Truyền thông TQ công bố “email của Bành Soái”, bị dân mạng chế giễu là trò lừa đảo
Truyền thông nhà nước Trung Quốc mới đây đã đăng tải một “tuyên bố của Bành Soái” trên Twitter, nói rằng chuyện cô ấy bị tấn công tình dục là không đúng sự thật và hiện cô ấy vẫn đang an toàn ở nhà. Tuy nhiên, cư dân mạng đã phát hiện “tuyên bố” này có vô số sơ hở.
Vào ngày 17/11, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), trực thuộc Đài truyền hình Trung ương CCTV, đã đăng một dòng tweet cho biết Bành Soái (Peng Shuai), ngôi sao quần vợt Trung Quốc từng tố cáo bị cựu phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ xâm hại tình dục, đã gửi email cho Hiệp hội Quần vợt chuyên nghiệp nữ Thế giới (WTA).
Nội dung bức thư như sau: “Xin chào mọi người, tôi là Bành Soái. Về thông tin gần đây được công bố trên trang web chính thức của WTA, nội dung này được tung ra mà chưa có sự xác nhận hoặc xác minh của tôi, cũng như không có sự đồng ý của tôi.
Thông tin trong bản tin này, gồm cả cáo buộc tấn công tình dục, đều không phải là sự thật. Tôi không mất tích, cũng không mất an toàn. Tôi chỉ đang nghỉ ngơi ở nhà và mọi thứ đều ổn”.
Bức thư cũng có đoạn: “Nếu WTA công bố thêm bất kỳ thông tin nào về tôi, vui lòng xác thực với tôi và công bố sau khi có được sự đồng ý của tôi”.
Trước đó vào ngày 2/11, Bành Soái đã đăng tải bài viết trên Weibo tố cáo bị cựu Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ xâm hại tình dục, cuối cùng lại bị Trương bội bạc tình cảm. Vụ bê bối tấn công tình dục liên quan đến nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, và Bành Soái ngay lập tức “biến mất”.
Hơn 10 ngày sau khi Bành Soái mất liên lạc với thế giới bên ngoài, vào ngày 14/11, WTA cho biết trong một tuyên bố rằng họ sẽ theo đuổi “một cuộc điều tra toàn diện, công bằng và minh bạch về các cáo buộc tấn công tình dục đối với cựu lãnh đạo Trung Quốc (Trương Cao Lệ)”.
Steve Simon, chủ tịch và giám đốc điều hành của WTA, đã tweet vào ngày 18/11 nói rằng “tuyên bố của Bành Soái” lại được đưa ra bởi các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khiến ông lo lắng nhiều hơn về sự an toàn của Bành Soái.
Ông nói: “Tuyên bố của các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc vào hôm nay về Bành Soái, chỉ khiến tôi lo lắng về sự an toàn và tung tích của cô ấy. Tôi khó có thể tin rằng Bành Soái thực sự đã viết bức email mà chúng tôi nhận được, hay tin rằng điều này là do lỗi của cô ấy.
Bành Soái đang thể hiện sự dũng cảm đáng kinh ngạc khi cáo buộc một cựu quan chức cấp cao của Chính phủ Trung Quốc tấn công tình dục cô. Cả WTA và phần còn lại của thế giới đều cần bằng chứng độc lập và có thể kiểm chứng, để chứng minh rằng cô ấy vẫn an toàn. Tôi đã thử nhiều cách để liên lạc với cô ấy, nhưng đều vô ích”.
Các quan sát viên có nhiều hoài nghi về bối cảnh viết bức thư này. Liệu có phải Bành Soái tự mình viết không? Bành Soái đã viết trong trạng thái hoàn toàn tự nguyện hay có người khác viết thay hoặc bị mạo danh? Liệu bức thư có bị sửa đổi sau khi được gửi đi hay không.
