Bành Soái trở thành “diễn viên bất đắc dĩ” dưới bàn tay của đạo diễn ĐCSTQ?
Ngôi sao quần vợt nữ Trung Quốc Bành Soái gần đây liên tục “hiện thân” dưới sự sắp đặt của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) để biểu diễn vở kịch “mọi thứ đều ổn”. Tuy nhiên, ĐCSTQ càng cố gắng “tẩy trắng” mình lại càng lộ ra nhiều sơ hở.
Màn “biểu diễn” dày đặc của Bành Soái dấy lên nhiều nghi ngờ
Từ ngày 19 đến ngày 21/11, các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ đã liên tục đăng tải nhiều đoạn clip về Bành Soái, cố gắng chứng minh với quốc tế rằng Bành Soái vẫn đang “mạnh khỏe”.
Đầu tiên, Thẩm Thi Vĩ (Shen Shiwei), người đứng đầu một phòng ban của “Mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc” (CGTN), cơ quan tuyên truyền nước ngoài của ĐCSTQ, đã đăng 4 bức ảnh về Bành Soái trên Twitter vào ngày 19/11. Hình ảnh cho thấy Bành Soái chụp ảnh với mèo cưng và đang có trạng thái tinh thần khá tốt. Thẩm Thi Vĩ còn nói bức ảnh này là Bành Soái gửi cho vòng tròn bạn bè trên WeChat để chào “cuối tuần vui vẻ”.
Sau đó, Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu của ĐCSTQ, đã đăng hai đoạn video quay cảnh Bành Soái và bạn bè ăn tối trên tài khoản Twitter tiếng Anh của mình vào ngày 20/11. Từ nội dung cuộc nói chuyện, có thể nghe thấy có người cố ý nhắc đến ngày quay video là 20/11.
I acquired two video clips, which show Peng Shuai was having dinner with her coach and friends in a restaurant. The video content clearly shows they are shot on Saturday Beijing time. pic.twitter.com/HxuwB5TfBk
— Hu Xijin 胡锡进 (@HuXijin_GT) November 20, 2021
Vào ngày 21/11, Hồ Tích Tiến lại đăng một đoạn video quay cảnh Bành Soái tham dự lễ khai mạc giải quần vợt thanh thiếu niên ở Bắc Kinh. Trong video, Bành Soái mặc bộ quần áo thể thao cùng các khách mời khác vào sân, còn ký tên lưu niệm cho các em nhỏ, tuy nhiên Bành Soái vẫn im lặng không nói gì, biểu hiện cũng có vẻ mất tự nhiên.
Peng Shuai showed up at the opening ceremony of a teenager tennis match final in Beijing on Sunday morning. Global Times photo reporter Cui Meng captured her at scene. pic.twitter.com/7wlBcTMgGy
— Hu Xijin 胡锡进 (@HuXijin_GT) November 21, 2021
Can any girl fake such sunny smile under pressure? Those who suspect Peng Shuai is under duress, how dark they must be inside. There must be many many forced political performances in their countries. pic.twitter.com/2oDOghBTvA
— Hu Xijin 胡锡进 (@HuXijin_GT) November 21, 2021
Mặc dù những đoạn video này liên tục được đưa ra, nhưng vẫn không làm giảm mối lo ngại của ngoại giới về quyền tự do và an toàn cá nhân của Bành Soái. Có người nghi ngờ Bành Soái có thể bị buộc phải tham dự hoạt động này; cũng có người đặt câu hỏi: “Vì sao Bành Soái không thể tự mình nói trực tiếp, gửi thư điện tử hoặc trả lời phỏng vấn của truyền thông?”.
Có người bình luận dưới video rằng: “Diễn kịch tạo giả là truyền thống vinh quang của đảng ta, ép buộc một vận động viên phối hợp làm bệ đỡ cũng không phải là chuyện trẻ con. Video này của ông có lẽ là được Bộ Tuyên truyền đưa cho”.
Một số cư dân mạng chế nhạo: “Mấy ngày này các đạo diễn chắc phải rất bận rộn, vì chỉ trong thời gian ngắn ngủi phải bồi dưỡng Bành Soái trở thành diễn viên”.
Không ít dân mạng nhận ra vẻ mặt của Bành Soái biểu lộ sự bất an và hành động thiếu tự nhiên, cho nên càng diễn càng khiến người ta khó tin. Có người còn thách thức Hồ Tích Tiến: “Ông có bản lĩnh thì hãy đăng những video này lên Weibo và WeChat”.
