Băng ở Greenland nguy cơ tan chảy làm rò rỉ phóng xạ và hóa chất độc hại nghiêm trọng
Băng trên đảo Greenland có thể sẽ tan chảy vào cuối thế kỷ này. Điều nguy hiểm là việc này sẽ làm rò rỉ chất thải hạt nhân độc hại từ khu căn cứ quân sự bí mật của Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters hôm 4/8, các nhà khoa học tại Đại học York, Canada, đánh giá lượng chất thải nguy hại còn sót lại ở khu căn cứ Camp Century (Trại Thế kỷ), đồng thời sử dụng mô hình biến đổi khí hậu để xác định nguy cơ của chúng trong tương lai.
Mỹ xây dựng khu căn cứ quân sự bí mật Camp Century trên đảo Greenland vào năm 1959, Business Times cho biết. Đây là nơi thực hiện nhiều thí nghiệm trong thời kỳ Chiến tranh lạnh bao gồm dự án Iceworm (Sâu băng) nhằm lắp đặt và lưu trữ tên lửa hạt nhân tầm trung bên dưới lớp băng Bắc Cực.
Năm 1967, Mỹ phát hiện điều kiện môi trường tại Camp Century không ổn định nên họ chấm dứt dự án và rời bỏ khu căn cứ. Các nhà nghiên cứu lúc đó tin rằng, mọi chất thải độc hại sẽ an toàn do chúng nằm dưới lớp băng dày và tuyết rơi không ngừng.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu trên cho thấy, lớp băng bao phủ Camp Century ở Bắc Cực có thể bắt đầu tan chảy vào cuối thế kỷ này. Khi đó, cơ sở hạ tầng của khu căn cứ dần lộ ra, các chất thải độc hại (sinh học, hóa học, chất phóng xạ…) sẽ xâm nhập vào đại dương, ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển.
Lượng chất thải của Camp Century bao phủ diện tích 55 ha (0,55 km2), bao gồm 200.000 lít dầu diesel, một lượng lớn nước làm mát nhiễm phóng xạ nồng độ thấp từ máy phát điện hạt nhân và polychlorinated biphenyls (PCBs).
PCBs có thể gây tác hại nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe con người, động vật như gây ung thư, tổn thương gene, hệ thần kinh, hệ miễn dịch, gây rối loạn sinh sản,… Do đó việc sử dụng và sản xuất PCBs hiện nay đã bị cấm hay bị hạn chế một cách nghiêm ngặt ở nhiều nước.
“Khi lớp băng dày phủ trên khu căn cứ Camp Century bắt đầu tan, việc rò rỉ hóa chất và phóng xạ hạt nhân chỉ còn là vấn đề thời gian, không có cách nào để đảo ngược“, William Colgan, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Theo VNExpress