Một số nhà bình luận cho rằng nếu Bành Soái nghĩ sự việc không đúng sự thật, cô ấy hoàn toàn có thể tự mình giải thích hoặc tổ chức một cuộc họp báo, hoặc liên hệ với WTA để làm rõ sự thật. Nếu đây không phải là sự thật, thì vì sao cô ấy không sớm làm rõ vụ việc nếu cô đang ở Trung Quốc? CGTN, công ty trực thuộc CCTV, công bố bức thư ngỏ thay cho Bành Soái vào lúc này, chỉ như tự bôi xấu bản thân.
Ngoài ra, cư dân mạng cũng phát hiện cái gọi là “tuyên bố của Bành Soái” lại có trăm phần sơ hở. Trong “ảnh chụp màn hình email” mà CGTN công bố, không thể nhìn thấy chữ ký ở cuối thư, cũng không có ngày tháng gửi. Hơn nữa từ “and” ở giữa còn có dấu trỏ chuột, chứng tỏ email này lúc đó vẫn đang chỉnh sửa, căn bản không có gửi đi.
Đối với việc này, không ít cư dân mạng chế giễu, nói: “Là Bành Soái (hay là các vị) quên bấm ‘gửi đi’ vậy?”; “Tất cả chúng ta đều thấy con trỏ chuột nha”; “Đại ca, làm giả cũng phải có tâm chứ, con trỏ trong tài liệu word vẫn còn đó mà đã trực tiếp chụp ảnh màn hình là sao?”; “Vừa nhìn là đã biết bị ép buộc”; “Kênh truyền thông nhà nước mà lại không biết hành vi như vậy sẽ bị thế giới bên ngoài coi là đáng xấu hổ hay sao?”.
Liu Shasha, một cư dân mạng Twitter cho biết: “Hoàn toàn không phải phong cách ngôn ngữ của Bành Soái, mà chính là giọng điệu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, khẩu khí lạnh lùng gượng gạo”.
NewLife chế giễu: “Độ tin cậy kém hơn quá xa so với nhận tội trên truyền hình”.
Sherman đáp lại: “Nếu cần thiết, bạn có thể nhận tội trên TV”.
Khi Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 đang đến gần, tung tích của Bành Soái lại ngày càng nhận được nhiều sự chú ý. Trong những ngày gần đây, bên cạnh sự ủng hộ của Hiệp hội Quần vợt chuyên nghiệp nữ Thế giới, nhiều danh thủ quần vợt cũng đã lên tiếng ủng hộ.
Trên tài khoản Twitter ngày 16/11, tay vợt nữ người Nhật Bản Naomi Osaka cho rằng “không bao giờ chấp nhận được kiểm duyệt dù là hình thức nào, tôi hy vọng Bành Soái và gia đình cô vẫn khỏe”.
Tại buổi họp báo trước đó một ngày trong khuôn khổ giải Masters ATP Torino (Ý), tay vợt số một thế giới người Serbia Novak Djokovic cho biết thấy “sốc” vì tin tay vợt Trung Quốc “mất tích”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khi được các phóng viên hỏi về vụ việc đã không đưa thêm chi tiết nào về vụ việc. Ông Triệu Lập Kiên nói: “Đây không phải là một vấn đề đối ngoại, và tôi không biết về tình hình mà các vị đề cập đến”. Tuy nhiên, trong các bài viết do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố, tất cả các câu hỏi và câu trả lời liên quan đến Bành Soái đã bị xóa.
Tay vợt Bành Soái 35 tuổi là tay vợt nổi tiếng người Trung Quốc, với thứ hạng 14 thế giới ở nội dung đánh đơn. Cô đã lọt vào top 16 trong giải đấu Australian Open và Wimbledon, thậm chí là top 4 tại giải US Open.
Trong Giải vô địch quần vợt Wimbledon 2013, cô và tuyển thủ Tạ Thục Vi của Đài Loan đã giành giải vô địch ở nội dung đánh đôi. Ngày 17/2/2014, hai người lại giành giải vô địch Qatar Open. Bành Soái chính thức trở thành cặp đôi số 1 thế giới ở nội dung đánh đôi. Cô cũng là tay vợt nữ số 1 thế giới của châu Á khác ở nội dung đánh đôi, sau tay vợt Nhật Bản Ai Sugiyama.
Tuệ Tâm (Theo NTDTV)