Ngoài các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ đang cố gắng “tẩy trắng” sự cố Bành Soái, thì vào ngày 21/11, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cũng đã ra thông báo cho biết, Chủ tịch Thomas Bach đã có cuộc nói chuyện video 30 phút với nữ danh tướng quần vợt Trung Quốc Bành Soái. IOC nói rằng Bành Soái cảm ơn IOC đã quan tâm đến sức khỏe của cô, hiện cô bình an vô sự, đang ở nhà tại Bắc Kinh và mong ngoại giới tôn trọng sự riêng tư của cô.
International Olympic Committee President Thomas Bach had a half-hour video call with Chinese tennis player Peng Shuai, the Olympic governing body said Sunday, amid global concerns about Peng’s safety. https://t.co/MahX5bVca7
— The Washington Post (@washingtonpost) November 21, 2021
Tuy nhiên, động thái này của Ủy ban Olympic Quốc tế không những không xóa bỏ được những lo ngại về sự an toàn của Bành Soái mà còn bị ngoại giới chỉ trích.
Đường Tịnh Viễn, một nhà bình luận về các vấn đề thời sự ở Hoa Kỳ, nói với NTDTV rằng: “Tất cả những lần xuất hiện của Bành Soái đều có một đặc điểm đó là cô ấy không thể nói chuyện, hoặc chỉ có thể nói khi có lãnh đạo cấp cao hơn ở bên cạnh. Điều này cho thấy Bành Soái hiện đang bị quản thúc nghiêm ngặt. Cô ấy lộ diện, chính là bị ép buộc phải lộ diện”. Đường Tịnh Viễn tin rằng sự xuất hiện của Bành Soái càng chứng tỏ rằng cô ấy không còn được tự do.
WTA bắn phát súng đầu tiên vào ĐCSTQ
Sự kiện nữ tướng quần vợt Trung Quốc Bành Soái “biến mất” sau khi tố cáo bị cựu Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ xâm hại tình dục, đã khiến cộng đồng quốc tế náo động. Hiệp hội Quần vợt nữ Quốc tế (WTA), Liên đoàn Quần vợt Quốc tế (ITF), Liên Hợp Quốc và các ngôi sao quần vợt như Novak Djokovic, Andy Murray, Roger Federer, Serena Williams, Osaka Naomi, Martina Navratilova, Billie Jean King,… đều lên tiếng bày tỏ sự quan tâm.
Chủ tịch WTA, ông Steve Simon cũng đã lên tiếng cảnh báo phía Trung Quốc nếu không điều tra sự kiện của Bành Soái, đảm bảo sự an toàn của Bành Soái, thì sẽ không tiếc hy sinh doanh thu hàng trăm triệu đô la để rút khỏi Trung Quốc.
Vào ngày 21/11, WTA đã lên tiếng một lần nữa, tuyên bố rằng các đoạn video trong hai ngày qua không loại bỏ được lo ngại về tình hình hiện tại của Bành Soái. Người phát ngôn của WTA đã viết trong email: “Thật vui khi thấy Bành Soái trong các video gần đây, nhưng chúng (các video) đã không làm giảm bớt hoặc giải quyết mối lo ngại của WTA về sức khỏe của cô ấy và vấn đề giao tiếp dưới sự kiểm duyệt hoặc ép buộc”.
“Video này không thay đổi lời kêu gọi của chúng tôi, kêu gọi một cuộc điều tra đầy đủ, công bằng và minh bạch về cáo buộc tấn công tình dục của cô ấy, đây là vấn đề làm dấy lên lo ngại ban đầu của chúng tôi”, người phát ngôn của WTA cho biết.
Ông Steve Simon trong một cuộc phỏng vấn trên kênh Tennis Channel vào ngày 19/11 đã cho biết: “Một phụ nữ đã đứng lên, lấy hết can đảm để cáo buộc một quan chức cấp cao của chính phủ Trung Quốc tấn công và quấy rối tình dục, nhưng chúng ta đều không thể chắc chắn liệu bây giờ cô ấy có an toàn không”.
Ông cũng cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN rằng vụ việc này liên quan đến tấn công tình dục và quấy rối tình dục, nếu vấn đề không được xử lý thỏa đáng thì các sự kiện của WTA sẽ bị rút khỏi Trung Quốc. Ông nói rằng đây là “vấn đề đúng và sai, hiệp hội sẽ không thỏa hiệp”. Ông kêu gọi ĐCSTQ đảm bảo an toàn cho Bành Soái và yêu cầu nhà chức trách ĐCSTQ tiến hành một cuộc điều tra công khai và minh bạch về vụ tấn công tình dục.
