những nghiên mực tiến cống hiện có trong châu khố, sau này bất luận là ai cũng không được tự tiện lấy dùng”. Kể từ đó tật xấu tham ô nghiên mực Đoan Khê của quan lại mới được trừ bỏ.
Bao Chửng quản lý Đoan Châu một năm rất được lòng dân, hoàn thành xuất sắc chức trách, được triều đình thăng chức làm Ngự sử. Lúc rời khỏi Đoan Châu, quan lại ở Châu phủ cùng người dân không ai dám tặng lễ gì cho ông cả.
Trước ngày đi, người hầu Bao Hưng nói: “Vừa mới đây tiếp quan đình, có thay ngài nhận một món lễ vật của Từ Nhạc Thiên, mong đại nhân đừng trách tội”.
Bao Chửng mở ra xem thì đúng là một chiếc nghiên mực Đoan Khê, còn có một phong thư. Trong thư ngoài việc khen những thành tích của Bao Chửng, còn nói chiếc nghiên mực Đoan Khê này là tổ tiên nhà ông ta truyền lại, mong Bao Chửng nhất định nhận lấy.
Bao Chửng sau khi xem xong thở dài nói: “Ta vất vả bỏ công phu một năm để trừ đi thói xấu tham ô nghiên mực của quan lại Đoan Châu. Bây giờ lại đi lấy nghiên mực Đoan Khê của người khác mang vào kinh thành, điều này há chẳng phải để thiên hạ chê cười hay sao?”. Nói rồi ông cầm nghiên mực Đoan Khê đó ném xuống sông.
Cứ như vậy, Bao Chửng mặc dù làm quan phụ mẫu một năm ở Đoan Châu nhưng lúc rời đi lại không lấy một nghiên mực nào. Việc tuy nhỏ, nhưng thể hiện lối sống thanh liêm của ông, một phẩm chất cao quý, trong sáng không vướng bụi.
Bao Chửng cả đời quang minh lỗi lạc, một nhân cách tốt đẹp, sáng ngời điển hình, quả thực khiến người đời mãi kính phục trong lòng.
Chân Chân