Anh cân nhắc lại rủi ro của Huawei đối với an ninh quốc gia
Ngày 24/5 Chính phủ Anh xác nhận, Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia (NCSC) đang tiến hành đánh giá thêm những yếu tố rủi ro trên các sản phẩm của Huawei. Động thái này có thể được xem là kết quả của lệnh trừng phạt từ Mỹ, UK Express đưa tin.
Chi nhánh của Trụ sở Truyền thông Chính phủ (GCHQ), đã đưa ra quyết định trên sau cuộc họp ngày 19/5. Phát ngôn viên của chính phủ Anh cho biết: “Vấn đề an ninh và khả năng phục hồi các hệ thống mạng của chúng tôi là điều vô cùng quan trọng”.
“Sau thông báo về các biện pháp trừng phạt bổ sung của Mỹ đối với tập đoàn Huawei, NCSC cũng đang xem xét cẩn thận mọi tác động có thể có đối với hệ thống mạng của Vương quốc Anh”.
Các quan chức an ninh Anh lo ngại rằng, các lệnh trừng phạt sẽ thúc đẩy Trung Quốc sử dụng lựa chọn các thiết bị thay thế rẻ hơn và kém an toàn hơn.
Ngày 19/5, Hội đồng Bảo an Quốc gia đưa ra quyết định xem xét lại đánh giá kỹ thuật của thiết bị Huawei, đây là lần đầu tiên quyết định được đưa ra trước cuộc họp tại Ủy ban nội các kể từ tháng 2.
Đánh giá được các thành viên cấp cao Đảng Bảo thủ Anh hoan nghênh, một dấu hiệu cho thấy Thủ tướng Boris Johnson đang chuẩn bị thay đổi “đường đi nước bước” đối với tập đoàn Huawei.
Điều này diễn ra sau khi Thủ tướng Johnson ban hành quyết định vào tháng 1, cho phép công ty Huawei cung cấp đến 35% các bộ phận không trọng yếu cho cơ sở hạ tầng 5G của Anh, và điều này đã gây ra tranh cãi trong Đảng Bảo thủ.
Mặc dù bản đánh giá ban đầu của NCSC về Huawei không được công bố, nhưng một bài đăng trên blog đã đặt ra một số cân nhắc về bảo mật được đưa lên trang web của trung tâm.
Bài viết kết luận rằng, các nhà cung cấp có tính rủi ro cao như Huawei không nên được phép tham gia vào các bộ phận trọng yếu của mạng 5G Anh, và đề nghị giới hạn ở mức 35%.
Nghị sĩ Bob Seely – lãnh đạo nhóm lợi ích Huawei của các thành viên Đảng Bảo thủ, đã biểu thị thái độ quan ngại về các rủi ro do công ty này gây ra, cho rằng mối lo ngại về Huawei đang ngày một gia tăng.
Ông nói: “Rõ ràng là việc này đang trở nên ngày càng khó khăn [đối với các bộ trưởng] khi nghĩ rằng, bằng việc thông qua luật pháp sẽ tạo cơ sở pháp lý cho Huawei tham gia vào mạng 5G tiên tiến”.
Chính quyền Trump đã công bố kế hoạch trong tháng này, nhằm ngăn chặn nguồn cung chip toàn cầu cho Huawei. Đây được xem là động thái mới nhất trong chiến dịch phối hợp chống lại công ty viễn thông Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh ngày một leo thang.
Theo quy định, giấy phép của chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu: chỉ bán cho Huawei các loại chất bán dẫn được sản xuất ở nước ngoài bằng công nghệ Mỹ, điều này làm hạn chế xuất khẩu đối với công ty Huawei.
Bởi vì chất bán dẫn là thứ rất cần thiết để sản xuất thiết bị viễn thông và điện thoại thông minh.
Nghị sĩ Tom Tugendhat – chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh cho biết: “Sự thay đổi trong quy định của Hoa Kỳ khi từ chối bán những con chip mà Huawei yêu cầu, sẽ khiến công ty Trung Quốc này tìm đến các nhà sản xuất không thể kiểm chứng, điều này khiến Huawei trở thành rủi ro to lớn hơn”.
Ông Victor Zhang – Phó chủ tịch Huawei cho biết: “Ưu tiên của chúng tôi vẫn là tiếp tục triển khai mạng 5G đáng tin cậy và an toàn trên khắp nước Anh”.
“Chúng tôi rất vui khi được thảo luận với NCSC về bất kỳ mối quan tâm nào của họ và hy vọng sẽ tiếp tục mối quan hệ làm việc chặt chẽ mà chúng tôi đã có được trong 10 năm qua”.
Huawei luôn phủ nhận họ có thể có bất kỳ rủi ro bảo mật nào, đồng thời khẳng định mình là một công ty tư nhân, không chịu sự can thiệp của nhà nước Trung Quốc.
Thiện Thành (Theo UK Express)