Trong một bức thư gửi cho Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ vào ngày 19/11, ông Steve Simon yêu cầu đại sứ Tần Cương thảo luận “vấn đề khẩn cấp” này với các lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ, hy vọng sẽ giải quyết nó càng sớm càng tốt. Ông cũng yêu cầu chính quyền Bắc Kinh cho phép Bành Soái được rời khỏi Trung Quốc hoặc để ông nói chuyện trực tiếp với Bành Soái qua video mà không có bất kỳ ai bên cạnh.
Ngoài ra, Simon cũng nhắc lại lập trường của WTA, ông tuyên bố rằng nếu không thể đảm bảo an toàn cho các tay vợt Trung Quốc, WTA sẽ không thể tiếp tục tổ chức 9 sự kiện ở Trung Quốc, bao gồm cả trận chung kết giải đấu nổi tiếng dự kiến tổ chức tại Thâm Quyến vào năm 2028.
Không chỉ cộng đồng thể thao toàn cầu đang chú ý đến Bành Soái, mà ngay cả Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng lên tiếng công khai ủng hộ Bành Soái. Vào ngày 21/11, trong khi trả lời phỏng vấn từ truyền thông, ông đã cảnh cáo Trung Quốc, “hãy để Bành Soái được tự do nói chuyện”, nếu không sẽ “áp dụng hành động ngoại giao” đối với ĐCSTQ.
Pierre Haski, Chủ tịch Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), trong một cuộc phỏng vấn với Franceinfo vào ngày 21/11 đã nói rằng, một sự kiện nghiêm trọng như vậy lại diễn ra ngay trước Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh, cho thấy “Trung Quốc đã mắc một sai lầm nghiêm trọng”.
Pierre Haski nói rằng sự việc này cho thấy bộ máy đàn áp của ĐCSTQ thường hành động không do dự và có thể khiến cho bất kỳ ai “biến mất”. Nhưng phong trào #Metoo là mang tính toàn cầu, cùng với sự nổi tiếng của Bành Soái, điều này sẽ khiến tình cảnh trước mắt của ĐCSTQ càng thêm xấu hổ.
Tờ Guardian tại Anh đưa tin, đây không phải là lần đầu tiên những người nổi tiếng Trung Quốc đột ngột “biến mất”, ví dụ như người sáng lập Alibaba Jack Ma, diễn viên Triệu Vy. Điều này khiến cho cộng đồng phương Tây thấy rằng Trung Quốc không coi trọng nền pháp trị và sự minh bạch.
Ông Đường Hạo, nhà phân tích chính trị Trung Quốc, cho rằng sự kiện Bành Soái không những liên quan đến bê bối và lạm quyền của quan chức cấp cao của ĐCSTQ, mà còn phơi bày việc Trung Quốc dưới sự thống trị của ĐCTQ, nơi đâu cũng tràn đầy sự bất bình đẳng quyền lực quan – dân, cho đến cả sự bất bình đẳng về quyền lực tư pháp.
Ông nói: “Nếu ĐCSTQ không có câu trả lời công khai, minh bạch đối với sự kiện của Bành Soái, giống như việc họ đã che giấu dịch bệnh, che giấu virus, bước tiếp theo cộng đồng quốc tế chắc chắn sẽ leo thang tẩy chay ĐCSTQ, tẩy chay Olympic Bắc Kinh vào năm sau. Đến lúc đó, ông Tập Cận Bình và tiếng nói của ĐCSTQ không những bị tổn hại nghiêm trọng, mà còn đẩy nhanh sự kết nối của cộng đồng quốc tế và tăng cường ngăn chặn sự bành trướng quốc tế của ĐCSTQ”.
Cho đến nay, các nhà chức trách Trung Quốc vẫn chưa tiết lộ bất kỳ dấu hiệu nào về việc điều tra Trương Cao Lệ, nhưng họ cũng không yêu cầu Bành Soái xin lỗi công khai về vụ việc. Điều này chứng tỏ những cáo buộc của Bành Soái là có mức độ xác thực nhất định. Mặc dù Bành Soái đã xuất hiện trước công chúng thế giới, nhưng ở trong nước, mọi thông tin liên quan đến cô vẫn đang bị kiểm duyệt gắt gao.
Tờ “New York Times” bình luận rằng, sự cố của Bành Soái đang có tác động rất lớn đến tình hình chính trị Bắc Kinh, thậm chí đã trở thành một chỉ số để đánh giá xem liệu Trung Quốc có phù hợp với việc đăng cai Thế vận hội mùa đông sắp tới hay không.
Tuệ Tâm (Theo NTDTV)